Thầy trò miền Trung ứa nước mắt nhìn trường lớp tan hoang sau lũ
Bão chồng bão, lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung. Hàng trăm ngôi trường hỏng nặng, nhiều trường bị sập, tốc mái, sách vở bị cuốn trôi, trang thiết bị dạy học hư hỏng nặng.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được các địa phương tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, hiện nhiều điểm trường vẫn chưa thể mở cửa để đón học sinh trở lại. Hàng nghìn học sinh cũng như ngành giáo dục miền Trung lại chồng chất khó khăn.
Cơn lũ lịch sử vừa qua đi, các thầy cô giáo trường tiểu học Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ứa nước mắt nhìn cảnh tan hoang khi trở lại trường. Lũ đi qua, bùn đất ngập sân trường, bàn ghế học sinh trôi theo mưa lũ, sách vở cũng không còn. Để nhanh chóng đón học sinh trở lại trường, thầy cô cùng các lực lượng bộ đội, đoàn thanh niên khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả.
Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Ninh, huyện Quảng Ninh chỉ tay về phía góc sân trường, nơi mà những chiếc bàn ghế bị nước lũ kéo lên tận mái nhà nghẹn ngào nói lũ năm nay quá lớn, nước về quá nhanh, thầy cô giáo trong trường không kịp trở tay chống đỡ: “Lũ vào cuốn đi cả cửa sổ rồi cuốn bay luôn cả cái cửa chính ở 2 phòng, hỏng bàn ghế. Hiện tại ở trên cái mái bể bơi vẫn còn bàn ghế mắc kẹt trên đó nhưng hỏng rồi. Có sự hỗ trợ của một số trường tiểu học cho mình mượn bàn ghế cũ để đưa về cho đủ đảm bảo cho học sinh vào học".
Đợt mưa lũ vừa qua, trường Trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh bị ngập nước lũ gần 3 mét. Mấy hôm nay, các thầy cô giáo đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và bắt đầu đón học sinh đi học trở lại. Tranh thủ giờ giải lao, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên trường THCS Duy Ninh phân phát một ít sách cũ, tập vở và một số áo sơ mi trắng xin được cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Cô Nguyễn Thị Thảo cho biết, bàn ghế ở tầng 1 của trường làm bằng gỗ công nghiệp bị ngâm nước đã hư hỏng hết. Thầy cô gom nhặt lại những bàn ghế nào còn dùng được thì tận dụng cho học sinh ngồi tạm thời. Khổ nỗi, ghế thì thiếu chỗ tựa lưng, bàn thì mất ngăn dưới, bàn ghế giáo viên cũng không còn cái nào lành lặn. Nhìn các em ngồi học trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất ai cũng thương.
Cô Nguyễn Thị Thảo cho biết, các thầy cô sẽ tranh thủ dạy bù vào thứ 7, Chủ nhật để kịp chương trình học của các em: “Đến trường để dọn lũ, khi bước vào lớp, giáo viên chúng tôi rất đau lòng, không thể diễn tả được cảm xúc của mình khi toàn bộ bàn ghế bị hư hỏng. Khi học sinh bắt đầu trở lại trường, tôi thấy ánh mắt các em rất buồn khi nhìn vào bàn ghế, lúc đó chỗ ngồi của các em rất khó khăn, ngồi phải chen chúc nhau, sách vở các em cũng ướt hết hoàn toàn, nhiều em bật khóc".
Tại tỉnh Quảng Trị, Ngành Giáo dục cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn lũ lịch sử. Địa phương kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Khó khăn nhất là ở địa bàn miền núi, việc trở lại trường của các em còn nhiều gian nan.
Sau hơn 10 ngày chìm trong nước lũ, đến nay Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt vẫn còn ngập bùn đất. Bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập, thiết bị dạy học đã bị lũ cuốn trôi hoặc ngâm trong bùn đỏ quạch.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt cho biết, các đợt lũ liên tiếp làm cho cơ sở vật chất trường lớp bị thiệt hại nặng nề. Lũ quét kéo theo hàng tấn bùn đất đọng lại trong khuôn viên trường học, cuốn trôi hàng trăm bộ thiết bị dạy học, sách vở, áo quần... Không có dụng cụ, máy móc, các giáo viên chỉ mới đủ sức cào bùn đất ở khu vực phòng ở, lớp học; chùi rửa những đồ dùng, thiết bị có thể dùng lại được.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng cho biết thêm, những chỗ bùn ngập sâu từ nửa mét đến 1 mét khắp khuôn viên nhà trường thì phải nhờ đến xe ủi mới xử lý được: “Khi bước vào trường, thấy khung cảnh tan hoang thầy cô rất buồn, hoang mang và lo lắng bởi với lượng bùn đất thế này với sức người không thể làm được mà cần phải có máy móc mới múc được. Hiện tại nhà trường đang cố gắng các công việc để việc học được bắt đầu trở lại. Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, ban ngành đoàn thể trường sẽ sớm tổ chức cho học sinh đi học trở lại".
Còn tại tỉnh Quảng Nam, sau bão số 9, hơn 400 ngôi trường bị sập, tốc mái, nhiều trang thiết bị dạy học, máy tính… hư hỏng nặng. Các trường tranh thủ lợp tạm mái phòng học, dọn dẹp cây cối đổ gãy để đón học sinh quay lại học.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện 60% số điểm trường của tỉnh đã cơ bản khắc phục đón học sinh trở lại trường. Khó khăn lớn nhất vẫn là học sinh các huyện miền núi. Hiện, một số điểm trường mầm non và tiểu học ở huyện Nam Trà My, Phước Sơn vẫn chưa thể đón học sinh trở lại trường.
“Đây là một trong những cơn bão nặng nề nhất từ trước đến nay. Thất thoát lớn nhất chính là nhiều em học sinh mất bố, mất mẹ trong mùa mưa bão vừa rồi. Bây giờ cách khắc phục đón các em học sinh trở lại trường theo tinh thần 4 tại chỗ. Các trường vận động phụ huynh, các đơn vị bộ đội để tăng cường các nhân công. Tạm thời lấy nguồn kinh phí của nhà trường lo mua tôn, ngói, và các vật dụng khác để xử lý trước", thầy Quốc nói.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, sau cơn bão số 9, vẫn còn hơn 450 trường học, cơ sở giáo dục bị tốc mái, hư hỏng chưa kịp sửa chữa, khắc phục. Trường THCS thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn với 8 phòng học bị tốc mái, cây cối đổ ngã ngổn ngang, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của học sinh.
Bà Trần Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những ngày qua, các lực lượng quân đội đã hỗ trợ nhà trường dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu dọn cây cối ngã đổ, nhanh chóng tổ chức trở lại việc dạy và học: “Trước mắt nhà trường tận dụng tất cả các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, các phòng họp sáp bàn ghế vào trong đó để các em sớm tới trường đi học được, nhưng theo đúng chuẩn thì phải khắc phục xong hết"./.