Thầy tôi… - truyện ngắn của NGÔ TRỌNG CƯ

Đúng hẹn, tôi chạy xe qua chở thầy Năm cùng đi dự tiệc cưới con gái chị Bảy, đồng nghiệp. Thầy Năm đã nghỉ hưu hơn hai năm, trước đây từng làm hiệu phó rồi hiệu trưởng. Hồi chưa nghỉ hưu, học trò với đồng nghiệp gọi là thầy Lưu, bà con hàng xóm hay gọi thầy Năm Lưu; giờ ở nhà đa số gọi thầy Năm. Cách gọi tên của bà con quê tôi cũng hay tinh giản, miễn sao gọn mà dễ truyền tin. Thầy tôi cũng thích kiểu gọi như vậy, ông bảo: “Cho thân thiện, phụ huynh học sinh đa số là bà con láng giềng chớ ai đâu xa lạ; tên tí tên tèo… hồi nhỏ người ta cũng biết nói chi cho chữ nghĩa dài dòng…”.

Tôi may mắn, hồi nhỏ được học thầy mấy năm và được thầy chủ nhiệm trước khi thầy làm hiệu phó rồi năm sau là hiệu trưởng. Sau này, loay hoay nhiều nghề rồi mới quay lại học sư phạm; học xong, được nhận nhiệm sở cùng trường với thầy, tôi hay nói với đồng nghiệp: “Thầy Hiệu trưởng là thầy giáo cũ của tôi, tôi biết năng lực của thầy chứ mấy bạn làm sao biết được, đững (đừng) lầm kỹ năng dạy học của thầy; theo tôi, học sinh là người biết rõ năng lực thầy giáo nhất, cấp trên không bằng đâu nhé! lên lớp phải tập trung hết ga vào cho chắc!”, tôi hay nói đùa vậy nhưng đôi khi tôi lại thấy rất đúng.

Tính thầy Năm thích đùa, hay đơn giản hóa vấn đề nên nhiều đồng nghiệp “thời hiện đại” có cảm giác như thầy không “sâu sắc” lắm nếu chưa “sâu sắc” khi nhìn vào hiệu quả công việc của thầy. Còn một lý do nữa mà nhiều người hay gán ghép để suy luận rồi nhận xét, rằng: Thầy là người góp nhiều công cho ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) nên được ưu ái, chứ dạy mới vài năm đã làm lãnh đạo, kinh nghiệm chẳng là bao…

Theo tôi thì khác, không phải tôi suy luận mà tôi được nghe được thấy được làm học trò, mà là đứa học trò trong danh sách học sinh giỏi của thầy nên tôi hiểu rõ hơn. Thầy hay chia nhỏ vấn đề, biến phức tạp thành đơn giản nên môn toán thầy dạy rất dễ hiểu, còn dễ ứng dụng trong công việc nữa; trong công tác lãnh đạo cũng vậy… Khi tôi học cấp II, bà con hàng xóm nhờ tính toán chia diện tích những đám ruộng có hình dạng khác thường rồi tính công, chia lúa cho công bằng… Tôi làm được tất, ấy cũng nhờ cái cách giảng bài rất thực tế của thầy. Nghe nhiều đồng nghiệp nhận định chưa đúng, đôi khi tôi cũng phải nghĩ lại, và tôi lại may mắn được nghe thầy kể…

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, điều thầy cảm thấy sung sướng nhất là được tự do đi học. Những ngày còn “trên núi” đã ấp ủ ước mơ làm thầy giáo, chứ công này việc nọ ở địa phương thì chẳng khó gì… Vậy là thầy học hết cấp III rồi thi đỗ vào Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang với chuyên ngành Toán một cách công bằng như những sinh viên trẻ. Tôi hiểu, cái đam mê, cái hiếu học, cái yêu nghề của thầy đã ấp ủ từ lâu…

Quay lại chuyện đi đám cưới, đường đến nhà chị Bảy không xa lắm, chầm chậm vừa đi vừa nhắc chuyện cũ, non nửa tiếng đã đến nơi. Thầy Năm nói nhỏ: “Tìm chỗ ngồi xa xa mấy cái loa cho khỏi bùng tai, khản tiếng”. Tôi xoay tròn một vòng chọn phương hướng, chợt thấy cánh tay thầy H giơ lên, thầy H là bạn dạy học cùng thời với thầy Năm, người thành phố. Thật vừa ý với thầy Năm, chỗ bàn thầy ngồi vừa xa mấy cặp loa lớn vừa còn chỗ trống và trong bàn có nhiều người quen, đa số lớn tuổi; tôi 50 đã là nhỏ nhất.

