Thầy giáo bị tấn công vì mặc váy khi dạy học

Vũ Ngọc Lâm bị một số dân mạng chỉ trích vì mặc váy và xưng 'cô' khi livestream dạy học. Giáo viên và chuyên gia hoạt động vì cộng đồng LGBT khẳng định thầy giáo trẻ không làm gì sai.

 Dân mạng tấn công thầy giáo sinh năm 2000 vì mặc váy khi livestream dạy học. Ảnh: Pixabay.

Dân mạng tấn công thầy giáo sinh năm 2000 vì mặc váy khi livestream dạy học. Ảnh: Pixabay.

“Mong Bộ GD&ĐT vào cuộc với những giáo viên như thế này, 9x đời đầu không chấp nhận được một giáo viên lên live ăn mặc như thế này”, “Nhìn như ngáo chứ dạy học gì”, “Thủ khoa thì làm việc gì có ích thay vì đầu độc thế hệ trẻ đi thủ khoa lỗi gen”.

Đây là những điều mà Vũ Ngọc Lâm (24 tuổi), giáo viên dạy môn Hóa, nhận được sau khi mặc váy và xưng “cô” trong buổi livestream dạy học trên nền tảng TikTok.

Khi bị tấn công, thầy giáo trẻ đăng bài phản hồi, giải thích đó là buổi livestream cuối cùng cậu dạy học sinh lớp 12 nên quyết định ăn mặc “lồng lộn” hơn một chút để tạo kỷ niệm với học trò. Cậu thừa nhận bộ váy đã mặc trong livestream có phần "lố", nhưng chắc chắn không phản cảm.

“Mặc dù đã quá quen với những lời miệt thị hay những ánh mắt phán xét suốt chục năm qua, thỉnh thoảng, mình vẫn thấy buồn và nghĩ liệu mình có làm gì sai không”, Ngọc Lâm viết trong một bài đăng trên TikTok.

 Ngọc Lâm bị chỉ trích vì mặc váy và xưng cô khi livestream dạy học.

Ngọc Lâm bị chỉ trích vì mặc váy và xưng cô khi livestream dạy học.

Được học sinh ủng hộ

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Ngọc Lâm cho biết cậu bắt đầu dạy môn Hóa từ năm lớp 11 cho học sinh lớp dưới. Công việc này gắn bó với cậu cho đến khi cậu lên đại học và sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện, thầy giáo trẻ dạy học ở 3 hình thức là dạy trực tiếp, dạy online và dạy qua livestream. Riêng với việc dạy học qua livestream trên TikTok, lượt người xem cao nhất mà Lâm thu về lên đến 6.000 người trong cùng một thời điểm.

Về việc mặc váy dạy học và xưng “cô”, Ngọc Lâm cho biết thực ra từ bé, bản thân cậu đã thích những bộ trang phục đáng yêu và mang tính nữ nhiều hơn. Đối với nhiều người, điều này có vẻ kỳ lạ nhưng gia đình, bạn bè và học sinh của Lâm đã quen với điều đó, cậu cũng được mọi người ủng hộ nhiều.

Khi lên lớp, học sinh của Lâm thường chủ động khuyến khích cậu mặc những trang phục cậu cảm thấy thoải mái, các em đều rất vui vì điều đó. Về phía Lâm, cậu nhận thấy phong cách ăn mặc của bản thân không ảnh hưởng đến người khác, không gây phản cảm hay mất thuần phong mỹ tục nên cậu vẫn tiếp tục mặc váy khi lên lớp.

 Ngọc Lâm được học sinh ủng hộ khi mặc váy lên lớp dạy học. Ảnh: NVCC.

Ngọc Lâm được học sinh ủng hộ khi mặc váy lên lớp dạy học. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về việc bị một số dân mạng tấn công, chỉ trích vì mặc váy dạy học, Lâm cho biết cậu đã quen với điều đó và xác định những chuyện mình làm có thể gây ra ý kiến trái chiều.

Là con trai, hơn nữa là thầy giáo, việc mặc váy khi dạy học sinh có thể là điều kỳ lạ trong mắt nhiều người vì phần đông xã hội không làm như vậy, nhưng điều mà Lâm cảm thấy may mắn là bên cạnh những người chỉ trích, nhiều học sinh rất ủng hộ và coi chuyện cậu mặc váy khi lên lớp là điều bình thường.

Khi Lâm bị tấn công trên mạng xã hội, nhiều học sinh đồng loạt lên tiếng bảo vệ, đồng thời đề cập đến việc “tôn trọng sự khác biệt” - chủ đề xuất hiện trong đề nghị luận xã hội thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn.

