Thầy Hùng và '30 phút vàng'

'Cần tạo ra môi trường để học sinh thích học và được phát triển bản thân toàn diện'-đó là mục tiêu mà thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ) đã theo đuổi trong suốt gần 30 năm làm nhà giáo. Bằng tâm huyết và sự sáng tạo, thầy đã sáng lập ra mô hình '30 phút vàng', một sân chơi ngoại khóa bổ ích cho học sinh, được nhân rộng ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích học sinh phát huy sở trường

Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng từng dẫn dắt nhiều học sinh vùng cao đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (cũ) bình chọn là “Giáo viên tiêu biểu năm 2022”... Nhưng đối với các thế hệ học sinh từng được thầy Hùng dẫn dắt, ấn tượng nhất về thầy Nguyễn Mạnh Hùng là sáng kiến “30 phút vàng” của thầy. Sáng kiến này đã thổi một làn gió mới vào các giờ sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, được nhà trường tổ chức đều đặn vào hai ngày thứ bảy mỗi tháng.

Nhiều năm dạy học ở vùng cao, thầy Hùng nhận thấy điểm yếu của phần lớn học sinh nơi đây là thiếu và yếu về kỹ năng mềm, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. “Điều này đã khiến cho học sinh thiếu định hướng tốt, tự ti trong giao tiếp và hạn chế về khả năng làm việc nhóm”, thầy Hùng cho biết. Chính điều đó đã khiến thầy trăn trở không thôi. Sau thời gian dài ấp ủ, ý tưởng “30 phút vàng” được thầy hoàn thiện và đưa vào áp dụng thí điểm trong nhà trường. Mô hình này đã thành công khi được các thầy, cô giáo ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả và đặc biệt là nhận được sự ủng hộ, tham gia sôi nổi của các em học sinh.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy học để học sinh thích học và dễ hiểu, dễ nhớ. Ảnh do nhà trường cung cấp

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy học để học sinh thích học và dễ hiểu, dễ nhớ. Ảnh do nhà trường cung cấp

Ý tưởng “30 phút vàng” của thầy Hùng được triển khai từ năm 2008. Thời điểm đó, khi đang là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình, thầy Hùng khởi xướng hoạt động 15 phút kể chuyện cho học sinh trước giờ chào cờ đầu tuần. Những mẩu chuyện thường được sưu tầm trên các trang báo, mang tính giáo dục cao và được học sinh yêu thích. Ngoài ra, thầy cũng thường xuyên mời những tấm gương sáng trong thi đua, rèn luyện về trường để kể chuyện, chia sẻ và giao lưu cùng học sinh.

“Nhiều học sinh kể với tôi rằng, có những bài báo mà các em vẫn nhớ tới tận bây giờ, bởi câu chuyện đó làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức và định hướng tương lai cho các em”, thầy Hùng chia sẻ.

Nhận thấy sáng kiến của mình được học sinh hưởng ứng, thầy Hùng đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường dành thêm 15 phút, trở thành mô hình “30 phút vàng” như hiện nay. Cùng với đó, thầy không ngừng sáng tạo thêm những hình thức thể hiện mới để tạo sức lôi cuốn và thu hút học sinh. Khi thì sân khấu hóa, khi thì tổ chức gameshow kỹ năng sống, khi thì khuyến khích học sinh tham gia viết bài về những tấm gương tiêu biểu trong trường học... Mỗi hoạt động, thầy Hùng đều đồng hành với học sinh từ khâu viết kịch bản, tập luyện cho đến tổng duyệt. Bằng cách này, thầy đã khéo léo tạo cơ hội để học sinh được cùng tham gia hoạt động và phát huy năng lực, sở trường riêng, chứ không chỉ tiếp thu một cách thụ động.

Thầy Hùng chia sẻ: “Tiêu chí của tôi khi tổ chức mô hình “30 phút vàng” là phải nghĩ ra những hoạt động mà tất cả các nhóm tính cách đều có thể tham gia. Từ những học sinh có thế mạnh về viết lách, ưa thích vận động, có năng khiếu văn nghệ đến cả những học sinh lười hoạt động nhất, ai cũng có cơ hội tham gia, thể hiện bản thân”.

Sau này, để tăng hiệu quả hơn nữa, thầy Hùng đã cải tiến mô hình, chuyển sang tổ chức một chuyên đề vào sáng thứ hai và hai buổi sinh hoạt ngoại khóa (vào hai ngày thứ bảy trong tháng), nội dung cũng được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Gần đây, thầy Hùng còn bổ sung thêm hoạt động tranh biện và giáo dục lòng nhân ái thông qua các chuyến đi thiện nguyện để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện ngày càng cao của học sinh.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, chia sẻ: “Em cùng các bạn luôn rất hào hứng với các hoạt động của “30 phút vàng”. Đây là chương trình thực sự ý nghĩa và bổ ích, qua đây chúng em có thêm sân chơi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau và phát triển nhiều kỹ năng mới”.

