Thay lời tri ân đến những người đi 'gieo hạt chữ'

Với mong muốn mang ánh sáng tri thức đến với đồng bào, nhiều thế hệ nhà giáo dành cả thanh xuân để cắm trường, cắm bản, 'gieo hạt chữ' lên non.

Thầy Tráng Seo Thắng cùng các em nhỏ tại Điểm trường Nhiều Cù Ván.

Thầy Tráng Seo Thắng cùng các em nhỏ tại Điểm trường Nhiều Cù Ván.

Những người đi “gieo hạt chữ”

Lào Cai - vùng biên gian khó, xa xôi của Tổ quốc. Nơi đây có biết bao thôn, bản vùng cao heo hút, nằm cheo leo giữa mây núi, sương ngàn. Ở đó vẫn còn bao bản làng bị bủa vây bởi đói nghèo, lạc hậu. Để mang ánh sáng của tri thức đến với đồng bào, nhiều thế hệ nhà giáo đã dành cả tuổi thanh xuân và nhiệt huyết để cắm trường, cắm bản, “gieo hạt chữ” lên non.

Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để nhóm tác giả Thanh Huệ - Quỳnh Trang (bút danh An Nhiên – Quỳnh Nguyên) của Báo Lào Cai tìm hiểu và viết về những tấm gương của các giáo viên, những người truyền cảm hứng và là “mảnh ghép” không thể thiếu của giáo dục vùng cao Lào Cai.

Người đi “gieo hạt chữ” là chùm 4 tác phẩm kể về hành trình bám bản, dạy chữ của các thầy cô giáo vùng cao Lào Cai. Ngoài những trang giáo án, hành trang họ mang theo còn là một trái tim ấm áp, niềm đam mê cháy bỏng với nghề.

Mỗi câu chuyện là một phần cuộc đời, một phần kỷ niệm của các thầy cô nhưng điểm chung là những câu chuyện nhỏ bé đó đã lay động biết bao trái tim, truyền cảm hứng và đánh thức những khát khao về sự học, sự vươn lên cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

 Thầy Tráng Seo Thắng chăm sóc các em nhỏ ở Nhiều Cù Ván.

Thầy Tráng Seo Thắng chăm sóc các em nhỏ ở Nhiều Cù Ván.

Mở đầu tuyến bài là câu chuyện của thầy Tráng Seo Thắng, giáo viên tại Điểm trường Nhiều Cù Ván, Trường Mầm non Tả Van Chư, huyện Bắc Hà. Thầy Thắng năm nay 31 tuổi, chưa lập gia đình nhưng thầy lại rất khéo léo, tháo vát. Khi ở trường, thầy là “cha” của đàn con thơ, khi về nhà thầy tiếp tục chăm sóc những cháu nhỏ thiếu vắng bàn tay cha mẹ. Tạm gác lại hạnh phúc riêng, tất cả thời gian có được, thầy đều dành chăm lo cho những “đứa con” đặc biệt của mình.

Nhiều Cù Ván theo tiếng của đồng bào có nghĩa là “thung lũng sừng trâu”, địa hình nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi đá tai mèo trông xa như những chiếc sừng trâu đen bóng. Từ bao đời nay, cuộc sống của đồng bào Mông nơi này luẩn quẩn bởi cái nghèo, cái khổ bao vây. Ngày thầy Thắng về nhận nhiệm vụ, cơ sở vật chất dạy học ở điểm trường tạm bợ và thiếu thốn. Lớp học không có điện, phải thắp đèn dầu. Mùa đông giá rét, mưa phùn, thầy trò phải đốt lửa để xua đi lạnh giá.

Ở vùng đất xa xôi, heo hút, tưởng như sẽ không có nhiều việc để làm bởi nhịp sống bao đời vẫn vậy, nhưng thực tế một ngày của thầy giáo mầm non tất bật từ sáng tới tối, xoay quanh việc dạy dỗ, chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ của những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Nhiều khi học trò nhỏ tuổi quấy khóc, thầy phải bế trên tay vỗ về. Là thầy giáo dạy mầm non, ít nhiều thầy Thắng phải đối diện với những khó khăn về giới khi vừa là thầy, vừa phải đóng vai trò là "cô", là "mẹ" của học trò. Những kỹ năng múa hát, kể chuyện, chăm sóc trẻ cũng là yêu cầu khó mà không phải ai cũng làm được.

Dẫu vậy, sinh ra là lớn lên trong nghèo khó ở thôn Tẩn Chư, lại cùng là đồng bào Mông, hơn ai hết, thầy Thắng mong mỏi những đứa trẻ ở bản nghèo Nhiều Cù Ván được đến trường vui chơi, học tập. Món quà duy nhất trong suốt những năm qua mà thầy được nhận của học trò và đồng bào nơi đây là tình cảm yêu mến.

