Thầy trò chòng chành kéo bè mảng qua sông đến trường
Nhiều năm qua, không ít học sinh, giáo viên điểm trường Khuổi Chặng mỗi ngày 2 lượt chòng chành kéo bè mảng qua sông để đến trường.

Các em học sinh điểm trường Khuổi Chặng, trường PT DTBT THCS Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trên chuyến đò tới trường.
Gian nan đường đến trường
Công tác trong ngành giáo dục từ năm 1991, đến nay đã 34 năm thầy Hoàng Văn Kiếm (sinh năm 1971) giáo viên điểm trường Khuổi Chặng, trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vẫn ngày ngày cùng các học trò qua con sông bằng chiếc bè mảng tự đóng để đến điểm trường.
Hồi ức lại những ngày đầu tiên đặt chân lên điểm trường Khuổi Chặng dạy chữ, thầy Kiếm cho biết: Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn khi điểm trường chỉ có lớp 1 và lớp 2 trên mỏm đồi, bàn ghế học sinh chỉ một tấm ván ngồi tạm, mái được lợp bằng máng từ cây tre và cây mai, xung quanh quây bằng vách nứa.
Năm 2022, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức thiện nguyện, điểm trường đã được xây dựng đủ lớp học, bàn ghế ngồi và nhà ăn bán trú cho học sinh. Đến nay, điểm trường đã có 5 lớp và thầy Kiếm đang đảm nhiệm lớp 2.
Thế nhưng, điểm trường vẫn còn rất nhiều khó khăn khi đây là điểm trường xa nhất, cách trường chính 7km, với tổng số 53 học sinh, 100% học sinh là dân tộc Nùng.
Thầy Kiếm bộc bạch: Đa số học sinh đều phải qua sông, leo dốc cao để đến điểm trường, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, nhiều em không thể về nhà. Tôi đã cùng các giáo viên cắm bản, chủ động nấu mì cho các em ăn tại trường và liên hệ với nhà dân để các em ngủ nhờ. Cũng chính điều đó đã tạo dựng niềm tin, khiến cho phụ huynh ngày càng cảm thấy an tâm khi cho con đi học.
Ngoài ra, điểm trường cũng chưa có kết nối internet, chưa có phòng công vụ cho giáo viên, cơ sở vật chất còn thiếu đặc biệt là các phương tiện dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Hoàng Văn Kiếm giảng bài cho học sinh tại điểm trường.
Để duy trì sĩ số học sinh, các thầy cô đã tích cực tham gia tuyên truyền và vận động đến tất cả các bậc phụ huynh hằng ngày đưa đón các em học sinh đến lớp, đặc biệt là vào mùa mưa lũ học sinh không qua sông được các thầy cô cùng phụ huynh chèo bè mảng để đưa đón các em qua sông. Đồng thời, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện ủng hộ áo phao cho học sinh để các em đến trường được an toàn hơn.
Bên cạnh đó, điểm trường tổ chức nấu ăn cho 52 em học sinh được hưởng bán trú và toàn bộ nguồn kinh phí được hưởng từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 116 của Chính phủ - Thầy Kiếm chia sẻ.

Học sinh qua sông đến trường tiểm ẩn nhiều nguy hiểm.
Chuyến đò mang theo ước mơ
Em Hoàng Thị Nga, học sinh lớp 4, điểm trường Khuổi Chặng, trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ kể, mỗi ngày, em phải dậy từ lúc trời còn chưa kịp sáng. Ăn vội vài miếng cơm nguội, em nhanh chân chạy ra bến đò nơi có các bạn đang đợi để cùng nhau đến trường.
Những ngày trời nắng còn đỡ, khi trời mưa xuống, con đường trở nên lầy lội, trơn tuột, những hôm trời mưa nước lũ dâng cao, chảy siết, chúng em đều cảm thấy rất sợ. Mặc dù con đường đến trường nhiều gian truân, tiềm ẩn những nguy hiểm tuy nhiên chúng em vẫn thích đi học.
Cùng lớp với Nga, em Hoàng Thị Thu Đào hàng ngày cũng lên bè mảng để tới trường. Gia đình Đào thuộc hộ nghèo, bố mẹ là người DTTS nên cũng ít quan tâm đến chuyện học hành của Đào. Đào đến trường cùng thầy cô, bạn bè trên chiếc bè mảng, mặc dù chòng chành nhưng lại chở theo biết bao ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.

Thầy cô và các em học sinh mong muốn được quan tâm hỗ trợ xây cầu nhằm đến trường an toàn thuận tiện hơn.
Nói về mong ước của mình, thầy Kiếm cho hay: "Chúng tôi cũng không có mong ước gì lớn lao, chỉ mong Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm cho người dân, các em học sinh cũng như điểm trường nơi đây được hỗ trợ xây một cây cầu treo để đi qua sông tới điểm trường, các em học sinh sẽ không còn nơm nớp lo sợ mỗi trời khi mưa lũ".
Thầy Lâm Văn Vản - Phó Hiệu trưởng trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội tuy nhiên do đặc thù về địa hình, Khuổi Chặng vẫn là một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao thông, cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để thầy cô và các em học sinh yên tâm tới trường.