Vào tiệc, mọi người vẫn cứ từng đôi trò chuyện vì tiếng nhạc hơi to; không mấy ai quan tâm đến ăn uống, đúng là ăn yếu như người cao tuổi... Thầy Năm thấy món thịt gà với xôi còn như nguyên vẹn, bảo tôi: “Em xin giúp thầy cái túi ni lông, lấy cái đây, bỏ uổng”. Tôi rất ngại nhưng không thể không giúp thầy. Gói xong, tôi đẩy xê qua phía thầy, đến món sau cùng, sữa chua với mấy chùm nho... Mọi người chỉ qua loa ngắt trái nho rồi chuẩn bị tư thế đứng lên; thầy Năm cầm hộp sữa chua quay qua hỏi tôi: “Em dùng cái này không ?”, “Dạ không...”. Thầy Năm mở bao bỏ vô hai hộp; nhiều người đưa mắt hướng về phía hai thầy trò, tôi giả vờ nhìn xa xăm như không thấy mà như có con gì bò sau lưng nhột nhột...

Xong tiệc, thầy bảo tôi “Em cầm giúp thầy cái này ra móc cổ xe cái”. Tui thoáng chút bực bội, nói thầm trong bụng “ông thầy nói năng cụt ngủn, còn kèm theo chữ “cái” cuối câu làm lệnh; mới nghỉ hưu mà đã khác, ăn tiệc còn mang về, mà toàn sai học trò làm; hay là “già sinh tật đất sinh cỏ”. Tôi tuân lệnh, vừa thầy vừa sếp cũ mà!

Thầy ngồi lên xe, tôi quay qua nói nhỏ:

- Nắng quá, đi đường tắt, ngang qua xóm đồng cho nhanh nghen thầy.

- Không. Đi đường nào về đường nấy, y cũ cho thầy (cái). Tôi lại thua. Cũ thì cũ (tôi nói thầm trong bụng).

Xe qua đoạn trường tiểu học, vừa hết xóm nhà phía trước cây cầu bắc qua bầu Quay, thầy Năm đập vai tôi:

- Chậm chậm… em đứng lại chờ thầy (cái).

- Đi xả nước hả thầy, để đến chỗ bụi tre cho mát.

- Không phải, đứng đợi thầy hai phút thôi mà.

Tôi dừng xe, thầy tôi lấy túi ni lông móc trên xe bước nhanh qua con mương nhỏ, chỗ góc đám đất trống có nửa cái chòi nhỏ lợp chừng ba tấm tôn. Chỗ này trong làng ai cũng biết. Trẻ nhỏ hay bị mẹ mắng mỗi khi qua đây chỉ tay nói “cái ổ bà H khùng kia kìa”. Giờ tôi mới hiểu vì sao thầy bảo phải đi đường cũ...

Đưa thầy Năm về đến cửa ngõ, thầy bảo vô uống trà tán gẫu. Tôi đồng ý ngay vì đang muốn tò mò chuyện chị H. Vừa châm nước, tôi vừa mở đề:

- Chị H gần bằng tuổi thầy hả thầy.

- Ừ, nhỏ hơn nửa giáp; hồi xưa đẹp gái, ăn nói có duyên lắm; học đến mười hai rồi đấy...

- Người yêu cũ của thầy (chắc)? Chắc thầy bỏ chị... nên giờ nghĩ hoài, lo mãi chớ gì? (Tôi đùa).