 Cô Nguyễn Thị Uyến và những học sinh của vùng đất Dìn Chin.

Cô Nguyễn Thị Uyến và những học sinh của vùng đất Dìn Chin.

Trong biết bao con đường ở dải đất nghèo Dìn Chin, có lẽ không nơi nào mà cô Nguyễn Thị Uyến, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lồ Sử Thàng, huyện Mường Khương chưa đặt chân đến. Hành trình từ một cô gái trẻ ở miền xuôi lên vùng cao đến khi đã dành trọn nửa cuộc đời để “gieo chữ” cho học sinh ở miền "đất khát” là một chặng đường đầy gian khó mà cũng vô cùng ý nghĩa.

Dìn Chin từ lâu được biết đến là vùng đất khát, được ví như “Trường Sa cạn” ở đất thép Mường Khương bởi tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng vào mùa khô. Vậy nhưng, chẳng những khát nước sinh hoạt, đồng bào nơi đây còn “khát thông tin”, “khát tri thức” và “khát những đổi thay”.

Một trong những điểm trường khó khăn nhất mang tên Sín Chải A. Cách đây hơn 10 năm, cô Uyến lần đầu đặt chân đến Sín Chải A. Hơn chục năm quay lại, Sín Chải A vẫn là vùng đất mến thương mà cô Uyến nặng lòng. Cuộc sống của rẻo cao này vẫn còn đầy rẫy khó khăn và con chữ trở thành “chìa khóa” mở cánh cửa tương lai cho những lứa măng non ở nơi này.

Từ một cô gái ở vùng đồng bằng yên ả, cô Uyến đã dành cả thanh xuân để bám trường, bám bản, đem con chữ đến với học sinh ở vùng đất cạn Dìn Chin. Trong suốt 29 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đứng lớp dạy trẻ ở những điểm trường gian khó, cho đến giờ, cô Uyến chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc.

Lứa học trò đầu tiên cô Uyến dạy cách đây nhiều năm đã lớn khôn. Cô Uyến mừng vui khi cái chữ đã giúp học trò nghèo nơi đây vươn lên, biết phát triển kinh tế, đóng góp cho quê hương, thậm chí có cả người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo xã. Với nữ nhà giáo, còn niềm vui nào hơn thế.

 Thầy Chảo Ông Chẳn chăm sóc các học sinh ở Tả Phời.

Thầy Chảo Ông Chẳn chăm sóc các học sinh ở Tả Phời.

Thầy Chảo Ông Chẳn (SN 1989), lớn lên ở Phìn Hồ - thôn xa nhất, cao nhất của xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Như “hạt mầm” nảy nơi vùng đất khó, Chảo Ông Chẳn luôn hy vọng ngày mai của đồng bào ở Tả Phời sẽ tươi sáng hơn. Nghĩ vậy, Chảo Ông Chẳn quyết tâm trở thành thầy giáo để mang ánh sáng về cho dân bản, lấy con chữ “mở đường” xuống núi.

Lần lượt trải qua các cấp học, Chảo Ông Chẳn tiếp tục thi đỗ và theo học chuyên ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, là người đầu tiên của thôn Phìn Hồ học tới bậc học này.

Sau khi ra trường, năm 2012, thầy Chảo Ông Chẳn được nhận công tác ở Trường Tiểu học và THCS số 1 Tả Phời. Năm nào địa phương tổ chức các lớp xóa mù chữ, thầy cũng tham gia. Lớp học đầu tiên mà thầy giáo trẻ đứng lớp cũng là lớp học mà thầy nhớ mãi đến tận bây giờ.

Năm 2012 - 2013, lớp học xóa mù chữ ở thôn Phìn Hồ - quê hương thầy Chẳn có 20 người là đồng bào Dao theo học. Tất cả đều là người quen, người thân của thầy. Cái khó mà thầy Chẳn phải vượt qua là suy nghĩ, định kiến bao đời của người Dao rằng: Trẻ không được dạy già, con cháu không được dạy cha, chú.

Vượt qua những rào cản đó, thầy chăm chỉ đến từng nhà vận động bà con. Mưa dầm thấm lâu, bà con dần hiểu ra và bước qua định kiến để đến lớp học. Con chữ cứ vậy “nảy mầm” dưới ánh đèn leo lét ở Phìn Hồ.

Sau hơn 10 năm công tác, thầy Chẳn quay về dạy những đứa trẻ ở điểm trường Ú Sì Sung, nơi đầu tiên thầy nhận nhiệm vụ. Trong tiếng của đồng bào, “Ú Sì Sung” có nghĩa là “rừng vầu đắng”, ý chỉ những rừng vầu đã bao bọc tầng tầng lớp lớp, chở che cho những chòm xóm của đồng bào Dao nơi đây.

