Thay mới bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu từ 1/6
Tổng cục hải quan vừa ban hành Quyết định 1357/QĐ-TCHQ thay đổi mã loại hình xuất nhập khẩu. Theo đó, có 16 mã loại hình xuất khẩu và 24 mã loại hình nhập khẩu…
Hệ thống VNACCS góp phần hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Quy định mới về Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2021 và thay thế Công văn 2765/TCHQ-GSQL ngày 1/4/2015 của Tổng cục Hải quan về mã loại hình xuất nhập khẩu trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS) vì phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế áp dụng.
Đối với các loại hình xuất khẩu, Quyết định 1357/QĐ-TCHQ quy định gồm 16 mã loại hình, trong đó giữ nguyên 5 mã; sửa đổi 10 mã; bổ sung một mã (mã C12: Hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài), đồng thời bãi bỏ 1 mã (mã E56: Xuất sản phẩm gia công giao hàng tại nội địa)
Đối với các loại hình nhập khẩu, Quyết định 1357/QĐ-TCHQ quy định gồm 24 loại hình, trong đó giữ nguyên 6 mã; sửa đổi 16 mã; bổ sung 2 mã gồm (A43: Nhập khẩu hàng hóa thuộc Chương trình ưu đãi thuế; A44: Nhập hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế).
Mô hình hệ thống thông quan hàng hóa tự động
Quyết định 1357/QĐ-TCHQ cũng quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm xử lý đối với các trường hợp đã đăng ký tờ khai trước ngày quyết định này có hiệu lực. Theo đó, đối với các tờ khai hải quan đã đăng ký theo loại hình tương ứng trước ngày Quyết định 1357 có hiệu lực, nếu có thay đổi mục đích sử dụng và đăng ký tờ khai hải quan mới thì sử dụng mã loại hình theo quy định tại Quyết định này kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.
Đối với các mã loại hình đã được quy định tại Quyết định này nhưng thủ tục hải quan chưa được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính thì chưa thực hiện cho đến khi có quy định cụ thể.
Quyết định 1357/QĐ-TCHQ được ban hành nhằm giải quyết những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về thống kê và quản lý hải quan theo quy định. Cụ thể như mã A11, A12 cần phân loại rõ theo mục đích sử dụng của hàng hóa; mã A31 cần phân loại mục đích nhập khẩu trở lại để áp dụng chế độ quản lý phù hợp.
Ngoài ra, các quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế cũng cần điều chỉnh, bổ sung một số mã loại hình cho phù hợp với chính sách thuế như: bổ sung loại hình hàng hóa được thanh toán, nộp thuế bằng vốn ngân sách nhà nước, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thay-moi-bang-ma-loai-hinh-xuat-khau-nhap-khau-tu-1-6.htm