- Tào lao. Đững (đừng) nói vậy mang tội. Người ta bệnh tật... lúc đi qua, thấy cổ (cô) ngồi cười, tay cầm cái tô không, thầy không chịu được...

Thầy lặng im một thoáng rồi nói tiếp:

- Mà em nói cũng đúng một nửa, nó thất tình nhưng không phải tác giả là thầy đâu nhé. Nhưng mà thầy là người ở đây, hồi chưa giải phóng, thầy làm giao liên rồi bộ đội địa phương, cho đến khi làm thầy dạy các em rồi được cất nhắc làm quản lý cũng ở cái xứ này; việc gì thầy chẳng biết… Nó thất tình thầy B, hồi nãy ngồi cùng bàn đấy. Thầy khinh cái loại đấy, phản bội người ta, bỏ người ta, làm cho người ta đắm đuối bỏ cả học hành rồi bệnh; còn mình thì về quê lấy vợ, thản nhiên. Lúc bệnh còn nhẹ, nó còn đùa cợt, nhiều người nói đến tai thím Tám (mẹ của H), bảo bà đi báo chính quyền, báo nhà trường… nhưng bà đã không làm chuyện ấy, bà chỉ lo chạy chữa từ tây đến nam rồi đến thầy lang, đồng cốt mà bệnh của H cứ ngày càng nặng thêm.

Thầy cũng có lần nhắc nhở thầy B nhưng cũng đã muộn, ủa lại yêu đương là chuyện tế nhị cũng khó nói… Những năm sau, bệnh nặng hơn, có lúc phải xích lại vì sợ ở nhà một mình không an toàn; rồi mẹ nó mất nó buồn, cứ lê lết nắng mưa, không về nhà nhưng chẳng làm phiền ai; bà con thấy vậy xúm lại cất cái chòi. Bảo đây là ngôi nhà hạnh phúc nó mới chịu ở. Có chị Năm, nhà đầu xóm là giúp nó nhiều nhất.

Thầy vừa bưng chén trà vừa nói thêm: Nếu nó bản lĩnh, có kỹ năng sống, được giáo dục nhiều như lũ trẻ bây giờ có lẽ cũng là cô giáo dạy Văn chung trường với em đấy. Hồi nhỏ H học môn Ngữ văn rất giỏi. Ngày xưa, nhà trường chỉ chú trọng dạy chữ, giao tiếp giữa thầy với trò cũng khác bây giờ… Tiếc cho con H nó không được trang bị tinh thần như học sinh bây giờ. Mà em biết không, hồi ấy thầy giáo thân thiện với bà con, phụ huynh hơi quá đôi khi cũng bị phê bình…

Giọng thầy nói cứ chậm dần, đượm buồn. Thầy vừa dứt câu bưng chén trà, tôi xen vô:

- May cho em quá, em không phải là học trò thầy B. Tôi cười hì hì rồi đi lấy bình thủy nước châm thêm. Thầy cũng cười theo, giọng bớt buồn:

- Năm em vừa học xong cấp II là thầy B về trường, thầy ở xa đến đây, thầy là con nhà khá giả nên không thích ở nội trú, thầy xin ở trọ nhà phụ huynh học sinh gần nhà H; câu chuyện tình thầy giáo trường làng với cô nữ sinh cấp III cũng từ đấy…; được mấy năm rồi thầy chuyển công tác về quê… Mà em nói cũng đúng, chứ chuyện tình yêu, chung thủy thì thầy B sao sánh được với thầy; thầy với chị Năm mày yêu nhau từ hồi còn chiến tranh, bom rơi đạn nổ, khó khăn thiếu thốn, bệnh tật, di chứng đầy mình chứ mà đâu có lúc nào phải buồn vì nhau… Vừa lúc, chị Năm (vợ thầy) bưng rổ sắn luộc đi lên, hứ một tiếng thật dài “ăn sắn rồi nói tiếp”. Chị cố giấu nụ cười chúm chím, gật đầu khi nghe tôi “chào cô!”.

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/249436/thay-toi%E2%80%A6-truyen-ngan-cua-ngo-trong-cu.html