Thầy giáo nghị lực trên 'đôi chân tròn'

Đôi chân là phương tiện chính để chúng ta khám phá và chinh phục những thử thách trên mọi hành trình cuộc sống. Thầy giáo Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mặc dù chỉ có 'đôi chân tròn' (chiếc xe lăn) để đi lại nhưng vẫn luôn tích cực mang hành trình nhân ái đến với cộng đồng. Nghị lực và tinh thần sống đẹp của thầy đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò.

Biết trân quý và khát khao cuộc sống từ cú ngã

Thầy giáo Đặng Hoàng An sinh năm 1991 trong một gia đình nghèo ở vùng quê Cần Đước, Long An với tuổi thơ lắm nỗi nhọc nhằn. Từ thời học sinh, An đã ý thức được trọng trách của bản thân, ngày đêm nỗ lực học tập và lao động phụ giúp gia đình. Lớn lên từ nơi gốc rạ, tuổi thơ nghèo khó đã trui rèn ý chí, động lực để anh vươn lên, vững bước trên con đường học vấn và sự nghiệp. Những nỗ lực được đền đáp, năm 2009, Đặng Hoàng An thi đỗ vào Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Ước mong cho con đổi đời, cha mẹ anh chạy vạy để có điều kiện cho anh ăn học. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học anh tiếp tục học lên thạc sĩ. Sau đó được giữ lại trường để làm giảng viên vào năm 2016.

Bước thành công đầu tiên sau những nỗ lực đã tiếp thêm động lực cho thầy giáo trẻ. Thế nhưng, một sự thật nghiệt ngã và trớ trêu vào một chiều cuối tháng 4-2016, trong một lần đi từ tầng lầu nhà trọ xuống đất, anh bị ngã và chấn thương rất nặng do cơ thể bị thiếu hụt calcium. Chấn thương tủy làm cho đôi chân thầy ngày càng teo nhỏ và mất đi chức năng vốn có của nó.

 Thầy giáo Đặng Hoàng An.

Thầy giáo Đặng Hoàng An.

Trước khi bị ngã, anh Đặng Hoàng An từng là một giảng viên đại học, diễn giả của nhiều chương trình tâm lý được sinh viên yêu thích. Vốn dĩ là một người hướng ngoại, năng động, thầy An dần thu mình lại bởi mặc cảm với đôi chân đang lành lặn bỗng tật nguyền. Từ một người khỏe mạnh, chủ động về kinh tế, san sẻ những lo toan trong gia đình bỗng trở thành gánh nặng, có lúc anh rơi vào trạng thái tuyệt vọng đến cùng cực. Thế nhưng, chính những lời động viên của cha mẹ đã giúp anh tỉnh thức, từ đó anh lại khát khao và biết trân quý từng hơi thở của cuộc sống.

Không chịu khuất phục trước mọi khó khăn của hoàn cảnh, thầy giáo trẻ Đặng Hoàng An nỗ lực vươn lên bằng chính "đôi chân tròn" của mình, tiếp tục đem năng lượng tích cực đến với mọi người. Với sự cố gắng từ trong suy nghĩ đến hành động nên chiếc xe lăn đã không còn là trở ngại mà trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của thầy An, một phần của sự khác biệt, một dấu ấn cá nhân.

Tôi còn nhớ như in lần đầu gặp thầy Đặng Hoàng An với đôi mắt sáng, trong trẻo và ấm áp với nụ cười hiền hậu. Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng không phải là chiếc xe lăn mà là sự tự tin, nhiệt huyết trong cách thầy chia sẻ và truyền những nguồn năng lượng tích cực về nghị lực sống như thể thầy đang truyền cho tôi sức mạnh từ chính con người thầy.

Đặng Hoàng An tham dự giải Marathon Cà Mau năm 2024.

Đặng Hoàng An tham dự giải Marathon Cà Mau năm 2024.

Vượt lên hoàn cảnh, viết tiếp hành trình nhân ái

Không chỉ khởi nghiệp trồng nấm bào ngư, kể từ năm 2019, thầy giáo Đặng Hoàng An còn tận dụng kiến thức của một thạc sĩ ngành tâm lý để đồng hành cùng Đài Truyền hình Vĩnh Long trong các chương trình tư vấn tâm lý như: “Chuyện gia đình”,“Ống kính học đường”, “Đồng hành cùng con”. Thời gian rảnh, anh thường viết bài cộng tác cho các báo về những vấn đề giáo dục và các vấn đề liên quan đến giới và tâm lý con người. Nhiều tác phẩm của anh đoạt giải cao trong các cuộc thi viết như: “Sống đẹp” (Mùa 4, Báo Thanh Niên); “Thương hiệu tôi yêu” (Báo Tuổi trẻ); “Tết thời số” (Báo Người Lao động), “Vẻ đẹp của nước” (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh)…

Thầy An là người luôn động viên, khích lệ những người không may mắn rằng khuyết tật không phải là sự cản trở, mà chỉ là một thử thách nhỏ trong cuộc đời”. Những buổi sinh hoạt mà thầy tổ chức luôn đầy ắp tiếng cười, những bài hát, trò chơi mà thầy nghĩ ra đều nhằm mục đích giúp mọi người tự tin hơn vào bản thân mình.

Thầy luôn nhắc tôi:Sự giúp đỡ không nhất thiết phải là vật chất. Đôi khi chỉ cần một lời động viên, một nụ cười cũng có thể làm nên điều kỳ diệu”. Bởi thế mà thầy An thường tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người già và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Huỳnh Thị Tôn (hội viên Hội Phụ nữ ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chia sẻ: “Cô quý bạn An vì tinh thần thép và tấm lòng nhân ái. Mặc dù ngồi xe lăn nhưng bạn An vẫn giúp đỡ được rất nhiều người nên hễ An cần là cô giúp đỡ hết mình”.

Diễn giả Đặng Hoàng An và các sinh viên Trường Đại học Đông Á (TP Đà Nẵng).

Diễn giả Đặng Hoàng An và các sinh viên Trường Đại học Đông Á (TP Đà Nẵng).

Ngồi trên xe lăn, cơ thể yếu đuối vì bệnh tật, nhưng trái tim và tinh thần của thầy Đặng Hoàng An vẫn mạnh mẽ như xưa. Thầy không bao giờ từ bỏ hy vọng, không bao giờ để những khó khăn quật ngã mình. Ngược lại, thầy biến những thử thách đó thành động lực để sống tốt hơn mỗi ngày, để tiếp tục cống hiến cho đời bằng cách này hay cách khác.

Thầy An lập quỹ Nhân Ái để giúp đỡ những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, thầy đã vận động quyên góp để tặng 30 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trong ấp, thăm và tặng quà cho người dân hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương; hỗ trợ sữa và thức ăn cho bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An và Đà Lạt; thăm và tặng quà cho bà con ở một số tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai…

Với ý chí vươn lên và nỗ lực vì cộng đồng, Đặng Hoàng An vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với một số đơn vị đồng hành tổ chức.

Câu chuyện về cuộc đời thầy An đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò. Thầy đã từng được mời tham gia chia sẻ tại nhiều hội thảo, diễn đàn về giáo dục và khuyết tật cho học sinh-sinh viên ở một số trường đại học, cao đẳng, THPT như: Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Đông Á, Trường THCS-THPT Hoa Sen...

Thầy giáo Đặng Hoàng An (ngồi giữa, hàng đầu) tại Lễ tuyên dương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu-Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy giáo Đặng Hoàng An (ngồi giữa, hàng đầu) tại Lễ tuyên dương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu-Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có lần, anh chia sẻ với tôi rằng: “Khi ta mất đi một thứ gì đó, cuộc sống sẽ trao lại cho ta một thứ khác. Điều quan trọng là ta có biết trân trọng và sử dụng nó hay không. Khiếm khuyết chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh mà ở đó sức mạnh lớn nhất để vượt qua mọi nghịch cảnh ngay trong chính bản thân mình”, thầy An xúc động chia sẻ.

Thầy sống không bao giờ oán trách số phận, mà luôn tìm cách để vươn lên và san sẻ những điều tốt đẹp cho người khác. Mỗi lần xuất hiện, thầy đều đem đến một thông điệp giản dị nhưng sâu sắc: “Tri thức là đôi chân của chúng ta”. Thầy đã chứng minh rằng dù đôi chân không còn lành lặn, nhưng nhờ tri thức, thầy vẫn có thể bước đi, vẫn có thể tiếp tục hành trình của mình và mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Thầy giáo An, với chiếc xe lăn của mình, đã chứng minh rằng giới hạn của con người không nằm ở thể xác mà ở tâm hồn. Mỗi ngày thầy lăn bánh trên “đôi chân tròn” của mình không chỉ là một cuộc hành trình của riêng cá nhân nữa mà là hành trình chia sẻ yêu thương, khích lệ và động viên những người xung quanh. Cuộc đời thầy là một tấm gương sống động của nghị lực, sự kiên cường, của niềm tin và sự lạc quan mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi. Thầy đã cho chúng ta thấy rằng giới hạn chỉ tồn tại trong tâm trí con người. Nếu ta biết vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự tự ti, thì không gì có thể ngăn cản ta đến với thành công.

Hiện nay dù không còn đứng trên bục giảng, thầy giáo Đặng Hoàng An vẫn luôn là người thầy, là ngọn lửa sáng mãi trong trái tim của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên và nhiều người khác trong xã hội.

NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/thay-giao-nghi-luc-tren-doi-chan-tron-828820