Thầy giáo Ấn Độ chia tiền thưởng cho đồng nghiệp

Nhờ những cải tiến trong giáo dục của thầy Ranjitsinh Disale, toàn bộ bé gái tại làng Paritewadi (Ấn Độ) được đến trường. Nơi này cũng lần đầu tiên có nữ sinh tốt nghiệp đại học.

Ranjitsinh Disale (32 tuổi, ở Ấn Độ), giáo viên một trường công ở Paritewadi, Maharashtra, đã làm nên lịch sử. Điều đó không phải do ông giành được giải thưởng Giáo viên toàn cầu 2020 - còn được xem là "Nobel giáo dục” - với trị giá 1 triệu USD.

Nó đến từ những cử chỉ nhân văn và sẻ chia, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục và cộng đồng. Sau khi nhận giải thưởng 1 triệu USD từ ban tổ chức, thầy Disale đã quyết định chia sẻ 50% số tiền này cho 9 đồng nghiệp còn lại trong top 10. Bởi theo ông, họ đều là những cá nhân phụng sự nhiệm vụ “đáng kinh ngạc, tạo ra sự thay đổi” lớn lao.

“Đại dịch Covid-19 đã phơi bày cách giáo dục vận hành. Trong thời điểm khó khăn này, các giáo viên vẫn gắng hết sức mình, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận quyền được sinh ra với nền giáo dục tốt. Tôi tin rằng cùng nhau, chúng ta có thể thay đổi thế giới này”, thầy giáo 32 tuổi chia sẻ.

 Chân dung thầy giáo Ranjitsinh Disale, chủ nhân giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2020. Ảnh: Global Teacher Prize.

Chân dung thầy giáo Ranjitsinh Disale, chủ nhân giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2020. Ảnh: Global Teacher Prize.

Hành trình mang bình đẳng giới tới học đường Ấn Độ

Thầy Disale ban đầu muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Tuy nhiên, người cha đã gợi ý nghề giáo sau khi ông không hoàn toàn hạnh phúc tại một trường cao đẳng kỹ thuật.

Theo Press Trust of India, năm 2009, thầy Disale bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại trường Tiểu học Zilla Parishad, nằm sâu trong ngôi làng Paritewadi, thành phố Solapur, bang Maharashtra (Ấn Độ).

Khi ông đến, tòa nhà xiêu vẹo và nằm giữa chuồng gia súc, nhà kho đổ nát. Đặc biệt, số lượng học sinh nữ rất ít. Hơn 98% trẻ em gái ở làng Paritewadi mất đi cơ hội đến trường hoặc bỏ dở chuyện học để phụ giúp gia đình, lấy chồng khi chưa thành niên.

Sách giáo khoa không được viết bằng tiếng địa phương mà chỉ có ngôn ngữ phổ thông. Sau khi nhận định được nguyên nhân, thầy Disale quyết định chuyển vào sống trong làng, tự học tiếng Kannada. Ông dùng tiếng mẹ đẻ để vận động trẻ em đến lớp, dịch toàn bộ sách giáo khoa sang tiếng Kannada để trẻ có thể học dễ dàng hơn.

Sau đó, hành trình số hóa giáo dục tại vùng quê nghèo của thầy Disale bắt đầu. Ông thêm mã QR vào các sách tiểu học để trẻ có thể nghe các bài thơ bằng giọng đọc, bài giảng video, làm bài tập trực tuyến hay tương tác nhiều câu chuyện. Thầy Disale là người đầu tiên đưa mã QR vào sách giáo khoa của trường.

Ông trình đề xuất thí điểm nhân rộng mô hình này và đã thành công. Năm 2017, giới chức Mahashatra quyết định làm điều tương tự trên toàn tiểu bang với sách giáo khoa của tất cả bậc học.

Một năm sau, “những cuốn sách biết nói” đã được nhúng mã QR, theo mọi trẻ em tại Ấn Độ đến trường. Phương pháp giảng dạy của ông được đăng tải trên 500 bài báo và xuất hiện trong các cuộc thảo luận trên truyền hình về chủ đề giáo dục.

Thầy Disale cũng tìm cách giáo dục giới tính, tăng nhận thức về hiện tượng tảo hôn và tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em gái đi học. Kết quả, 100% bé gái tại làng Paritewadi được đến trường. Không có trường hợp kết hôn sớm, tảo hôn nào được ghi nhận thêm.

