Thấy gì từ vụ kẻ giết con trai có tiền sử bệnh động kinh?

Vụ nghi phạm sát hại con trai 4 tuổi ở Thanh Hóa là bài học cho công tác quản lý người mắc bệnh tâm thần trong xã hội.

Ngày 5/2, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết sau 7 giờ gây án sát hại con trai 4 tuổi ở Thanh Hóa, N.P.Q. (SN 1993) đãbị lực lượng công an bắt giữ khi đang lẩn trốn tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo chính quyền địa phương, N.P.Q. có tiền sử bệnh động kinh, hiện đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Đối tượng N.P.Q. tại cơ quan Công an.

Đối tượng N.P.Q. tại cơ quan Công an.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ việc là một bi kịch khi cháu bé bị sát hại bởi chính cha ruột của mình. Điều đáng chú ý là người đàn ông này không bình thường.

Pháp luật quy định, cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu người nào đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình nhưng vẫn cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác thì có thể bị xử lý về tội giết người.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Bởi vậy, trong vụ việc này, bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháu bé tử vong là bị sát hại. Cơ quan chức năng sẽ khẩn trương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, bắt giữ đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp thấy đối tượng có biểu hiện tâm thần, không nhận thức được hành vi của mình thì sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy, tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại cháu bé mà người này không nhận thức được hành vi của mình do bệnh lý thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm do không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (không có lỗi).

Còn trường hợp kết quả giám định pháp y tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì vẫn xử lý hình sự tuy nhiên yếu tố bệnh lý tác động khiến đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình", luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Cường, kết quả khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của đối tượng này tại thời điểm sát hại cháu bé là căn cứ quyết định đến việc xử lý, giải quyết vụ án. Dù giải quyết theo hướng nào chăng nữa thì vụ việc này cũng là một câu chuyện hết sức đau lòng khi cháu bé còn quá nhỏ tuổi lại bị sát hại bởi chính cha ruột của mình. Vụ việc này cũng cho thấy nguy cơ mất an toàn hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đối với những người mắc bệnh tâm thần làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức.

Vụ việc này sẽ là bài học cho công tác quản lý người mắc bệnh tâm thần trong xã hội. Tâm lý chung của những người thân trong gia đình là muốn được trực tiếp chăm sóc, chữa trị cho người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, không phải người mắc bệnh tâm thần nào cũng hiền lành, dù người không kiểm soát được cảm xúc nên sẵn sàng có thể gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người xung quanh.

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc gây thiệt hại do người tâm thần gây ra, công tác quản lý đối với nhóm người này trong xã hội cần phải được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là với những người tâm thần có nguy cơ gây ra thiệt hại cho những người xung quanh thì cần phải có những biện pháp quản lý đặc biệt. Cần thiết có thể đưa vào các trại tập trung để quản lý, điều trị, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh quanh.

Xem thêm video: Lời khai mới nhất của nghi phạm sát hại cô gái 21 tuổi ở Hà Nội

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thay-gi-tu-vu-ke-giet-con-trai-co-tien-su-benh-dong-kinh-2078529.html