Thầy Lý Khonh Na Ra - gắn bó cùng học trò dân tộc thiểu số

Thầy Lý Khonh Na Ra - giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là một trong số những gương mặt tiêu biểu được tuyên dương tại Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021. Đây là chương trình tri ân các thầy, cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Theo thầy Na Ra, năm 1999, thầy tốt nghiệp ra trường và nhận nhiệm vụ tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Xuyên, sau đó được phân công công tác tại đơn vị Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2, xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên trước kia (nay thuộc huyện Trần Đề). Đến năm 2001, thầy được Ban Giám hiệu giao làm Tổng phụ trách Đội, từ đó có nhiều cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu, chia sẻ với học sinh nhiều hơn. Gắn bó với ngôi trường vùng sâu, thầy Na Ra cho biết, rất xót xa khi thấy học sinh tham gia hoạt động ngoài trời trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con đường đến trường các em rất vất vả, đường đất vào mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì rát chân; nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ thường đi làm ăn xa, ít quan tâm chuyện học hành nên đôi khi sách vở không đầy đủ.

Thầy Lý Khonh Na Ra. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thầy Lý Khonh Na Ra. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Để thầy và trò cùng vượt qua khó khăn, thầy Na Ra đã chủ động giúp đỡ, xây dựng chương trình sinh hoạt phù hợp. Với học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa, không đưa được đến trường để sinh hoạt, thầy đi tới nhà để đón, còn những em cha mẹ đưa đến trường mà không kịp đón về thì thầy đưa về tận nhà, nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Ngoài ra, thầy còn tổ chức một số hoạt động thu hút học sinh, lựa chọn các em có sở thích, khả năng âm nhạc, hướng dẫn học sinh lấy tre làm dùi và nền đất của sân trường làm mặt trống để tập gõ, cũng như luyện các bài trống khác nhau. Thầy còn tổ chức các hoạt động, nhiều học sinh rất thích thú như: thi hái hoa dân chủ, các trò chơi, hội thi rung chuông vàng, các hoạt động văn hóa - văn nghệ…

Trải qua 22 năm gắn bó cùng bảng đen, phấn trắng, nhiệt huyết và cái tâm với nghề là động lực để thầy đồng hành cùng học sinh vùng đặc biệt khó khăn. “Ngành sư phạm thời gian trước hay bây giờ cũng vậy đều có những vui buồn riêng. Tôi đã chứng kiến có những người vì áp lực công việc, hoàn cảnh gia đình, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống đã “nao núng” với nghề, thậm chí không trụ nổi và tìm cơ hội với nghề nghiệp mới. Bên cạnh đó cũng có nhiều người yêu nghề, mến trẻ, sống hết mình với sự nghiệp trồng người, đáng để học hỏi, noi theo mà phấn đấu” - thầy Na Ra chia sẻ.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thầy Na Ra cùng tham gia tiếp sức chống dịch. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thầy Na Ra cùng tham gia tiếp sức chống dịch. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thầy Na Ra cũng chia sẻ rằng, ngày nay trong thời đại tri thức, thời đại công nghệ thông tin, thời kỳ hội nhập, có sự giao thoa giữa các nền văn hóa ảnh hưởng đến lối sống của thanh thiếu niên, với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho học sinh thiếu chú tâm việc học hành, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ, chính vì vậy trách nhiệm nghề giáo, môi trường giáo dục lại càng nặng nề hơn.

Thầy Na Ra bộc bạch: “Nhiều khi đứng trên bục giảng gặp phải học sinh quậy phá, bất chợt cảm thấy giận học trò nhưng suy nghĩ học trò thời nào chẳng thế nên tôi nghĩ mình cứ lấy cái tâm để dạy dỗ. Ở Thạnh Thới An là vùng khó khăn, đa số là học sinh Khmer, các em rất ngây thơ, hồn nhiên, nhìn khuôn mặt của những em còn lem luốc đến trường bằng cả sự nghiêm túc, vượt khó để học giỏi thì tôi càng có động lực với nghề hơn”.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/thay-ly-khonh-na-ra-gan-bo-cung-hoc-tro-dan-toc-thieu-so-54399.html