Thầy gỡ hòn đá tảng, nuôi dưỡng cho tôi tình yêu văn học

Tận trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi may mắn được học thầy, được lớn lên từ những bài giảng của thầy và được cảm nhận 'chữ tâm thầy viết dâng đời'.

Tôi được học thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) - lần đầu tiên vào đầu năm lớp 9, khi tôi là một học sinh cấp 2 trường quê được ba mẹ chở về thành phố tìm thầy giỏi để ôn thi môn Ngữ văn, chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh và học trò

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh và học trò

Thực ra, tôi yêu thích văn học từ nhỏ, học văn trên lớp cũng được cô giáo khen là có tố chất. Thế nhưng, bản thân tôi lại cảm thấy rất nhiều lúng túng, thậm chí nhiều lúc bế tắc.

Còn nhớ khi nghe mẹ tâm sự về khó khăn của tôi trong việc học văn, thầy Minh động viên tôi: “Con đừng buồn, khó khăn nào rồi cũng được giải quyết hết, chỉ cần con có đam mê và ước muốn được chinh phục nó, con sẽ có được những điều mong muốn”.

Buổi học đầu tiên, thầy giảng bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt. Chúng tôi say sưa theo từng lời giảng của thầy, xúc động trào dâng trong vẻ đẹp của tình bà cháu mà thầy gợi ra từ bài thơ. Thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn cách làm bài, phương pháp tư duy, tìm ý…

Thầy luôn có cách làm cho giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn, khiến chúng tôi không thể xao nhãng việc học một phút nào.

Khi tôi viết những bài văn đầu, thầy nhẹ nhàng khuyên bảo và chỉ ra một số lỗi sai khi lập luận. Dần dần, việc viết văn của tôi được cải thiện và nâng cao. Thầy nuôi dưỡng cho tôi tình yêu văn học, giúp tôi thấy được sứ mệnh cao quý của văn học đối với tâm hồn người.

Tôi lấy lại được niềm đam mê để rồi quyết định thi vào lớp 10 chuyên Văn. Quyết định ấy khiến ba mẹ tôi lo lắng. Nhưng chính thầy và những bài giảng của thầy đã tạo trong tôi một niềm tin mãnh liệt rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn...

Năm ấy, khi đứng trước kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn và kì thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn, tôi cảm thấy áp lực như một tảng đá khổng lồ đè nặng. Thầy dường như hiểu điều ấy, nên thường xuyên động viên: “Con hãy cân bằng cuộc sống của mình, đừng vì áp lực mà trở nên bi quan và buồn bã, dẫu kết quả như thế nào, chúng ta hãy tự hào vì chính bản thân ta đã kiên trì và phấn đấu từng ngày như thế”.

Những lời động viên của thầy đã giúp tôi vững tin hơn. Tôi đã đạt giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh năm lớp 9 và đậu vào lớp chuyên Văn trường chuyên Lương Văn Chánh với số điểm môn Văn cao nhất. Ngày biết kết quả thi, một trong những người mà tôi báo đầu tiên là thầy.

Năm lớp 11, tôi lại may mắn được học thầy, được nghe thầy giảng khi tôi đậu vào đội tuyển tỉnh, ôn tập để chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia. Những giờ dạy của thầy cho đội tuyển khiến chúng tôi say mê lẫn cảm động.

Trước kì thi, thầy dành hẳn một buổi để lắng nghe, trò chuyện và động viên tinh thần chúng tôi. “Các con đừng áp lực gì cả. Làm việc gì cũng cố gắng hết sức mình, để sau này dù kết quả thế nào cũng không cảm thấy hối tiếc vì mình đã nỗ lực hết sức rồi”. Lời thầy nói đã tạo cho chúng tôi một tâm lí rất thoải mái và tự tin.

Nhờ sự cố công rèn luyện và sự tận tình chỉ dạy của thầy, tôi đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp quốc gia, đạt huy chương vàng Olympic phía Nam và nhiều giải thưởng khác, đó là một kết quả mà trước đây tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Thầy cũng thường nói với chúng tôi: “Học văn là phải đi đôi với học cách sống sao cho tốt đẹp, sống sao để bản thân có thể bày tỏ lòng tốt, lòng biết ơn của mình đến với người khác. Vì con người chúng ta không bao giờ có hạnh phúc đi đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi chúng ta biết gửi trao những hành động thiết thực và nhân văn”.

Mai đây, mỗi bước tôi đi, dù gập ghềnh sỏi đá, tôi vẫn sẽ luôn vững tin vào chính mình vì biết rằng nơi quê nhà luôn có một người thầy vẫn lặng lẽ dõi theo tôi.

Những ngày này, nghề giáo lại trở thành tâm điểm của dư luận, khi vấn đề muôn thuở như lương và sự vụ phát sinh trong mối quan hệ giáo viên - học trò, giáo viên - phụ huynh đang gây bức xúc.

Nhưng giữa muôn vàn thở than, ca thán, cả triệu giáo viên vẫn đang ngày ngày cặm cụi làm việc. Và vẫn còn đó ký ức về những người thầy "không thể quên".

VietNamNet xin mở một "góc nhỏ" - diễn đàn để độc giả chia sẻ về "Những thầy cô mãi trong tim tôi". Bài viết xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn . Xin chân thành cảm ơn!

Lương Quỳnh Bảo Ngọc (Sinh viên K48, khoa Ngữ văn, trường ĐHSP TP.HCM)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thay-go-hon-da-tang-nuoi-duong-cho-toi-tinh-yeu-van-hoc-2081986.html