"Mặc váy hay không thì học sinh vẫn luôn ủng hộ mình vì cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng bài giảng. Mình muốn dùng năng lực để chứng minh cho mọi người thấy dù mình ăn mặc, xưng hô thế nào, học sinh vẫn được nhận những điều tốt nhất từ lớp học của mình”, Ngọc Lâm chia sẻ.

Thầy giáo mặc váy dạy học không làm gì sai

Trao đổi với Tri Thức - Znews về việc Ngọc Lâm mặc váy khi livestream dạy học, chị Ngô Hoàng Ngọc Hiệp, cán bộ nghiên cứu tại TUVA Communication, đồng thời là cán bộ của dự án Nhà Nhiều Cột, nói rằng chị cảm thấy khá thú vị vì rất hiếm người giống như Lâm - dám mặc những trang phục có phong cách khác biệt khi đứng lớp, dù phong cách đấy có thể bị nhiều người chê là kỳ quái, lập dị.

Là người chuyển giới nữ, cũng là người theo đuổi phong cách ăn mặc giống Lâm, chị Ngọc Hiệp khá hiểu và đồng cảm với việc sinh ra là con trai, nhưng thích mặc váy và theo đuổi phong cách có phần nữ tính.

Theo đó, bản thân chị ủng hộ việc thầy giáo sinh năm 2000 mặc váy khi livestream dạy môn Hóa. Bởi vì theo chị, khi dạy học, nhất là khi dạy online hoặc dạy qua livestream, điều quan trọng nhất vẫn là cách giáo viên truyền tải kiến thức. Điều mọi người nên quan tâm nhiều hơn là giáo viên dạy thế nào, thay vì chỉ tập trung chỉ trích bộ trang phục của người đứng lớp.

Một điều chị Ngọc Hiệp muốn nhấn mạnh là những bộ váy mà Ngọc Lâm mặc khi dạy học là trang phục theo phong cách Lolita - loại phong cách lấy cảm hứng từ thời kỳ Victoria ở châu Âu nên thường nhấn mạnh vào sự kín đáo, lịch sự. Do đó, dân mạng không thể nói rằng thầy giáo mặc váy dạy học là kỳ quái, hở hang hay không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

“Mình thấy nhiều người phản ứng chuyện Lâm mặc váy dạy học là do họ có định kiến về giới, rằng con trai không được ăn mặc như con gái, nếu làm như vậy là kỳ quái, thậm chí là đi ngược với tự nhiên”, chị Hiệp nêu quan điểm.

Chung quan điểm với chị Ngọc Hiệp, cô Nguyễn Giang, giáo viên THPT tại Hưng Yên, nhận xét phong cách ăn mặc và cách nói chuyện của Ngọc Lâm khi dạy học rất bình thường.

Là giáo viên dạy tự do, Lâm được phép ăn mặc theo mong muốn của bản thân, nhưng đó cũng là thử thách không nhỏ vì có thể cậu sẽ phải đối mặt với những chỉ trích, phê phán từ cộng đồng mạng.

Theo cô Giang, giáo viên là nghề phải gánh rất nhiều tiêu chuẩn về mặt đạo đức, hình ảnh từ xã hội. Điều này đã có từ xa xưa vì xã hội chịu ảnh hưởng nhiều từ nho giáo - người đứng lớp phải duy trì hình ảnh nghiêm túc, chỉn chu trong mắt học sinh.

Tuy nhiên, điều này không thể áp vào xã hội hiện đại vì nhiều năm gần đây, hình thức học tập đa dạng hơn, giáo viên tự do có nhiều cách xây dựng hình ảnh cá nhân để thu hút học sinh.

Với học sinh tuổi teen, các em có xu hướng thích những thầy cố có cá tính hoặc hình ảnh gần gũi với thế hệ của mình. Hơn nữa, các em sẽ đánh giá cao chuyên môn của người dạy, thay vì săm soi giáo viên đó ăn mặc như thế nào.

“Ngọc Lâm thể hiện cá tính bản thân là điều bình thường, không có gì lố lắng sai về mặt đạo đức. Dân mạng mạt sát Lâm, bảo bạn ấy ‘lỗi gen’ là điều không thể chấp nhận được. Chính họ mới là người sai trong trường hợp này, đòi kiến nghị lên Bộ GD&ĐT lại càng sai hơn vì về lý, bạn ấy không làm điều gì trái quy định”, cô Giang nhấn mạnh.

