Thầy thuốc đông y trên hành trình bảo vệ động vật hoang dã

Từ lâu, các thành phần từ động vật hoang dã đã được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền (YHCT) để điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc này đã và đang góp phần đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng. Do đó, việc tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững trong YHCT trở nên vô cùng cấp thiết. Và hơn ai hết, vai trò của các nhà khoa học, bác sĩ đông y, các công ty dược phẩm, lương y và người hành nghề YHCT rất quan trọng.

Đại biểu tham dự hội thảo “Y học cổ truyền và bảo tồn động vật hoang dã - Hướng đi từ Dược liệu thay thế”. (Nguồn: Choice)

Đại biểu tham dự hội thảo “Y học cổ truyền và bảo tồn động vật hoang dã - Hướng đi từ Dược liệu thay thế”. (Nguồn: Choice)

Động vật hoang dã tuyệt chủng vì thói quen sử dụng của con người

Theo số liệu từ các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) như: TRAFFIC, WWF, WildAid, ENV…, có rất nhiều số liệu đáng buồn và đáng lo ngại về tình trạng tuyệt chủng của các loài ĐVHD hay được sử dụng trong YHCT.

Với loài tê tê (theo quan niệm của YHCT vảy và thịt có thể làm thuốc), hơn 1 triệu cá thể bị giết hại trong giai đoạn năm 2000 - 2014; từ năm 2015 - 2019, có tổng cộng 215 tấn vảy tê tê bị tịch thu ở châu Á; tất cả 8 loài tê tê trên thế giới hiện nay đều đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt tại châu Á, số lượng tê tê đã giảm hơn 80% trong 20 năm qua do bị săn bắt để lấy vảy và thịt.

Với loài hổ (theo quan niệm của YHCT xương nấu cao, răng nanh đeo kị gió), thì diện tích phân bố của hổ đã bị thu hẹp đến 93% chỉ trong 1 thế kỷ. Tính đến tháng 11/2021, chỉ còn khoảng 3.900 cá thể hổ hoang dã trên toàn thế giới, sụt giảm đáng kể so với 100.000 cá thể một thế kỷ trước. Theo ước tính, có khoảng 7.000 - 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên khắp châu Á.

Cần từ bỏ thói quen dùng ĐVHD làm thuốc. (Nguồn: ENV)

Cần từ bỏ thói quen dùng ĐVHD làm thuốc. (Nguồn: ENV)

Với loài tê giác dù Sách Đỏ IUCN xếp 3 trong 5 loài tê giác còn lại (tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java) vào diện loài cực kỳ nguy cấp, nhưng con người dường như chẳng mảy may quan tâm tới điều đó. Rất nhiều tê giác đã bị săn, giết chết chỉ để lấy sừng làm thuốc, dẫn đến từ đầu thế kỷ 20, số lượng tê giác hoang dã trên toàn cầu đã giảm mạnh từ 500.000 cá thể xuống còn chưa tới 28.000 con. Chỉ riêng năm 2023, 586 cá thể tê giác đã bị giết hại do nạn săn trộm trên khắp châu Phi.

Với loài gấu, để phục vụ nhu cầu sử dụng mật gấu của con người, hơn 12.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại lấy mật ở châu Á. Tính đến tháng 8/2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội.

60% bệnh truyền nhiễm mới nổi là bệnh truyền nhiễm từ ĐVHD

Mặc dù theo nhiều cuộc điều tra xã hội, số người ưa thích dùng thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD vẫn rất cao (đơn cử như 53% người được khảo sát cho rằng các sản phẩm từ tê tê có thể điều trị bệnh tắc tuyến sữa một cách hiệu quả) nhưng theo PGS. TS. Trần Xuân Chương - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm - Lao, Đại học Y - Dược, Đại học Huế, bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người là một bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Khoảng 60% trong số tất cả các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ở người đã biết có nguồn gốc từ động vật, bao gồm Brucella, HIV, Salmonella và virus dại. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới hoặc mới nổi ở người đều là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ví dụ như: Covid-19, Ebola và cúm gia cầm độc lực cao. Hơn nữa, 80% các bệnh có khả năng gây ra khủng bố sinh học đều là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ví dụ như bệnh than, bệnh dịch hạch…

Rất nhiều tê giác đã bị săn, giết chết chỉ để lấy sừng làm thuốc, dẫn đến sự tuyệt chủng loài. (Nguồn: WWF)

Rất nhiều tê giác đã bị săn, giết chết chỉ để lấy sừng làm thuốc, dẫn đến sự tuyệt chủng loài. (Nguồn: WWF)

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Chương, ước tính rằng, trên toàn cầu, có khoảng một tỷ ca bệnh và hàng triệu ca tử vong xảy ra mỗi năm do bệnh truyền nhiễm từ động vật. Khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm mới nổi được báo cáo trên toàn cầu là bệnh truyền nhiễm từ động vật. Hơn 30 mầm bệnh mới ở người đã được phát hiện trong ba thập kỷ qua, 75% trong số đó có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm từ động vật mới nổi là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe cộng đồng. Sự xuất hiện gần đây của Covid-19 cho thấy sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng này là không thể đoán trước vì chúng có nguồn gốc từ động vật, thường các bệnh nhiễm trùng này do vi-rút mới gây ra và chỉ được phát hiện khi các đợt bùng phát xảy ra.

