Thầy giáo 34 năm gieo chữ giữa đại ngàn, chăm lo học sinh từng miếng ăn giấc ngủ

Nửa đời người gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy Nguyễn Duy Tiến luôn tâm niệm phải làm sao để học sinh gắn bó với trường lớp như nhà của mình.

Buổi chiều mưa 34 năm về trước, mảnh đất huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) chào đón chàng trai quê ở Thái Bình về dạy học. Chàng thanh niên đó là Nguyễn Duy Tiến, nay là hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

Nửa đời người cõng chữ lên non

Thầy Nguyễn Duy Tiến khi đó mới 17 tuổi, người gầy, nước da ngăm đen. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu dài khoảng 30km nhưng hai cha con thầy Tiến phải cuốc bộ cả ngày mới đến điểm trường. Thật ra 34 năm trước hay bây giờ, con đường đó cũng không khác là mấy. Đó là đường mòn nhỏ, bên là núi, bên vực sâu. Ngày mưa gió, bùn ngập nửa bánh xe.

Huyện Trạm Tấu được xem là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước, người dân hay gọi vui là “huyện ngõ cụt”.

Những ngày đầu ở đây chưa quen vì không biết tiếng người địa phương, cơ sở vật chất cũng gần như không có gì, không có điện, không có nước sạch… khiến thầy Tiến gặp không ít khó khăn. Dù vậy, thầy lúc nào cũng tâm niệm làm sao giúp được các em vùng cao có thể đi học, biết được con chữ.

Thầy sống cùng bà con và bắt đầu học ngôn ngữ của người địa phương. Thời gian cứ thế trôi đi thấm thoát đã nửa đời người.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Tiến - 34 năm gắn bó với giáo dục vùng cao. (Ảnh: V.N)

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Tiến - 34 năm gắn bó với giáo dục vùng cao. (Ảnh: V.N)

Trong đội ngũ “giáo viên cắm bản” từ miền xuôi lên miền ngược 34 năm về trước, đến nay vẫn chỉ thầy Tiến “trụ” lại.

Nhiều lần chúng tôi đón các bạn thực tập sinh, giáo viên ở miền xuôi lên đây dạy học. Nhiều người không chịu được khổ nên không ở lại được. Có cậu thanh niên lên đây được nửa ngày chiều lẻn về, chưa kịp chào câu nào. Để dạy được ở vùng cao bên cạnh chuyên môn cũng cần cái tâm – cái tâm gắn bó với giáo dục, yêu thương học sinh”, thầy Tiến nói.

Với suy nghĩ đó, nên cứ trường nào, địa bàn nào khó khăn nhất thầy đều xung phong nhận nhiệm vụ. Vì vậy bên cạnh tấm lòng yêu thương học sinh, thầy Nguyễn Duy Tiến còn nổi tiếng như Đôn Kihôtê. Đến nay thầy Tiến công tác tại 6 trường và đều làm chức vụ hiệu trưởng. Thế hệ học trò của thầy nhiều người làm lãnh đạo tại địa phương hoặc đang công tác trong ngành giáo dục. Thầy nhiều lần nhận bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái cũng như Bộ GD&ĐT.

Hành trình 34 năm cắm bản với thầy Tiến đó là hành trình dài mà bản thân luôn cảm thấy tự hào. Nghề giáo viên là nghề cao quý. Sự cao đẹp của nghề nằm ở việc mang lại giá trị cho đời. Công việc của những giáo viên cắm bản cũng rất đáng được hoan nghênh khi họ bỏ lại gia đình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Thầy Tiến mong Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên vùng cao.

Thầy Tiến luôn tâm niệm phải làm sao học sinh yêu mến trường học như ngôi nhà thứ hai. (Ảnh:V.N)

Thầy Tiến luôn tâm niệm phải làm sao học sinh yêu mến trường học như ngôi nhà thứ hai. (Ảnh:V.N)

Khởi xướng mô hình bữa ăn bán trú

Mấy năm trước, nếu hỏi những đứa trẻ ở Yên Bái: Con ăn cơm với gì? thì các em hồn nhiên trả lời: “Con ăn cơm chan với nước suối”. Nhưng, nếudịp quay lại những ngôi trường (dù khó khăn nhất) của các tỉnh, ai cũng phải ngỡ ngàng khi thấy những luống rau xanh mướt, những bữa cơm có thịt.