"Mong muốn lớn nhất của tôi là được nhìn thấy những "búp măng non" ở "rừng vầu đắng" nói riêng và ở khắp các thôn, bản của Tả Phời nói chung được đến lớp, vui chơi, học tập" - thầy Chẳn bày tỏ.

Nhìn lại chặng đường gian khó đã qua, hành trình đứng lớp của thầy giáo Chảo Ông Chẳn sẽ tiếp tục được nối dài để ánh sáng của tri thức lan tỏa, để cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tả Phời xóa bỏ những định kiến, hủ tục, vươn lên vì ngày mai tươi sáng.

Thay lời tri ân…

Kết thúc tuyến bài, nhóm tác giả nhắc lại những câu thơ của NGƯT Cao Văn Tư đã viết trong tập truyện ký “Những người đi gieo hạt chữ”: “Thầy đi dạy chữ bản xa/Vó câu lững thững rừng già suối reo/Chim kêu vượn hót lưng đèo/Thương đàn em nhỏ bản nghèo ngẩn ngơ”.

Cùng đó là những nhận định của NGƯT Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai: “Mỗi câu chuyện là một phần cuộc đời, một phần kỷ niệm của các thầy cô nhưng điểm chung là những câu chuyện nhỏ bé đó đã lay động biết bao trái tim, truyền cảm hứng để các thế hệ nhà giáo Lào Cai tiếp tục cống hiến hết mình, làm tròn sứ mệnh như lời Bác từng căn dặn “nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Theo lời phóng viên Thanh Huệ chia sẻ, Lào Cai hiện còn gần 1.360 điểm trường lẻ, hơn 23% học sinh toàn tỉnh cùng hàng nghìn giáo viên vẫn miệt mài với con chữ tại những địa bàn khó khăn. Những nhân vật được nhắc đến trong loạt bài chỉ là một phần nhỏ trong số đó.

 Tác giả Thanh Huệ (trái) và Quỳnh Trang (phải) của Báo Lào Cai chia sẻ câu chuyện cùng thầy Tráng Seo Thắng.

Tác giả Thanh Huệ (trái) và Quỳnh Trang (phải) của Báo Lào Cai chia sẻ câu chuyện cùng thầy Tráng Seo Thắng.

“Khép lại bài viết này, chúng tôi muốn gửi lời tri ân, sự mến phục đến các thầy cô giáo vùng cao. Chúng tôi tin, những tấm gương học và làm theo Bác sẽ tiếp tục được các thầy cô nối dài để thắp lên ánh sáng tri thức và hơi ấm tình người ở những điểm trường cheo leo, heo hút” – phóng viên Thanh Huệ bày tỏ.

Chia sẻ về Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, phóng viên Thanh Huệ bày tỏ: “Tôi thấy cuộc thi là sân chơi cho các nhà báo, phóng viên và cũng là nơi các vấn đề về giáo dục được tái hiện sinh động, đa chiều qua các tác phẩm báo chí. Đây là lần đầu tôi tham gia và may mắn đạt giải. Giải thưởng này sẽ là động lực để tôi trau dồi hơn ngòi bút, tích cực tìm kiếm các đề tài giáo dục hấp dẫn hơn trong những mùa giải tiếp theo”.

 Nhiều giáo viên gắn bó cả thanh xuân với vùng đất khó vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Lào Cai.

Nhiều giáo viên gắn bó cả thanh xuân với vùng đất khó vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Lào Cai.

Còn phóng viên Quỳnh Trang cho biết: “Lào Cai vẫn có nhiều địa bàn khó khăn. Điều đáng mừng là ngay ở những nơi gian khó ấy, các thầy cô vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, viết lên những câu chuyện nhân văn, truyền cảm hứng mà các thầy cô chưa khi nào tự nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi, tìm hiểu và viết về những tấm gương của nhiều thầy cô khác để những đóng góp thầm lặng ở vùng cao sẽ được lan tỏa”.

Như NGƯT Cao Văn Tư, người đồng nghiệp thân tình và cũng là người thầy của biết bao thầy cô giáo ở vùng cao Lào Cai nhận xét: “Nghề nào cũng có những khó khăn riêng nhưng những hy sinh của đội ngũ giáo viên vùng cao ở bất cứ giai đoạn nào cũng khó kể hết bằng lời”.

“Chúng tôi, những tác giả viết về giáo dục vùng cao cũng mong muốn mỗi thầy, cô giáo ở vùng cao Lào Cai đã, đang và sẽ tiếp tục là những tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lan truyền cảm hứng và đánh thức những khát khao về sự học, sự vươn lên cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo” – phóng viên Thanh Huệ tâm sự.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-loi-tri-an-den-nhung-nguoi-di-gieo-hat-chu-post708684.html