Thầy giáo 8X với cơ duyên dạy 3 thế hệ ở Mường Lát
17 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Nam Sơn (sinh năm 1980, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát) chia sẻ điều may mắn khi nhiều lần là thầy của cả 3 thế hệ trong cùng một gia đình.
Thầy giáo 8X có cơ duyên này nhờ quãng thời gian dài công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Sơn kể, năm 2003, anh là giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát).
Đến năm 2004, Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện Mường Lát được thành lập, anh được điều động về làm giáo viên của trung tâm. Vì lẽ đó, học trò của anh có đủ độ tuổi, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1958, gần gấp đôi số tuổi của anh Sơn khi đó.
“Nhiều người là anh, chị của tôi, thậm chí đang là cán bộ của các xã, cần phải có bằng bổ túc để tiếp tục công tác. Có những nhà mà 2 bố con cùng đi học. Ngoài ra là những cán bộ y tế và thầy cô giáo mầm non, tiểu học khi hầu hết chỉ học 9+3, được tăng cường để xóa mù chữ”, anh Sơn kể.
Sau 8 năm công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, ngày 1/2/2012, thầy Sơn được điều chuyển đến nhận nhiệm vụ tại Trường THPT Mường Lát mới thành lập.
Và bất ngờ là nhiều học sinh ở đây lại chính là con em của học trò cũ.
“Thuở đó, có một số học sinh cá biệt nên mình phải tìm cách về nhà các em thăm nom, nắm tình hình để có hướng động viên, giúp đỡ. Đến nơi mới biết là con em của học trò cũ, cả thầy, cả trò tay bắt mặt mừng, mọi thứ bỗng trở nên rất dễ dàng. Đó cũng là cái may mắn của tôi”, thầy Sơn kể.
17 năm công tác trong ngành, thầy Sơn nhớ có ít nhất 3 trường hợp mà cả 3 thế hệ trong gia đình đều là học trò của mình. Trong đó, có 2 gia đình người dân tộc Mông, 1 gia đình người dân tộc Thái.
Sau nhiều thế hệ, học sinh cũ vẫn nhớ và nhận thầy. “Nếu mình không gần gũi, không làm đúng vai trò người thầy, thì tôi nghĩ sẽ không có chuyện này”, anh Sơn tâm sự.
Cầu nối thân thiết với học trò
Đến năm 2017, thầy Sơn được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát. Không đứng lớp trực tiếp nhưng thầy Sơn vẫn thường xuyên tham gia vận động, tuyên truyền học sinh đến trường. Anh cho hay, đó có thể coi là một lợi thế bởi có thời gian dài công tác ở Mường Lát.
Thầy Sơn cho hay, do đặc điểm địa bàn khó khăn, trường trải qua nhiều lần “thay máu”, nhiều giáo viên được luân chuyển về xuôi sau một thời gian công tác. Trong khi đó, học sinh là người dân tộc nhiều nên dễ bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các thầy cô giáo mới. Đó là lí do thầy Sơn trở thành cầu nối của với học sinh và phụ huynh.
Có mạng lưới học trò rộng khắp, thầy Sơn cho hay, gặp nhiều thuận lợi trong công việc bởi cán bộ, phụ huynh là học sinh cũ.
Khi có công việc gì, phụ huynh cũng thường đến để hỏi xin ý kiến của anh.
Với những học sinh ương ngạnh, khi được giáo viên chủ nhiệm phản ánh, thầy Sơn luôn lên tận lớp nhẹ nhàng mời các em xuống phòng để trò chuyện.
“Các học sinh khi mắc lỗi thì đã vào tâm thế co cụm và đề phòng với thầy cô nên nếu không tạo tâm lý tốt cho các em sẽ khó thuyết phục và tạo tác dụng ngược”.
Khi học sinh đến, việc đầu tiên, thầy tạo sự gần gũi chứ không đặt ra mục tiêu thuyết phục được các em ngay từ buổi đầu tiên.
“Tôi không bao giờ đề cập đến lỗi của các em ngay mà để các em được tâm sự”.
Những ngày sau đó, thầy Sơn tiếp tục chuyện trò, chia sẻ về làng mạc, gia đình, cuộc sống của các em và khi thầy trò cảm thấy tin tưởng và hiểu nhau, mọi chuyện đều được giải quyết ổn thỏa.
Thầy Sơn nói vui rằng, dù không đứng lớp, nhưng thầy như phó chủ nhiệm của tất cả các lớp học trong trường.