Mô hình này được gọi là “bữa ăn bán trú”. Có thể nói bữa ăn bán trú đã làm thay đổi diện mạo của giáo dục vùng cao. Ý nghĩa thiết thực nhất của mô hình này là học sinh không còn bị đói khi đi học. Sáng kiến giúp gia đình, nhà trường, học sinh gắn bó hơn bởi trường học cũng là ngôi nhà thứ 2 của các em.

Nhưng ít ai biết, người nhen nhóm về mô hình bữa ăn bán trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc là thầy Nguyễn Duy Tiến.

Mô hình bữa ăn bán trú thay đổi giáo dục vùng cao. (Ảnh: V.N)

Mô hình bữa ăn bán trú thay đổi giáo dục vùng cao. (Ảnh: V.N)

Tháng 8/1991, thầy Tiến buốt lòng khi thấy học sinh của mình thổi lửa nấu cơm. Mỗi nhóm trẻ khoảng 5-6 em được chia một khoảng đất nhỏ trong khuôn viên trường, bắt đầu đắp bếp nấu cơm.

Những ngày mưa, bếp cứ nhóm được chốc lại tắt. Học sinh như bầy chim non tíu tít bên bếp lửa; đứa thì che bếp cho khỏi mưa, đứa thì ôm nắm gạo trong lòng.

Thời điểm đó, học sinh học xa nhà đều được phụ huynh chuẩn bị cho một ít cơm ăn kèm với măng cay lúc đói lòng. Thương học sinh, thầy Tiến luôn mơ ước có một ngôi trường mà ở đó các em được ăn ngon, ngủ ấm.

Nhiều đêm suy nghĩ, thầy bắt đầu giao cho giáo viên tổ chức gom gạo rồi hướng dẫn học sinh nấu cơm, trồng rau, nuôi gà, lợn.

Nhờ những cố gắng của thầy cô, nhà trường bắt đầu tổ chức nấu bữa ăn bán trú đầu tiên cho học sinh. Bữa cơm có thịt, có rau xanh…đầy đủ về dinh dưỡng. Học sinh rất thích thú, các em không còn đói và thêm yêu trường hơn.

Thấy sự thành công của mô hình bữa ăn bán trú do thầy Nguyễn Duy Tiến khởi xướng, các trường lân cận bắt đầu học tập và làm theo. Dần dần các trường tại huyện Trạm Tấu nơi đâu cũng có bữa ăn bán trú. Mô hình được đà nhân rộng khắp các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đến năm 2010, mô hình này được Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và thay đổi tên gọi thành: trường Phổ thông Dân tộc Bán trú.

Nhờ có mô hình bữa ăn bán trú, học sinh yên tâm đến trường. (Ảnh: V.N)

Nhờ có mô hình bữa ăn bán trú, học sinh yên tâm đến trường. (Ảnh: V.N)

“Trong ngành giáo dục vùng cao đã 34 năm, tôi nhận thấy để lôi kéo học sinh đi học thì đầu tiên phải cho các em ăn ngon, mặc ấm. Đây cũng là khía cạnh tình yêu thương trong giáo dục. Thương học sinh nên ban đầu tôi vận động giáo viên, phụ huynh quyên góp gạo, tự trồng rau trong khuôn viên trường học, nuôi gà, nuôi lợn, nấu cơm phục vụ các em ăn trưa", thầy Tiến tâm sự.

Sau này nhờ sự quan tâm của nhà nước, học sinh vùng cao được trợ cấp tiền ăn 500.000 đồng/ tháng. Không chỉ có bữa ăn bán trú mà các em còn được ở trường. Phụ huynh yên tâm hơn khi giao con cho nhà trường. Còn học sinh thì vui vẻ vì đến trường được các thầy cô chăm sóc, ăn uống đầy đủ.

Ngày 20/11 năm nay, như thông lệ trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Bản Công sẽ tổ chức một bữa ăn phục vụ tất cả học sinh. Bữa ăn có rau, thịt do chính thầy cô, học sinh chăm sóc, nuôi trồng. Trong một góc khuôn viên của nhà trường, những luống rau xanh mướt như minh chứng cho sức sống và sự thay da đổi thịt từng ngày của giáo dục vùng cao.

Vũ Ninh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thay-giao-34-nam-gieo-chu-giua-dai-ngan-cham-lo-hoc-sinh-tung-mieng-an-giac-ngu-ar581315.html