Thầy hiệu trưởng và những kỳ vọng năm 2025 với Chương trình GDPT mới

Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng nhận định: 'Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông là một cuộc cách mạng. Hiệu trưởng mỗi nhà trường phải mang dáng dấp của một người 'anh hùng' trong đổi mới.

Năm 2024 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khi tới tất cả các cấp học. Nhưng kể từ khi bắt đầu cho đến nay, việc thực hiện Chương trình mới chưa bao giờ được đánh giá là dễ dàng ở mọi khía cạnh. Trong quá trình khắc phục khó khăn của các nhà trường, Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng chia sẻ: Thực hiện chương trình GDPT 2018 ở mỗi nhà trường như một cuộc “cách mạng” trong nhận thức và hành động.

Hiệu trưởng nhà trường phải là người truyền cảm hứng, tạo cơ chế thay đổi. Phải là người sâu sát công tác chuyên môn, trực tiếp chỉ đạo và triển khai chương trình giáo dục nhà trường. Gặp khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ kịp thời không để bị động và chờ đợi chỉ đạo từ trên. Mỗi cá nhân phải tự thay đổi làm mới mình để thực hiện thành công chương trình GDPT với đúng tinh thần, ý nghĩa vốn có của nó.

Không còn chỗ cho “bàn lùi” và “lười biếng”

Nhiều trường học, bao gồm cả trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng, đã quen với việc thực hiện Chương trình GDPT 2006, nên khi chuyển sang Chương trình GDPT 2018, không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng chia sẻ: Trên 10 năm thực tiễn giảng dạy và làm quản lý 18 năm tại các ngôi trường trước khi đến trường Mạc Đĩnh Chi, một điều dễ nhận thấy là ở đâu cũng tồn tại những khó khăn, thách thức. Khó khăn nằm ở “sức ỳ” đang ngự trị trong đội ngũ là điều không mới nhưng lại là yếu tố rất mạnh kìm hãm sự phát triển của một tập thể.

Sức ỳ này không chỉ giới hạn ở một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên mà còn dễ lan rộng, tạo nên sự ngại thay đổi trong môi trường chung. Những biểu hiện của sức “ỳ” kéo theo hệ lụy trong mỗi cơ quan đơn vị như: không muốn người khác đổi mới, chế giễu khi thấy đồng nghiệp đổi mới và đạt được kết quả tốt...

 Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng

Theo thầy Nguyễn Minh Quý: Bên cạnh những thầy cô sẵn sàng đổi mới trong nhận thức và hành động thì có bộ phận giáo viên thường ngại thay đổi, và luôn tìm lý do để trì hoãn hoặc lôi kéo đồng minh nhằm biện minh cho việc ngại thay đổi của mình. Đó cũng là"rào cản vô hình" cản trở sự đổi mới và phát triển của chính họ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi giáo viên cũng là con người, và nghề dạy học, dù mang tính đặc thù, vẫn là một nghề. Nhà trường, với vai trò là một xã hội thu nhỏ, sẽ phản ánh nhiều đặc điểm tương đồng với xã hội bên ngoài.

Nhưng vài năm học trước giáo viên bộ môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý…có bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp?

Năm học trước giáo viên Tiếng Anh có ai nghĩ môn Tiếng Anh cũng sẽ chỉ là một môn tự chọn khi học sinh thi tốt nghiệp THPT đến khi phương án thi tốt nghiệp 2+2 bắt đầu thực hiện từ năm 2025?

Vài năm trước có ai nghĩ đến việc học sinh có quyền lựa chọn môn học và lựa chọn thầy cô? …

Thế thời đã thay đổi, quy luật “đào thải” ngày một rõ nét và sẽ ngày càng khốc liệt. Vì vậy không có lí do gì để những nhà giáo, những người làm giáo dục vì trách nhiệm với mình và với học trò tự cho phép mình “ỳ”; “chậm tiến” hay “thụt lùi”.