Trường Tiểu học Zilla Parishad lọt danh sách những trường tốt nhất của thành phố Solapur. 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi. Đặc biệt, năm nay, làng Paritewadi ghi nhận điều chưa từng có trong lịch sử. Đó là một nữ sinh tốt nghiệp đại học.

 Thầy Ranjitsinh Disale là người mở đầu cho công cuộc số hóa giảng dạy, mang bình đẳng giới tới học đường của làng Paritewadi, Ấn Độ. Ảnh: Global Teacher Prize.

Thầy Ranjitsinh Disale là người mở đầu cho công cuộc số hóa giảng dạy, mang bình đẳng giới tới học đường của làng Paritewadi, Ấn Độ. Ảnh: Global Teacher Prize.

Sẻ chia giải thưởng cùng đồng nghiệp toàn cầu

Cải thiện giáo dục không phải đam mê duy nhất của thầy Ranjitsinh Disale. Ông luôn hướng tới mục tiêu xây dựng hòa bình giữa những người trẻ ở các khu vực xung đột. Thầy giáo người Ấn Độ kết nối những người trẻ tại quốc gia này với Pakistan, Palestine và Israel, Iraq và Iran, Mỹ và Triều Tiên thông qua dự án “Băng qua biên giới”.

Chương trình của thầy Disale kéo dài 6 tuần. Các học sinh sẽ được kết nối với một người bạn xuyên biên giới và trò chuyện, chia sẻ các kinh nghiệm sống. Chương trình này đã thu hút 19.000 sinh viên từ 8 quốc gia.

Thầy Disale còn xây dựng phòng thí nghiệm khoa học tại nhà, thực hiện các thí nghiệm cho học sinh. Bằng cách ứng dụng các nền tảng công nghệ, đều đặn cuối tuần, học sinh của thầy Disale được tham dự các buổi thực tế ảo, tới những vùng đất hoàn toàn xa lạ và bí ẩn.

Đây không phải lần đầu tiên thầy giáo Ranjitsinh Disale được tuyên dương vì những cống hiến cao cả trong công việc. Thầy giáo 32 tuổi từng nhận giải thưởng Nhà nghiên cứu Sáng tạo năm 2016, 2018 do Quỹ Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Ấn Độ trao tặng. Công việc của thầy Disale cũng được đề cập trong cuốn sách Hit Refresh của CEO Microsoft Satya Nadella.

Ngày 3/12, thầy Disale được xướng tên trong hạng mục giải thưởng tuyên dương Giáo viên toàn cầu năm 2020. Vỡ òa trong cảm giác hạnh phúc, thầy giáo 32 tuổi vẫn không quên chia sẻ số tiền mình nhận được cho những đồng nghiệp khác và sử dụng 0,5 triệu USD còn lại cho những dự án giáo dục đang ấp ủ.

Cụ thể, thầy Disale tặng 9 thầy, cô trong top 10 Giáo viên toàn cầu 2020 mỗi người 55.000 USD. Theo ông Disale, việc chia nhỏ giải thưởng giúp các thầy cô sẽ "cùng làm những công việc phi thường, giúp đỡ nhiều học sinh hơn và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn".

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 6 năm của giải thưởng ghi nhận điều này. Ngay lập tức, hành động nhân văn của thầy giáo người Ấn Độ nhận được sự khen ngợi và kính trọng từ nhiều chuyên gia, độc giả trên toàn thế giới.

Giải thưởng Giáo viên toàn cầu được xem là "Nobel giáo dục" do quỹ từ thiện Varkey Foundation triển khai cách đây 6 năm. Năm 2020, giải thưởng nhận được hơn 12.000 đề cử và đơn đăng ký từ 140 quốc gia. Trong số đó, thầy Ranjitsinh Disale đã lọt vào top 10.

Năm nay, Việt Nam cũng có một thầy, cô đầu tiên lọt vào vòng cuối của giải thưởng này. Đó là cô giáo Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Trường ĐH Hà Nội, đang công tác và giảng dạy tại Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-giao-nhan-giai-giao-vien-toan-cau-2020-lam-nen-dieu-chua-tung-co-post1160392.html