Nội dung này cũng đã được PGS.TS Trần Xuân Chương mang ra bàn thảo tại Hội thảo “Y học cổ truyền và bảo tồn động vật hoang dã - Hướng đi từ Dược liệu thay thế” do Mạng lưới bảo vệ ĐVHD trong YHCT phối hợp cùng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế với sự hỗ trợ của Công ty Không vì lợi nhuận Choice tổ chức tại TP Huế và TP HCM cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2025.

Vì một nền YHCT Việt Nam bền vững và thân thiện với thiên nhiên

Từ góc độ của bác sĩ YHCT, TS. BS. Đoàn Văn Minh - Trưởng Khoa YHCT, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cho biết, thuốc YHCT có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng chất được điều chế và tiêu thụ, tuy nhiên thực vật chiếm phần lớn trong sử dụng thuốc YHCT. Trong bản thảo cương mục có 1.895 mục thì có tới 1.094 là thực vật, chỉ có 12% có nguồn gốc từ động vật.

TS. BS. Đoàn Văn Minh nhấn mạnh: “Xu thế bảo vệ ĐVHD trên toàn cầu sẽ thúc đẩy việc hạn chế sử dụng thuốc từ ĐVHD và định hướng chuyển sang các sản phẩm thay thế từ thảo dược và các phương pháp không dùng thuốc, đó là xu hướng tất yếu của YHCT trong tương lai. Vì vậy, cần tăng cường các nghiên cứu và đầu tư đồng bộ để tìm kiếm giải pháp thay thế phù hợp, khoa học và bền vững”.

Được biết, năm 2022, Mạng lưới bảo vệ ĐVHD trong YHCT được thành lập, bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực YHCT trên thế giới, bao gồm TS. BS. Yemeng Chen - Chủ tịch Cao đẳng YHCT tại New York, GS. TS. Lixing Lao - Chủ tịch Đại học Y học Tổng hợp Virginia và bà Lixin Huang - cựu Chủ tịch Cao đẳng YHCT Hoa Kỳ. Mạng lưới được hình thành với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ ĐVHD trong YHCT, đồng thời thúc đẩy một nền y học bền vững và thân thiện với môi trường.

Khi trở thành thành viên của Mạng lưới, các tổ chức và cá nhân cam kết bản thân/tổ chức của mình thực hành YHCT bền vững, không sử dụng ĐVHD và thân thiện với môi trường. Tháng 4/2024, Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về bảo vệ ĐVHD trong YHCT được tổ chức tại Mỹ với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ YHCT, các công ty dược phẩm, lương y và người hành nghề YHCT trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc bảo vệ ĐVHD đối với các người hành nghề, nhà giáo dục, nhà sản xuất, nhà phân phối thảo dược, nhà nghiên cứu YHCT và cộng đồng, tiến tới xây dựng một thế giới nơi YHCT trở thành một nền y học bền vững, xanh, không phụ thuộc vào ĐVHD và thân thiện với môi trường, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và trái đất.

Cùng quan điểm, các bác sĩ tại Khoa YHCT, ĐH Y - Dược Huế như ThS. BS. Nguyễn Ngọc Lê khẳng định: “Trong YHCT có nhiều vị thuốc khác có tính năng tương tự cao hổ cốt được sử dụng rộng rãi và an toàn hơn”. ThS. BS. Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: “Việc sử dụng dược liệu thay thế đã mang lại những cải thiện rõ ràng và hiệu quả tương tự như vảy tê tê”. ThS. BS. Trương Thanh Tú khẳng định: “Các thảo dược thay thế mật gấu có thể đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả, khả năng tiếp cận và tính bền vững, đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến động vật và môi trường”…

Tin rằng với sự kết nối nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, tới đây cơ hội hợp tác giữa các cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp, tổ chức bảo tồn ĐVHD và cộng đồng YHCT sẽ rộng mở để tạo nên một tiền đề vững chắc cho sự phát triển của nền YHCT Việt Nam bền vững và thân thiện với thiên nhiên.

Kê đơn thuốc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD là trái pháp luật

Bên cạnh việc nâng cao ý thức của các bác sĩ YHCT, những người hành nghề YHCT thì cũng cần biết rằng pháp luật cũng có chế tài từ nhẹ đến nặng đối với hành vi kê đơn thuốc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái pháp luật. Theo ThS. KS. Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế, “những người hành nghề YHCT, bác sĩ đông y nếu kê y đơn thuốc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự còn bị đình chỉ hoạt động chế biến từ 6 tháng đến 12 tháng; cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm”.

“Để thể hiện trách nhiệm xã hội đối với bảo vệ ĐVHD, các thầy thuốc YHCT cần nêu gương trong việc thực hành YHCT hợp pháp và có trách nhiệm đối với cộng đồng và người bệnh bằng cách: không kê đơn thuốc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép, chỉ kê đơn thuốc sử dụng các nguồn dược liệu YHCT bền vững và hợp pháp; khuyến khích người bệnh tìm đến các thầy thuốc và đơn vị YHCT thực hành khám, chữa bệnh sử dụng nguồn dược liệu YHCT bền vững và hợp pháp; truyền tải các thông điệp về thay đổi hành vi để chống lại buôn bán và sử dụng ĐVHD trái phép trong ngành YHCT tới cộng đồng”, ThS. KS. Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thay-thuoc-dong-y-tren-hanh-trinh-bao-ve-dong-vat-hoang-da-post545855.html