Thấy gì từ vụ cựu lãnh đạo 2 bộ Y tế và KH&CN bị kỷ luật nghiêm?

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có những bước đi bài bản, chắc chắn và tiếp tục phục hồi niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Thông cáo báo chí kỳ họp 13, 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không mô tả chi tiết về vi phạm, khuyết điểm của các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc (ở cương vị bí thư và ủy viên Ban cán sự đảng Bộ KH&CN) và ông Nguyễn Thanh Long (Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế). Điều ấy mới nhìn sơ qua sẽ có người cảm thấy… “là lạ”. Tuy nhiên, xem xét kỹ các quy định liên quan sẽ thấy điều tưởng chừng “là lạ” ấy là điều bình thường.

Ngày 17-5, cơ quan kiểm tra Đảng chỉ thi hành kỷ luật cảnh cáo theo thẩm quyền với ông Tạc và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật hai ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long. Ở cuộc họp “2 trong 1” Bộ Chính trị - Ban bí thư ngày 4-6, hai cơ quan này đều đánh giá cả ba quan chức trên đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng. Đó là: (1) Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; (2) Vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (3) Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm cùng Quy định trách nhiệm nêu gương.

Hậu quả của những vi phạm, khuyết điểm ấy là: (1) Gây hậu quả rất nghiêm trọng; (2) Làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; (3) Ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch COVID-19; (4) Gây bức xúc trong xã hội; (5) Ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng cùng hai bộ Y tế và KH&CN.

Thay vì án kỷ luật cảnh cáo mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành, Ban bí thư bỏ qua hình thức tiếp theo là cách chức, quyết định kỷ luật khai trừ khỏi Đảng với ông Phạm Công Tạc.

Bộ Chính trị cũng không quyết định thi hành kỷ luật như đề nghị, mà trình để Ban chấp hành Trung ương trong phiên họp bất thường sau đó bỏ phiếu, thi hành kỷ luật ở mức nghiêm khắc nhất - khai trừ khỏi Đảng - với hai ủy viên Trung ương đương chức Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long.

Gói gọn trong ngày 7-6, Quốc hội, Ban chấp hành Đảng bộ cùng HĐND TP Hà Nội đã có phần họp bất thường bãi nhiệm tư cách đại biểu dân cử và phê chuẩn đề nghị cách chức với hai nhân vật này...

Nhưng tất cả những gì có vẻ “là lạ” ấy lại rất bình thường. Bình thường là bởi kiểm tra Đảng độc lập với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà cụ thể trong trường hợp này là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ kiểm tra, kết luận và thi hành kỷ luật hoặc đề nghị thi hành kỷ luật về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách đảng viên, trong nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của các ông Tạc, Long, Anh ở tư cách bí thư hoặc ủy viên Ban cán sự đảng.

Còn cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi, tiền bạc cụ thể của không chỉ những cán bộ, đảng viên này mà cả vợ con, người thân của họ. Và những phát hiện ấy, chứng cứ ấy được chuyển tới đầu mối Ủy ban Kiểm tra Trung ương để báo cáo bổ sung với Bộ Chính trị, Ban bí thư… ra các quyết định nghiêm khắc như đã nêu.

Cũng không có gì là bất thường, bởi như nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng chia sẻ: Ban chấp hành Trung ương hay Quốc hội đều có thẩm quyền để tiến hành những cuộc họp như vậy. Lịch sử vận động và phát triển của Đảng đã có những tiền lệ về những phiên họp Ban chấp hành Trung ương chỉ mở ra để xem xét, quyết định vấn đề kỷ luật của Đảng.

“Bất thường nhưng bình thường. Quan trọng là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có những bước đi bài bản, chắc chắn hơn. Chỉ bằng cách ấy mới tiếp tục phục hồi niềm tin của Nhân dân với Đảng” - ông Hùng, vẫn sôi nổi như thế, trong khí chất của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6 (lần hai), cũng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, của 23 năm trước.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-gi-tu-vu-cuu-lanh-dao-2-bo-y-te-va-kh-cn-bi-ky-luat-nghiem-post683608.html