Thấy gì từ vụ phụ huynh đánh bạn học của con chấn động não phải nhập viện?
Sau vụ học sinh ở Quảng Ngãi bị phụ huynh của bạn học cùng lớp đánh đến nỗi phải nhập viện cấp cứu, chuyên gia cho rằng đây thực sự là một hệ quả của một chuỗi các hành vi lệch chuẩn.
Đánh vào những vị trí hiểm yếu khiến học sinh phải nhập viện cấp cứu
Mới đây, vụ việc một học sinh bị phụ huynh của một học sinh cùng lớp khác dùng nắm đấm, cùi chỏ, đầu gối đánh vào những vị trí hiểm yếu khiến em này phải nhập viện cấp cứu và điều trị xảy ra tại Quảng Ngãi. Nạn nhân trong vụ việc trên là em L.G.K, học sinh Trường THCS Thị trấn La Hà (Quảng Ngãi).
Chia sẻ với báo chí, ông L.V.L. - cha của em K. cho biết, theo hình ảnh trích xuất từ camera của người dân, ông P.T.M và cháu K. dừng lại nói chuyện khoảng 30 giây. Sau đó ông P.T.M lao vào đánh đập, khi cháu K. phản kháng thì ông P.T.M dùng nắm đấm, cùi chỏ, đầu gối… đánh vào những vị trí hiểm trên cơ thể. Đánh xong, ông P.T.M bỏ đi, cháu K. ngồi gục xuống nền đường, một lúc sau đứng dậy.
"Lúc đó cháu được cô giáo ở trường phát hiện, thấy máu ở mũi chảy nhiều nên đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa điều trị, rồi gọi cho tôi lên. Khi lên đến thấy con dính máu đầy người, lúc đó tôi hoảng loạn, không biết chuyện gì xảy đã ra. Một lúc sau mới hay chuyện bị phụ huynh của bạn cùng lớp đánh… Con trai tôi bị nôn ói, chảy máu mũi. Thấy chuyển biến nặng, các y bác sĩ đã chuyển cháu lên BVĐK tỉnh Quảng Ngãi để cấp cứu", ông L.V.L chia sẻ.
Theo ông L., con trai ông và cháu P.D.Kh. (con trai ông P.T.M) học cùng lớp, xuất phát từ chuyện hiểu lầm về việc giấu máy tính học tập nên hai em này xảy ra mâu thuẫn nhưng không đến mức xô xát. "Theo hồ sơ bệnh án của BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, con tôi bị sưng đau nhiều vùng đầu, mặt, xây xát ở hai vai do bị đánh, nôn ói. Sau khi chụp X quang, bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn động não và chuyển vào điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh. Ngoài những vết thương kể trên, cháu còn bị bể một chiếc răng, chấn thương quai hàm. Từ hôm bị đánh cháu ăn uống rất khó khăn, sức khỏe suy giảm, tâm lý bất an…".
"Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quyền của trẻ em"
Trước sự việc trên, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.Bùi Thị Hậu - chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Trung tâm An Phúc cho rằng, sự việc phụ huynh đánh cháu K. đến nhập viện, thoạt nghe qua khiến chúng ta không thể nghĩ rằng tại sao một người lớn lại có thể nông nổi và đã có những hành vi gây hấn đến không thể chấp nhận đến vậy. Nhìn từ góc độ khoa học tâm lý, đây thực sự là một hệ quả của một chuỗi các hành vi lệch chuẩn.
Theo ThS.Bùi Thị Hậu, trước hết, sự việc đáng tiếc này xảy ra xuất phát từ việc cha mẹ và học sinh đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cũng như các phương pháp về tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình.
Ở đây, có thể xuất phát từ sự "xót con" khi nghe con kể về chuyện có xô xát nhẹ với bạn học cùng lớp, mà theo như ông bố này, có thể ông bố cho rằng giải quyết như vậy chưa được thỏa mãn, nên ông muốn đi tìm "sự công bằng cho con mình". Và xuất phát từ đó, ông chưa kịp tìm hiểu và lắng nghe ở cả ba bên: bạn học, thầy cô ở trường, các bạn học chung trong lớp…, ông đã chọn cách: xử xự bằng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Nên có thể đối với ông, ông cho rằng: xuất phát từ sự yêu thương con, thấy bất bình cho con, nên ông đã không thể kiểm soát được cảm xúc, nó lấn át qua cả phần lý trí về hiểu biết pháp luật dẫn đến hành vi bạo lực và cuối cùng là làm tổn thương nghiêm trọng đến cháu K.
"Tổn thương này là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quyền của trẻ em! Khi bạo lực với người lớn vốn là điều không thể chấp nhận được thì bạo lực với trẻ em lại càng là một đề không thể chấp nhận".
Đối với cháu K. - là một học sinh mới chỉ 14 tuổi. Cháu cũng là một trong những hình ảnh đại diện của lứa tuổi thanh thiếu niên đang có những biến động về tâm sinh lý, khi mà mọi kỹ năng còn đang được học tập để trở nên hoàn thiện hơn.
Thực tế, đa phần trẻ trong lứa tuổi này đều thiếu rất nhiều kỹ năng giải quyết xung đột và tự bảo vệ mình trong những tình huống bạo lực khẩn cấp. Khi quan sát hành vi của cháu K. phản ứng lại với phụ huynh M., chúng ta có thể thấy cháu K. cũng có một vài biểu hiện như: đánh trả lại… biểu hiện này có thể thấy cháu chưa lường trước được nguy hiểm: họ mạnh hơn mình, xung quanh không có ai bảo vệ mình,… nên hành vi đánh trả lại này cũng là hành vi có thể làm cho đối phương thêm phần bực tức hơn. Tuy nhiên, nó là một phản ứng tự vệ của trẻ và có thể ngay tại lúc đó, cảm xúc của cháu cũng chưa thể làm chủ được mình. Nó là tiếng còi đáng báo động về kỹ năng giải quyết xung đột ở trẻ!
"Sau nữa, sự việc này cũng nhắc gia đình và nhà trường cần để ý hơn nữa đến các vấn đề đời sống của các em. Tôi thiết nghĩ, liệu đâu đó chúng ta đã và đang quan tâm đến việc báo cáo và tổng kết về năm học vừa qua đã đúng và đủ chưa khi mà hầu hết các báo cáo trong nhà trường và gia đình đều đề cập thành tích học tập của các em là đạt hay không đạt, là đạt ở điểm A+, A, B… hơn là việc đề cập đến sức khỏe tâm trí của các con đã được bảo vệ và nuôi dưỡng như thế nào trong năm học vừa qua. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách chất lượng hơn vì cứ một vài tháng sẽ lại nổi lên một tin tức về bạo lực gần tương đồng này trong xã hội của chúng ta".
Để đảm bảo an toàn cho các em, theo chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hậu, đối với cha mẹ, hãy bình tĩnh trong mọi trường hợp. Chúng ta không chỉ làm gương cho một cách giải quyết vấn đề mà chúng ta đang làm gương cho cả một nhân cách thế hệ mai sau. Các bậc cha mẹ hãy bĩnh tĩnh lắng nghe con chia sẻ, hãy hỏi chi tiết lại và tìm cách giải quyết trong hòa bình và khôn ngoan nhất. "Đối với nhà trường, cần có phòng tâm lý học đường với các nhà chuyên môn tốt để mọi mẫu thuẫn có thể phòng ngừa được trước, hơn là tập trung đi giải quyết xung đột bạo lực đã xảy ra. Hãy có những giờ chính khóa cho các bộ môn tâm hồn của trẻ em", ThS. Bùi Thị Hậu nêu giải pháp.