Thầy giáo giành học bổng toàn phần ThS nhờ bài luận về hành trình học tiếng Anh

Thầy Châu Cương Chí mong muốn đóng góp cho sự phát triển giáo dục, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Châu Cương Chí (sinh năm 2000), tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ TESOL năm 2024. Đây là chương trình liên kết giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Nottingham Trent (Anh).

Sau khi trở về nước, tháng 2/2025, Châu Cương Chí được mời làm giảng viên thỉnh giảng ngành Sư phạm Tiếng Anh và ngành Ngôn ngữ Anh (Khoa tiếng Anh) tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Không dừng lại ở đó, tháng 3/2025, thầy Chí xuất sắc giành học bổng toàn phần ngành Giảng dạy tiếng Anh (English Language Education) của Đại học Macau (University of Macau), Trung Quốc. Học bổng mà thầy Chí nhận được là chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên theo học bậc thạc sĩ nghiên cứu (MPhil). Đây là chương trình học thuật chuyên sâu, thiên về nghiên cứu, giúp sinh viên phát triển nền tảng vững chắc trước khi theo học tiến sĩ (PhD).

 Thầy Châu Cương Chí giành học bổng toàn phần tại Đại học Macau, Trung Quốc. Ảnh: NVCC.

Thầy Châu Cương Chí giành học bổng toàn phần tại Đại học Macau, Trung Quốc. Ảnh: NVCC.

Bài luận chinh phục học bổng về hành trình học Tiếng Anh và nghiên cứu khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Châu Cương Chí chia sẻ: “Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã nhen nhóm ước mơ đi du học. Tôi luôn khao khát được mở rộng tầm nhìn, tiếp cận nền giáo dục hiện đại và khám phá những nền văn hóa mới. Chính mong muốn được vươn ra thế giới bên ngoài để học hỏi và cống hiến là động lực giúp tôi cố gắng mỗi ngày.

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu từ thời sinh viên, khi tôi có cơ hội được tham gia cuộc thi về nghiên cứu khoa học do Trường Đại học học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Lần đầu tiên được tiếp cận với quy trình nghiên cứu một cách bài bản, từ việc tìm kiếm tài liệu, xác định vấn đề, xây dựng phương pháp nghiên cứu đến trình bày kết quả, tôi đã cảm nhận rõ ràng sự hấp dẫn của công việc này. Không chỉ giúp tôi rèn luyện tư duy phản biện và khả năng phân tích, những trải nghiệm ấy còn khơi dậy trong tôi niềm say mê khám phá những khía cạnh mới mẻ của tri thức.

Từ những lần miệt mài tìm tòi, thử nghiệm và tranh luận cùng thầy cô, bạn bè trong quá trình thực hiện đề tài đã giúp tôi hiểu rằng nghiên cứu không chỉ là một hoạt động học thuật mà còn là hành trình tìm kiếm tri thức đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị. Điều đó đã tiếp thêm động lực để tôi chinh phục học bổng du học”.

 Thầy Chí trong lễ nhận bằng Thạc sĩ (đứng giữa). Ảnh: NVCC.

Thầy Chí trong lễ nhận bằng Thạc sĩ (đứng giữa). Ảnh: NVCC.

Nhìn lại hành trình nghiên cứu của mình, thầy Chí cho biết, đây là quá trình giúp bản thân rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp tài liệu một cách hiệu quả nhất. Công việc nghiên cứu khoa học đã giúp thầy giáo trẻ rèn luyện sự kiên nhẫn, tính cẩn trọng và khả năng tổ chức, cách phân tích dữ liệu và nâng cao kỹ năng viết học thuật.

Để đạt được thành tích học tập và nghiên cứu khoa học tốt, thầy Chí luôn luôn đặt ra nguyên tắc học tập chủ động cùng tính kỷ luật cao.

“Tôi chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng cho từng giai đoạn, chia nhỏ mục tiêu để từng bước hoàn thành. Bên cạnh đó, tôi luôn duy trì thói quen đọc tài liệu học thuật, tham khảo các bài nghiên cứu quốc tế để cập nhật kiến thức mới và rèn luyện tư duy phản biện. Học tập, nghiên cứu là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và luôn giữ vững niềm đam mê nên bản thân mỗi người phải tự sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý", nam giáo viên chia sẻ.

Về bài luận xin học bổng, thầy Chí cho biết đã chia sẻ về hành trình học tiếng Anh của bản thân từ những ngày còn là sinh viên cho đến khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Vương quốc Anh. Ngoài những thành tích đã đạt được, nam giáo viên còn đề cập đến kinh nghiệm tham gia nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu giảng dạy và những đóng góp cho cộng đồng học thuật.

