Thầy hiệu trưởng khiến học trò 'phát cuồng' vì những quy định không giống ai
Thầy Hoàng Văn Việt (Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng) khiến học trò phải 'phát cuồng' vì những quy định 'không giống ai'.
90% học sinh sử dụng smartphone trong học tập
Bước chân vào ngôi trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai), một điều dễ dàng nhận thấy là toàn bộ trường được phủ sóng Wi-Fi ngập tràn. Thầy Hoàng Văn Việt, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ đầy tự hào bởi đây là một trong ba ngôi trường trên địa bàn huyện Bảo Thắng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, dạy và học.
Vốn từng đi du học tại Đức, thầy Việt hiểu rất rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong các giờ giảng.
“Ở cương vị người học, lúc đó tôi cảm thấy hứng thú và không bị nhàm chán. Tôi nhớ mãi thầy tôi - một giáo viên dạy Lịch sử, người Cộng hòa Séc - khi ấy đã thông qua những hình ảnh và clip ngắn để trình bày về diễn biến một cuộc chiến. Khi ấy tôi tự nghĩ, “Trời ơi sao nội dung lại dễ nhớ đến thế? Tại sao mình lại không áp dụng điều này ở quê hương mình?”, thầy Việt chia sẻ.
Vì thế, sau khi trở về công tác tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng, thầy Việt bắt đầu tìm cách ứng dụng công nghệ vào các giờ học. Với vốn kiến thức nền tảng vững chắc về công nghệ thông tin, năm 2007, thầy Việt mạnh dạn đăng ký chương trình thí điểm cho học sinh thực hành qua các kênh mạng xã hội học tập.
Học sinh chỉ với một chiếc smartphone cũng có thể tham gia vào các lớp học trực tuyến. Giáo viên sẽ tự sáng tạo bài giảng của mình, tạo ra ngân hàng câu hỏi, thậm chí tổ chức các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ ngay trên mạng.
“Trường cũng khuyến khích phụ huynh trang bị cho con em mình smartphone để đáp ứng việc học. Mình phải thay đổi thì học trò mới ham học hơn”, thầy Việt nói.
Một tiết học tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng diễn ra cũng hết sức đặc biệt. Thay vì giáo viên liên tục ghi chép lên bảng, học sinh ê a nội dung bài dạy, thì lũ học trò được mang điện thoại ra thực hiện việc tra cứu thông tin bài học theo nhóm.
“Ví dụ trong môn Vật lý có hiện tượng sóng, mình khuyến khích học sinh sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin, hình ảnh, video. Khi ấy, mình sẽ giới thiệu địa chỉ nguồn học liệu để học sinh có thể truy cập vào. Sau quá trình tìm hiểu, mình sẽ yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi. Mình luôn có một quan niệm về “tiếng ồn tích cực” trong giờ học. Học sinh không nhất thiết phải ngồi yên trong giờ học mà được tự do nói và trao đổi”.
“Nhưng thầy cô cũng phải định hướng làm sao cho học trò dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích. Học sinh cũng không được dùng tùy tiện trong giờ học mà chỉ sử dụng khi có hiệu lệnh của giáo viên”, thầy Việt nói.
Cũng với mong muốn thay đổi tư duy trong thời 4.0, thầy Việt khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ vào việc soạn bài dạy cho tới chuyện giao bài tập và thi cử cho học sinh.
“Giáo viên trường mình sẽ xây dựng bài giảng lên trang mạng xã hội trực tuyến của trường. Bài tập về nhà của học trò cũng được thầy cô gửi qua thư điện tử. Đối với những bài kiểm tra học kỳ, thậm chí học sinh cũng có thể làm bài tại nhà thông qua smartphone. Bài thi sẽ được cập nhật trên trang mạng và có quy định ngày giờ kiểm tra cụ thể”.
“Giáo dục hiện nay bắt buộc phải theo xu thế đổi mới. Nếu nhà trường không tự đổi mới sẽ đánh mất đi “khách hàng” của mình. Ngược lại, khi anh làm cho khách hàng hài lòng thì họ sẽ trở nên hào phóng, trong đó có sự hào phóng về tinh thần tự giác và thái độ học tập tích cực. Chỉ cần học sinh hào phóng như thế với giáo viên, giờ học chắc chắn sẽ thành công”, thầy Việt nói.
