Thầy giáo trẻ được ghép thận: Tâm sự cảm động của người mẹ
Ngày con trai út chuẩn bị xuất viện trở về nhà sau ca phẫu thuật ghép thận thành công, người mẹ xúc động nói lời cảm động.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa công bố trường hợp ghép thận thành công đầu tiên tại miền Tây. Bệnh nhân là anh V.D.K (34 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre), giáo viên của một trường THCS.
Bà P.T.M.T (mẹ của anh K.) xúc động chia sẻ, vợ chồng bà có hai người con, đều là trai. Bà T. là giáo viên dạy tiểu học, đã nghỉ hưu cách đây 4 năm. Người phụ nữ này chia sẻ thêm, chồng bà qua đời 15 năm trước, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Còn anh K. là con trai út. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào ngành sư phạm, khi ra trường K. công tác tại TP Cần Thơ.
Cách đây khoảng 6 năm, anh K. thấy mờ mắt nên đi khám và được chẩn đoán tăng huyết áp, suy thận mạn được điều trị nội khoa.
Đến năm 2022, anh K. cảm thấy cơ thể bị phù, khó thở nên nhập Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, chỉ định lọc máu cấp cứu, đồng thời tiến hành thẩm phân phúc mạc.
“Lúc biết tin con bị suy thận tôi sốc lắm. Gia đình đưa K. đi khám ở nhiều bệnh viện. Tôi cũng nghĩ đến việc phẫu thuật ghép thận cho con, nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên còn do dự, không dám tìm hiểu sâu…”, bà T. nhớ lại thời điểm con trai bị suy thận.
Người phụ nữ này chia sẻ thêm, sau khi biết Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận "đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não", anh K. đã tự nguyện đăng ký chờ ghép thận.
“Gia đình chúng tôi trình bày với phía bệnh viện về hoàn cảnh kinh tế của mình và nhận được sự hỗ trợ, lời hứa sẽ vận động mạnh thường quân vì vậy tôi rất yên tâm, tin con mình sẽ được ghép thận”, bà T. khóc nói.
Qua tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đồng ý thực hiện phẫu thuật ghép thận từ người hiến là anh ruột của K.
“Con trai trưởng của tôi thấy em mình bị bệnh như vậy nó rất lo, vì vậy đồng ý hiến thận. May mắn, tất cả các chỉ số đều phù hợp, nó đã hiến thận cứu em. Chứng kiến cảnh hai anh em hòa thuận, thương yêu nhau, chia sẻ sự sống với nhau tôi mừng lắm...”, bà T. xúc động.
Trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ cơ sở pháp lý, đội ngũ chuyên môn, cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị, ngày 25/4, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện ca ghép thận cho anh K. với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện bao gồm: ê-kíp lấy thận - rửa thận - ghép thận đã phối hợp nhịp nhàng đồng bộ với sự hỗ trợ trực tiếp của PGS.TS.BS Thái Minh Sâm (Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy) và ê -kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau 5 giờ phẫu thuật, nước tiểu xuất hiện sau khi nối niệu quản; ca ghép nối thận thành công trong sự mừng vui vỡ òa của các bác sĩ.
“5 giờ con trai trong phòng phẫu thuật, tâm trạng tôi rất hồi hộp, không biết tình trạng nó như thế nào. Đến khi được bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công tôi vui mừng không thể tả thành lời, mừng lắm khi thấy con sắp khỏe mạnh trở lại”, bà T. khóc.
Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe anh K. và người anh trai đều ổn định, được chuyển sang khu chăm sóc đặc biệt để theo dõi.
Bác sĩ cho biết, anh trai của bệnh nhân (người hiến thận) đã bình phục và trở lại cuộc sống bình thường.
Sau 2 tuần phẫu thuật, sức khỏe anh K. đã ổn định, các chỉ số cận lâm sàng tiến triển thuận lợi. Các chức năng thận của bệnh nhân cũng đã phục hồi gần như bình thường, được xuất viện vào chiều 9/5.
Nhiều lần nhắc từ cảm ơn và biết ơn bác sĩ, bà T. xúc động chia sẻ: “Đến giờ phút này, tôi rất vui mừng, sung sướng khi thấy bệnh của con tôi được hồi phục, sức khỏe rất tốt, tinh thần phấn chấn, lạc quan hơn.
Để được kết quả như vậy, tôi cảm ơn bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tâm, luôn động viên, chăm sóc chu đáo cho con tôi trước, trong và sau phẫu thuật ghép thận” - người phụ nữ này cũng gửi lời cảm ơn đến ngân hàng, các mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí cho anh K. được phẫu thuật ghép thận.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chia sẻ, ca phẫu thuật ghép thận được thực hiện trong 5 giờ, nhưng phải mất đến 3 năm để chuẩn bị.
Theo bác sĩ Phong, ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối từ người hiến sống và từ người hiến chết não là kế hoạch ấp ủ của bệnh viện từ nhiều năm trước. Để đáp ứng các yêu cầu cho một trung tâm ghép thận được thành lập theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị, máy móc, đào tạo đội ngũ chuyên khoa từ bác sĩ đến điều dưỡng.
“Bệnh viện đã đào tạo 18 bác sĩ, 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ ngoại khoa đến nội khoa, gây mê hồi sức, theo dõi chăm sóc và điều trị bệnh sau ghép. Đến ngày 31/1 vừa qua, bệnh viện chính thức được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não”, bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết.
Bác sĩ Phong nói thêm, ca ghép thận đầu tiên thành công không chỉ mang lại cuộc sống hạnh phúc cho bệnh nhân mà còn là thành quả của cả một quá trình dài nỗ lực, hoàn thiện, phát triển cả về nhân lực, trang thiết bị và trình độ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
“Sau ca ghép thận đầu tiên thành công, hiện có thêm 3 cặp trường hợp khác đã đăng ký thực hiện các quy trình để hiến và ghép thận tại bệnh viện. Các trường hợp này sẽ được tư vấn kỹ càng, đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, đánh giá khả năng phù hợp để xem xét chỉ định ghép thận trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ thêm.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam.