Thầy giáo trẻ và 'Vườn cây khởi nghiệp'

Có 'tình yêu' với các loại cây, hoa từ nhỏ, cùng niềm đam mê nghiên cứu tìm giống cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao, ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo trẻ Lê Trọng Tình (SN 1988, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường THPT Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) còn là 'nông dân' chuyên về nhân giống cây trồng tại 'Tình Garden' (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc). Thầy còn được biết đến là người 'truyền lửa' đam mê khởi nghiệp và kinh doanh cho học sinh.

“Tình Garden” có khu vực riêng dành cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tham quan, trải nghiệm, học về giâm cành, chiết cành

“Tình Garden” có khu vực riêng dành cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tham quan, trải nghiệm, học về giâm cành, chiết cành

“Vườn cây khởi nghiệp

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Sinh học tại Trường Đại học Đồng Tháp từ năm 2010, thầy Tình về công tác tại Trường THPT Cần Giuộc hơn 13 năm nay và có niềm đam mê đặc biệt trong nghiên cứu cây trồng và khởi nghiệp. Những năm làm công tác giáo dục, thầy tham gia và đoạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và khởi nghiệp cấp huyện, tỉnh. Nổi bật là giải Khuyến khích trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần thứ II do Tỉnh Đoàn tổ chức năm 2020 với dự án Trồng và kinh doanh các sản phẩm từ cây sung Mỹ. đó cũng chính là bước ngoặt đưa thầy đến với công việc kinh doanh cùng khu vườn “Tình Garden”.

Với tổng diện tích khoảng 1.200m2, được mở và chính thức hoạt động từ giữa năm 2020, ban đầu, thầy trồng sung Mỹ, hoa hồng để thử nghiệm loại nào sẽ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương và có thể phát triển lâu dài. Thầy Tình mong muốn “Tình Garden” vừa là nơi thực hiện đam mê, vừa tạo ra một không gian để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc.

Thầy Tình chia sẻ: “Đất ở đây bị nhiễm phèn, mặn, thêm phần dễ bị côn trùng phá nên phải nghiên cứu các phương pháp khác nhau để xử lý. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhà và vườn nằm không chung xã nên tôi gặp khó khăn trong khâu chăm sóc. Sau dịch, tôi phải làm lại từ đầu”. Được biết, ban đầu, thầy Tình trồng thử nghiệm khoảng 50 loại hoa hồng. Sau khi thử nghiệm, hiện thầy kinh doanh 6 loại hoa hồng chính.

Gần đây, thầy Lê Trọng Tình còn nuôi thêm giống cây ấu để kinh doanh

Gần đây, thầy Lê Trọng Tình còn nuôi thêm giống cây ấu để kinh doanh

Hiện nay, khu vườn của thầy Tình bao gồm: Khu nhân giống sung Mỹ, hoa hồng, hoa giấy ghép, trồng các loại kiểng lá, nuôi giống cây ấu,... Ngoài ra, để bảo đảm nguồn cung cấp cây giống, thầy còn phát triển cơ sở phụ tại huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) gồm: Khu trồng phôi hoa giấy, khu ghép hoa giấy, khu trồng sung Mỹ lấy quả và giống. Hai cơ sở kinh doanh này giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên, 4 lao động mùa vụ, đào tạo 8 học viên.

“Tôi chủ yếu kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada,... Tôi cũng phát triển thêm kênh YouTube Love trees TV để chia sẻ những kiến thức về trồng cây. Ngoài ra, khách hàng đến vườn tham quan và mua cây về trồng” - thầy Tình chia sẻ thêm. Hiện nay, trừ các khoản chi phí, thầy Tình có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Truyền lửa đam mê

Tại “Tình Garden” còn có mô hình Khu trải nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dành cho học sinh THPT tại địa phương. Mô hình này vừa đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An năm 2023. “Có 2 đối tượng tiếp cận, với nhóm học sinh tham quan và trải nghiệm thời gian ngắn trong 1 buổi, các em được tham quan mô hình nhân giống cây trồng gồm kỹ thuật ươm hạt, giâm cành, chiết cành, ghép cành. Sau khi tham quan, học sinh được trải nghiệm trồng cây theo mô hình nghiên cứu. Còn nhóm học viên học tập dài hạn được học tập và nghiên cứu trồng, nhân giống cây từ cơ bản đến nâng cao, thành phẩm có thể mang về nhà tự trồng và chăm sóc” - thầy Tình cho biết.

Nguyễn Thanh Tấn Danh - học sinh lớp 12A6, Trường THPT Cần Giuộc, bày tỏ: “Em rất đam mê trồng và nghiên cứu cây trồng. Từ năm lớp 11, khi được thầy Tình giới thiệu, em đến tham quan, học tập cách nhân giống và nghiên cứu trồng cây. Bên cạnh đó, em còn được thầy hướng dẫn nghiên cứu và làm mô hình thủy canh, công nghệ vi sinh tạo phân bón đối kháng sâu, bệnh,... Em thấy mô hình này của thầy rất thiết thực và hay”.

Giai đoạn 2017-2022, khi còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khoa học - kỹ thuật của trường, thầy Lê Trọng Tình dẫn dắt câu lạc bộ đoạt nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh

Giai đoạn 2017-2022, khi còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khoa học - kỹ thuật của trường, thầy Lê Trọng Tình dẫn dắt câu lạc bộ đoạt nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh

Được biết, thầy Tình là thành viên tích cực của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp huyện Cần Giuộc, góp phần phát triển phong trào thanh niên khởi nghiệp của huyện. Đồng thời, thầy cũng là người sáng lập và giữ vai trò chủ nhiệm CLB Học sinh khởi nghiệp (Trường THPT Cần Giuộc), đồng sáng lập và chủ nhiệm CLB Sáng tạo khoa học - kỹ thuật của trường (từ năm 2017-2022, hiện CLB do Đoàn trường quản lý, trong thời gian thầy quản lý CLB đã dẫn dắt các thành viên đoạt nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh), qua đó, giúp định hướng cho các em học sinh hình thành ý tưởng, phát triển và thực hiện ý tưởng kinh doanh trong tương lai.

Theo thầy Tình, trong các buổi sinh hoạt CLB Học sinh khởi nghiệp, thầy sẽ cố gắng lan truyền “ngọn lửa” kinh doanh của mình cho các thành viên; đồng thời, sẽ phân tích lợi ích của việc khởi nghiệp, khó khăn và những điều cần trau dồi, học hỏi. “Hiện nay, học sinh học kiến thức ở trên lớp là chưa đủ mà cần trau dồi thêm những kỹ năng mềm khác. Tôi cũng khởi nghiệp và kinh doanh nên có bao nhiêu kinh nghiệm đều chia sẻ hết. Tuy nhiên, chia sẻ thế nào cho dễ hiểu và phù hợp với độ tuổi của các em, qua đó khơi gợi niềm đam mê, ý tưởng khởi nghiệp khả thi và tạo cho các em nền tảng vững chắc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp ích cho tương lai” - thầy Tình cho biết./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thay-giao-tre-va-vuon-cay-khoi-nghiep-a168302.html