Thầy giáo nguyện 'cháy' hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng cao

Với 14 năm công tác ở vùng khó, thầy Nguyễn Văn Tập đã vượt qua nhiều khó khăn, trở thành 'nhà giáo nhân dân' của bà con dân bản.

Thầy Nguyễn Văn Tập. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Tập. Ảnh: NVCC

14 năm miệt mài “gieo chữ” trên non

Thầy tập quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Mới đó mà đã 14 năm rời đồng bằng lên vùng cao “gieo chữ”. Hiện thầy là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên).

Nhớ lại những ngày đầu “cõng chữ lên non”, thầy Tập tâm sự: “khi mới lên công tác, không hiểu phong tục tập quán của dân bản và những rào cản về ngôn ngữ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong dạy – học”.

Thầy Tập kể lại, ngày ấy trường lớp đơn sơ, đường xá đi lại rất khó khăn; điện nước, thông tin liên lạc thiếu thốn. Đặc biệt là sự bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa phong tục tập quán đã khiến thầy giáo trẻ có những phút giây nản lòng. Nhưng rồi cái cảm giác ấy nhanh chóng qua đi.

“Chứng kiến cuộc sống của người dân và học sinh quá khó khăn, đã thôi thúc tôi phải làm được cái gì đó để thay đổi cuộc sống và nhận thức của nhân dân cũng như học sinh nơi đây.

Và tôi đã thành công, trở thành một thầy giáo được nhân dân yêu quý gửi gắm con em mình. Các thế hệ học sinh tin yêu, đồng nghiệp tín nhiệm và cấp trên tin tưởng đã giao nhiệm vụ quản lí cơ sở giáo dục” – thầy Tập bộc bạch.

14 năm miệt mài “gieo chữ” nơi vùng khó, nhưng thầy Tập vẫn luôn cảm phục đồng nghiệp của mình - những thầy, cô giáo vùng cao đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thầy Nguyễn Văn Tập luôn quan tâm, sát sao "nơi ăn, chốn ở" của học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Tập luôn quan tâm, sát sao "nơi ăn, chốn ở" của học sinh. Ảnh: NVCC

“Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi đã góp phần xóa bỏ một số phong tục cổ hủ, lạc hậu của bà con như: phong tục cúng ma (làm lí). Mỗi khi ốm đau, bà con không chịu uống thuốc, hay đi khám bệnh, mà ở nhà cúng ma. Ngoài ra còn là nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống v.v…” – thầy Tập chia sẻ, đồng thời chia vui:

Đã có rất nhiều học sinh đã trở thành đồng nghiệp của thầy. Nhiều học sinh còn trở thành những y, bác sĩ; cán bộ chủ chốt của các xã và những chiến sĩ công an nhân dân…

“Học trò thành đạt, trở thành người tử tế là niềm hạnh phúc lớn lao, là tài sản lớn nhất và vô giá của những 'người lái đò' như chúng tôi” – thầy Tập bày tỏ.

Hơn bao giờ hết, thầy Tập và những đồng nghiệp ngày ngày dạy học ở vùng khó mong nhận được sự thấu cảm của xã hội và được xã hội ghi nhận, lan tỏa. Bởi sự hy sinh của thầy cô giáo vùng cao không thể đong đếm được.

Quà tặng là “cây nhà lá vườn”

Thầy Nguyễn Văn Tập trong chương trình Thay lời tri ân 2021.

Thầy Nguyễn Văn Tập trong chương trình Thay lời tri ân 2021.

“Chúng tôi mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục có thêm nhiều chính sách đãi ngộ với các thầy cô giáo nói chung; đặc biệt là với các thầy, cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo” – thầy Tập bộc bạch.

Thầy Tập mong có nhiều chính sách ưu tiên đối với con em các dân tộc thiểu số như: đầu tư xây dựng mạng lưới trường học khang trang, các chế độ, chính sách hỗ trợ tiếp tục được nâng lên. Đặc biệt có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng khi các em đã tốt nghiệp các trường đại học.

Chia sẻ về ngày 20/11 của giáo viên vùng cao, thầy Tập cho hay: khác với những thầy, cô giáo vùng thuận lợi thường nhận được những bó hoa tươi thắm đủ sắc màu và cả những món quà tri ân từ phụ huynh và học sinh.

Với giáo viên vùng cao, quà tặng là những bông hoa rừng, hay những giò phong lan rừng, những con cá suối, con gà do gia đình tự nuôi; kèm theo đó là những lời chúc vụng về, ngây ngô. “Nhưng ẩn chứa sau đó là biết bao sự kính trọng, tin yêu của học trò và chúng tôi trân quý điều đó” –thầy Tập bày tỏ.

Ngày 20/11 năm nay thật đặc biệt với thầy Tập. Thầy là một trong 191 nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD&ĐT vinh danh, được tham gia chuỗi sự kiện tri ân đầy ý nghĩa.

“Dịp này, tôi nhận được rất nhiều lời chúc, lời động viên của bạn bè khắp cả nước đặc biệt câu chuyện về một giáo viên vùng cao của tôi đã được nhiều báo đài lan tỏa. Đây sẽ là động lực để tôi thêm yêu người, yêu nghề và tiếp tục “cháy” hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng cao” – thầy Tập quả quyết.

"Chúng tôi đã khắc phục bằng cách: gần gũi học sinh, người dân để tìm hiểu nét đẹp về văn hóa, phong tục tập quán của các em. Những lúc rảnh rỗi, tranh thủ nhờ học sinh dạy tiếng dân tộc. Dần dần hiểu và giao tiếp được với phụ huynh, học sinh bằng một số từ ngữ quen thuộc. Từ đấy chúng tôi đã chiếm được tình cảm, sự tin yêu của học trò”.

Thầy Nguyễn Văn Tập

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-giao-nguyen-chay-het-minh-vi-su-nghiep-giao-duc-vung-cao-tp05DktnR.html