 Học sinh THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng tham dự hội thao Giáo dục Quốc phòng An ninh

Học sinh THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng tham dự hội thao Giáo dục Quốc phòng An ninh

Thay đổi từ nhận thức của nhà giáo

Với kinh nghiệm của mình thầy Quý chia sẻ: Để vượt qua những rào cản, các giáo viên cần xác định rõ rằng đổi mới không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là điều kiện để tồn tại, sống tốt và tự hào với nghề nghiệp của mình. Việc thay đổi tư duy và tạo động lực đổi mới là điều cần thiết. Loại bỏ thói quen cằn nhằn, kêu ca, thay vào đó là thái độ tích cực, sẽ mang lại niềm vui trong công việc hàng ngày.

Đổi mới cũng giống như việc rèn luyện thể dục thể thao. Ban đầu, cảm giác ngại ngùng và “lười biếng” có thể khiến ta viện đủ lý do để trì hoãn. Nhưng khi duy trì đều đặn, việc tập luyện trở thành thói quen và mang lại những lợi ích đáng kể, thậm chí trở thành đam mê vì sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe và tinh thần.

Để khắc phục những khó khăn trong việc tự học và nghiên cứu, giáo viên cần tự học, tự làm mới mình. Điều này đòi hỏi sự nghiêm túc từ việc tham gia các module tập huấn, nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và của bộ môn, tìm hiểu sâu các nội dung đổi mới.

Về mặt kiến thức, việc đối mặt với khối lượng lớn nội dung mới đòi hỏi giáo viên xây dựng thói quen chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng. Để giải quyết tình trạng thiếu sót khi triển khai bài giảng ở các lớp khác nhau, giáo viên nên chủ động trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn, và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy đa dạng. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng bài giảng mà còn tăng sự tự tin trong giảng dạy.

Với yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy và sự phát triển công nghệ, giáo viên cần thời gian để thích nghi và làm quen. Bên cạnh đó, giáo viên nên bắt đầu từ những bước nhỏ, chẳng hạn áp dụng một kỹ thuật dạy học mới hoặc sử dụng công cụ công nghệ trong từng tiết học, để tạo thành thói quen đổi mới.

 Cô và trò trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng

Cô và trò trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng

Đối với những khó khăn từ hoàn cảnh đặc thù của từng trường, điều quan trọng là xây dựng một môi trường làm việc hỗ trợ và khuyến khích đổi mới. Các hoạt động như sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, trao đổi chuyên đề khó, bài khó hoặc ứng dụng CNTT cần được lên kế hoạch và triển khai đồng bộ. Giáo viên cần tích cực tham gia, đóng góp ý kiến để cùng nhau xây dựng nền tảng chuyên môn vững chắc.

Nhà trường có thể tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về phương pháp dạy học mới và kỹ năng ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục. Nhà trường có thể hỗ trợ bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoặc tạo điều kiện để giáo viên được làm việc với các chuyên gia. Định hướng đúng đắn sẽ giúp giảm bớt cảm giác mất phương hướng, tăng cường niềm tin, và giảm áp lực cho giáo viên.

Dù khó khăn là không tránh khỏi, nhưng nếu thay đổi được nhận thức và hành động với sự kiên trì, tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, các nhà trường hoàn toàn có thể vượt qua thách thức để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018.

Bước sang năm 2025, thầy giáo Nguyễn Minh Quý kỳ vọng rằng với sự thay đổi mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển thịnh vượng thì giáo dục với vị thế vốn sẵn từ ngàn đời sẽ chuyển mình mạnh mẽ. Hy vọng trong năm mới mỗi người đang công tác trong ngành giáo dục, đặc biệt là người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục ý thức được sứ mệnh vẻ vang của mình và hãy chuyển mình, mang dáng dấp của “người anh hùng” trong đổi mới giáo dục để tạo sức bật mạnh mẽ trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018 tại cơ quan đơn vị nơi mình công tác.

Kỳ vọng và hy vọng chào đón năm mới với sức bật mới của ngành giáo dục và đào tạo cả nước!

Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thay-hieu-truong-va-nhung-ky-vong-nam-2025-voi-chuong-trinh-gdpt-moi-post400809.html