“Tuổi học trò phải được dùng mạng xã hội và làm đẹp”
Thầy giáo sinh năm 1970 luôn ủng hộ học trò sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, dù là ngôi trường thuộc huyện biên giới với 763 học sinh nhưng có đến 90% học trò nơi đây được sử dụng smartphone.
“Facebook cũng nhiều cái hay lắm chứ! Đến người lớn còn bị cuốn vào thì sao cấm cản học trò được”.
Vì thế thầy Việt luôn sẵn sàng tương tác với học trò trên mạng xã hội. Bằng cách này, thầy hiệu trưởng còn được học trò gọi bằng cái tên “chuyên gia tâm lý”.
“Thường học sinh sẽ nhắn tin riêng cho mình nhờ tư vấn tình cảm. Khi ấy, mình sẽ bày cách cho chúng có thể kết nối tình cảm với nhau. Tuy nhiên, dù có tình cảm rung động với cô bạn này, cậu bạn khác thì cũng vẫn phải tiến tới mục tiêu cùng giúp nhau tiến bộ trong học tập”.
Cũng có những lần thầy Việt còn được học trò tìm đến để kể những câu chuyện nhạy cảm như thu tiền học đầu năm hay chuyện giáo viên chủ nhiệm ứng xử chưa đúng mực.
“Mình luôn chia sẻ bình đẳng với học trò như những người bạn. Học sinh có nhu cầu giãi bày tâm tư, mình luôn sẵn sàng chia sẻ. Như vậy, học sinh sẽ tin tưởng thầy. Công tác giáo dục vì thế cũng sẽ hiệu quả.
Nếu không biết gì về học sinh, giáo viên sẽ bị mù trong việc định hướng giáo dục. Bản thân mình nghĩ, là người thầy thì không nên nói không với học trò”, thầy Việt nói.
Còn đối với những trường hợp học sinh phát ngôn bậy trên mạng xã hội, thầy Việt thường chọn cách cùng tham gia bình luận như “Đọc comment của mấy đứa thầy đến cạn lời”, hay “Mấy đứa viết gì thế thầy đọc mãi không hiểu”. Học trò thấy thầy hiệu trưởng bình luận như vậy cũng biết ý tự xóa bài viết đi.
Lại có những học sinh thường xuyên trốn học đi chơi net. Thầy Việt phải tìm cách tổ chức các giải thi đấu game cho học sinh. Ngoài những phần thưởng dành cho người chiến thắng, học trò phải cam kết sẽ không bao giờ trốn học đi chơi net nữa.
Thầy Việt bảo, ở tuổi 16-17, càng cấm học trò lại càng thích làm theo ý mình. Do vậy, thay vì cấm đoán trừng phạt, thầy Việt chọn cách đồng hành cùng học sinh. Tất nhiên, đồng hành không có nghĩa là a dua, thỏa hiệp. Nhờ những cách thức giáo dục “lạ” này mà nhà trường đã giảm thiểu được tình trạng học sinh không muốn đến trường.
“Giờ những học sinh trốn học đi chơi net lại trở thành cá biệt ở trường mình”, thầy Việt nói.
Hào hứng với những quy định mà thầy hiệu trưởng đăt ra, Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 11 của trường kể: “Thầy Việt có tư tưởng khá trẻ trung! Thầy hay có những cách thức tiếp cận học trò rất đặc biệt và luôn sẵn sàng đáp ứng mong mỏi của học trò.
Ví dụ như khi chúng em kêu ca với thầy rằng ngày nào cũng mặc đồng phục sẽ xấu lắm, vậy là thầy ra luôn quy định học sinh sẽ được một ngày trong tuần mặc theo phong cách mà mình yêu thích”.
Học sinh tại ngôi trường này còn được cho phép trang điểm khi đến lớp. Quy định được đặt ra, theo thầy Việt, là bởi học trò cũng có nhu cầu muốn làm đẹp. Vì vậy, ngay cả giáo viên đến trường ăn mặc tuềnh toàng, nhợt nhạt đôi khi cũng bị thầy hiệu trưởng “phê bình”.
Với thầy Viêt, học trò đến trường phải được hạnh phúc, được nói, được cười, được thể hiện cá tính. Do vậy, thầy không ép học trò phải đi theo khuôn mẫu. Kỷ luật trong trường cũng đều là kỷ luật tích cực. Ở ngôi trường của thầy Việt, chưa bao giờ có cảnh học trò phải đứng trước cờ hay đứng giữa lớp để tự đọc bản kiểm điểm.