Bên cạnh đó, thầy cũng nhấn mạnh về định hướng của bản thân trong tương lại gần và tầm nhìn xa hơn. Trong khoảng 3-5 năm tới, thầy Chí mong muốn có thể phát triển công cụ và phương pháp giảng dạy nhằm giải quyết những khoảng trống trong giảng dạy, đánh giá tiếng Anh. Từ đó xây dựng môi trường giáo dục phát triển bình đẳng, luôn lấy người học làm trung tâm. Song song với đó, thầy sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để trở thành một nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo trong giáo dục có sức ảnh hưởng cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững của giáo dục ngôn ngữ.

 Thầy Chí (ngoài cùng bên trái) trong một lần nhận giải thưởng về nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NVCC).

Thầy Chí (ngoài cùng bên trái) trong một lần nhận giải thưởng về nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NVCC).

Bí quyết chinh phục hội đồng tuyển sinh

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, thầy Chí cho rằng khó khăn nhất là việc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho hồ sơ xin visa, đặc biệt là phần chứng minh tài chính. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn như: dịch thuật, công chứng, in ấn tài liệu, hồ sơ… rất quan trọng. Nếu không cẩn trọng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm lại.

Theo thầy Chí, để chinh phục hội đồng tuyển sinh, yếu tố đầu tiên là thành tích học tập nổi bật được thể hiện qua bảng điểm trong quá trình học tập từ phổ thông đến đại học. Khi hồ sơ học tập đủ vững vàng sẽ tạo được ấn tượng ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn cả nằm ở thái độ, sự ham học hỏi, tinh thần cầu tiến và tính kiên trì. Một người có tinh thần tích cực, chủ động học hỏi, luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường mới và đạt được thành công bền vững. Khi có được những yếu tố này, bất kỳ ai cũng có thể tiến xa trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp.

Đặc biệt, vòng phỏng vấn cực kỳ quan trọng, do đó, cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về chương trình học, các môn học, đồng thời, thể hiện được sự chủ động, ham học của bản thân.

“Tôi đã thể hiện sự sáng tạo, nghiêm túc của mình thông qua những kinh nghiệm tích lũy được như: tham gia nghiên cứu khoa học, xuất bản sách, dạy học, khả năng tự học ngoại ngữ… Trong cuộc phỏng vấn, tôi luôn thể hiện rõ niềm đam mê mãnh liệt dành cho chương trình mong muốn được học tập.

Tôi hy vọng bản thân có thể đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác liên ngành để giải quyết những bất bình đẳng trong giáo dục, đồng thời xây dựng một mạng lưới các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách cùng hướng tới những giải pháp đổi mới và phù hợp với từng bối cảnh văn hóa. Cuối cùng, tôi khẳng định chương trình tại Đại học Macau là môi trường lý tưởng để tôi hiện thực hóa những dự định đó”.

 Thầy Chí và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (nhân vật nam hàng thứ hai). Ảnh: NVCC

Thầy Chí và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (nhân vật nam hàng thứ hai). Ảnh: NVCC

Thầy Chí cho hay, thầy thường bị thu hút bởi những nghiên cứu giáo dục nhằm giải quyết vấn đề thực tế xảy ra trong lớp học, nhà trường. Chia sẻ về dự định trong tương lai, nam giáo viên cho biết sẽ theo đuổi chuyên ngành Ngôn ngữ học khối liệu, đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu thêm để ứng dụng những công nghệ thông minh vào giáo dục.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trung Quốc, thầy Chí mong muốn trở về Việt Nam để đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Thầy giáo trẻ hy vọng được cùng thực hiện các dự án nghiên cứu liên quốc gia với nghiên cứu sinh trên toàn thế giới, nhằm tạo cầu nối học thuật giữa Việt Nam và quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập, phát triển cho thế hệ trẻ Việt Nam.

“Tôi tin rằng, hướng nghiên cứu này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, mà còn có thể mở rộng ra ở nhiều lĩnh vực khác, từ đó tạo ra những tác động sâu rộng, thiết thực đối với công tác giảng dạy, đánh giá và phát triển các chương trình học.

Tôi hy vọng, nghiên cứu của mình có thể góp phần đưa ra những giải pháp đổi mới, giúp giáo viên và học sinh có được công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả và thân thiện, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục hiện đại gắn liền với công nghệ”, thầy Chí bày tỏ.

Với kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình trau dồi và rèn luyện, thầy Chí đưa ra lời khuyên: “Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập nghiêm túc còn cần chuẩn bị một nền tảng vững chắc về tư duy, kỹ năng và tâm lý. Ngoài ra, tiềm lực kinh tế cũng là một trong những yếu tố cần phải lưu ý. Việc chủ động tài chính sẽ vừa giúp bản thân tự tin vừa thể hiện trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình.

Bên cạnh đó, hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành, có cùng chí hướng để chia sẻ, động viên, hỗ trợ lẫn nhau. Việc chủ động kết nối cũng mang đến những trải nghiệm thú vị và trở thành một phần kỷ niệm trong hành trình du học đầy ý nghĩa”.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-giao-gianh-hoc-bong-toan-phan-ths-nho-bai-luan-ve-hanh-trinh-hoc-tieng-anh-post250104.gd