Vì sao con trai mặc váy lại bị tấn công?

Nói thêm về những tranh cãi gần đây liên quan chuyện thầy giáo mặc váy dạy học, chị Ngọc Hiệp cho biết một số nhóm người có tư tưởng kỳ thị người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ và luôn đưa ra quan điểm rằng người thuộc cộng đồng không nên tiếp xúc với trẻ nhỏ vì sợ “lây”.

Cán bộ nghiên cứu của TUVA Communication nhấn mạnh đây là quan niệm hoàn toàn sai vì xu hướng tính dục, bản dạng giới không thể tác động người đến khác như cách những người đó vẫn nghĩ. Hơn nữa, từ năm 2022, Bộ Y tế đã có công văn số 4132/BYT-PC nhằm khẳng định đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh.

 Chị Ngô Hoàng Ngọc Hiệp khẳng định trang phục của Ngọc Lâm khi dạy học không gây phản cảm hay ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Ảnh: NVCC.

Chị Ngô Hoàng Ngọc Hiệp khẳng định trang phục của Ngọc Lâm khi dạy học không gây phản cảm hay ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Ảnh: NVCC.

Dù Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định, một số người vẫn có xu hướng chỉ trích, tấn công người trong cộng đồng LGBTIQ+. Chị Ngọc Hiệp nêu rằng kiểu người bắt nạt có thể chia thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là những người “không kỳ thị đâu, nhưng mà”, nghĩa là người cho rằng họ đang bảo vệ một nền tảng đạo đức hoặc chuẩn mực xã hội. Do đó, bản thân những người này không nhận ra mình đang có hành vi bắt nạt người khác.

Nhóm thứ hai là những người đã có sự thù ghét sẵn, tự nhận mình là người kỳ thị cộng đồng LGBTIQ+. Chị Hiệp thấy kiểu người này đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và gần đây hoạt động rất mạnh.

Không riêng người thuộc cộng đồng LGBTIQ+, những người yếu thế khác cũng dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt vì môi trường mạng đang tạo điều kiện để việc bắt nạt diễn ra thường xuyên hơn. Bất cứ ai cũng có thể tạo một tài khoản ẩn danh để đưa ra những bình luận thù ghét, tiêu cực để tấn công một cá nhân nhất định.

Điều đáng buồn là tiêu chuẩn cộng đồng của các trang mạng xã hội đang rất yếu kém trong việc kiểm soát nội dung thù ghét. Hơn nữa, nội dung về cộng đồng LGBTIQ+ dễ bị gỡ bỏ, trong khi những bài viết, bình luận mang tính tiêu cực, tấn công lẫn nhau lại lan tràn trên các nền tảng.

Tuy nhiên, giữa những bình luận tiêu cực, tấn công thầy giáo Ngọc Lâm, chị Ngọc Hiệp vui mừng vì rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, lên tiếng bênh vực thầy giáo và đề cập đến “tôn trọng sự khác biệt”.

Là người đang thực hiện các dự án về định kiến giới, về nhóm người yếu thế trong cộng đồng, chị Hiệp nhận thấy đây là một dấu hiệu tích cực vì phần đông xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn trong việc ăn mặc và thể hiện bản sắc cá nhân.

“Các bạn trẻ đã có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn, nhưng mình cũng hy vọng cả xã hội đều có thể cởi mở như vậy. Bởi vì mình tin rằng những người có thể bỏ qua định kiến để tập trung vào những thứ quan trọng như giáo dục sẽ có thể góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên. Nếu chỉ vì định kiến mà chúng ta chối bỏ tài năng và sự cống hiến của một người thì quá phí phạm”, chị Hiệp nói.

Cô Nguyễn Giang cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự. Cô thấy rằng người lăng mạ thầy giáo trẻ chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội, còn nhóm người ủng hộ lại đông hơn.

Học sinh ủng hộ Ngọc Lâm vì các em đã có cái nhìn đúng đắn về nhóm người thiểu số trong xã hội. Càng lớn, các em càng có sự đồng cảm sâu sắc nên sẽ luôn sẵn sàng bênh vực những người bị bắt nạt.

“Điều quan trọng hơn hết là dù mặc váy, xưng cô, Lâm vẫn dạy học rất tốt. Đó cũng là lý do mà học sinh tin tưởng, ủng hộ và yêu thương bạn ấy”, cô Giang nhận xét.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-giao-bi-tan-cong-vi-mac-vay-khi-day-hoc-post1485478.html