Dưới sự dẫn dắt tận tâm của thầy Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều lứa học sinh khi rời ghế nhà trường không chỉ tích lũy được những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn tích lũy được vốn sống, có bản lĩnh, nghị lực để vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Một trong những người trưởng thành từ mô hình “30 phút vàng” là chị Bùi Thị Tuyết Mai, hiện là giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu ở Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai cho biết: “Mỗi câu chuyện được kể vào giờ chào cờ sáng thứ hai của thầy Hùng in sâu vào tâm trí tôi, hun đúc động lực học tập, vươn lên trong cuộc sống, giúp tôi trở thành người có ích cho xã hội”. Giờ đây, nối bước người thầy đáng kính, chị Mai cũng đang ngày ngày "truyền lửa", khơi gợi niềm say mê và khát khao học tập cho các thế hệ học sinh của mình.

Nhờ phát huy hiệu quả vượt trội trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, năm 2011, “30 phút vàng” đã được Trung ương Đoàn công nhận là mô hình tiêu biểu toàn quốc và được triển khai, nhân rộng ở nhiều trường học. Năm 2023, thầy Nguyễn Mạnh Hùng vinh dự nhận Giải thưởng Công chúa Maha Chakri (Thái Lan)-giải thưởng tôn vinh những nhà giáo tận tâm, có đóng góp đáng kể cho giáo dục và phát triển con người ở khu vực Đông Nam Á.

Nỗ lực tạo nên sự thay đổi

Trong văn phòng nhỏ của thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ có những bằng khen thành tích mà còn lưu giữ nhiều bức ảnh ghi lại hành trình gần 20 năm của mô hình “30 phút vàng”. Thầy Hùng vừa cho chúng tôi xem từng tấm hình, vừa kể những câu chuyện thú vị về học sinh của thầy sau nhiều năm làm nghề.

Thi thoảng, tiếng reo hò của học sinh ngoài sân trường lại lẫn vào cuộc trò chuyện của chúng tôi. Hướng mắt nhìn ra cửa sổ, thầy Hùng nhớ về những ngày đầu triển khai mô hình: “Khi đó, khó khăn nhất là thuyết phục Ban giám hiệu nhà trường và tập thể giáo viên cũng như học sinh. Nhưng những khó khăn ấy càng thôi thúc tôi quyết tâm phải làm để tạo nên sự thay đổi”.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều năm gắn bó và luôn dành sự quan tâm đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh do nhà trường cung cấp

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều năm gắn bó và luôn dành sự quan tâm đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh do nhà trường cung cấp

Theo thầy Hùng, điều quan trọng nhất là phải làm cho cả giáo viên và học sinh thấy được lợi ích lâu dài của việc xây dựng các hoạt động ngoại khóa. Chỉ một người không thể làm được mà cần phải xây dựng một đội ngũ cộng sự có chung tâm huyết.

Là đồng nghiệp dạy cùng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ với thầy Nguyễn Mạnh Hùng, cô giáo Vũ Thị Hằng chia sẻ: "Thầy Hùng luôn trách nhiệm trong công việc và đặc biệt là nhiệt huyết của thầy luôn tràn đầy, có sự lan tỏa mạnh mẽ đến các đồng nghiệp cũng như học sinh. Thầy luôn đưa ra nhiều ý tưởng để giúp các hoạt động của nhà trường trở nên hiệu quả, hấp dẫn hơn, mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị, giúp học sinh được phát triển toàn diện. Tinh thần đoàn kết, hòa đồng với tập thể của học sinh được nâng cao hơn rất nhiều nhờ các hoạt động này”.

Hiện nay, không chỉ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ mà tại nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh, các buổi sinh hoạt ngoại khóa đã được đổi mới và luôn được các em học sinh chào đón với không khí sôi nổi, hấp dẫn... Có được điều này một phần là nhờ những đóng góp tích cực của thầy Nguyễn Mạnh Hùng suốt nhiều năm qua. Nhưng chưa dừng lại ở đó, thầy Hùng tâm sự đang xây dựng kế hoạch triển khai công tác hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh trong việc định hướng con đường nghề nghiệp phù hợp với tương lai phát triển.

LINH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/thay-hung-va-30-phut-vang-836150