Thấy vậy mà không phải vậy!

Dư luận đang râm ran chuyện ở một vài điểm du lịch tại Nha Trang, các ông chủ resort treo tấm biển với nội dung: 'Khu vực dành riêng cho người Trung Quốc'. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tấm biển này.

Ảnh internet

Ảnh internet

Người thì cho rằng, đất nước này là của mình, do mình cai quản, hà cớ gì lại “ưu ái dành riêng” cho người Trung Quốc? Làm vậy là tự hạ mình, là ham tiền nên mới phân biệt giàu - nghèo như thế. Lại có ý kiến ủng hộ việc này vì cho rằng phải rạch ròi như vậy để họ không có cơ hội “chen vào” chỗ chơi của người khác, nhất là chỗ chơi của người Việt! Ý kiến nào nghe cũng “có lý” cả nhưng “thấy vậy mà không phải vậy”.

Khánh Hòa là địa phương có tốc độ phát triển du lịch thuộc hàng đầu đất nước, mỗi năm đón trên 6,3 triệu lượt du khách (số liệu năm 2018), trong đó khách quốc tế là 2,6 triệu lượt. Khách đến từ Trung Quốc luôn chiếm đầu bảng với khoảng 60%, tiếp đến là Nga và Hàn Quốc, còn lại là các nước khác.

Nhìn vào bảng điện tử đặt ở sân bay quốc tế Cam Ranh thông báo các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đủ thấy “chóng mặt” với khoảng 30 chuyến mỗi ngày. Mỗi chuyến mang theo khoảng 200 khách, mỗi tour như vậy khách lưu trú tại Nha Trang ít nhất 4 ngày, làm một phép tính “sơ sơ” cũng đã thấy hàng chục nghìn khách du lịch Trung Quốc luôn có mặt tại Nha Trang, đủ thấy sức “nóng” ở các điểm du lịch.

Nói to, đi lại lộn xộn, không tuân thủ theo một luật lệ nào, thích thì làm theo ý mình… đó là những “tật xấu” mà đi đến đâu, khách du lịch Trung Quốc cũng để lại “dấu ấn”. Đi trên chuyến bay mà ngồi hàng ghế sau lưng bạn hoặc hàng ghế trước mặt bạn có… hai người Trung Quốc đang “tâm sự với nhau”, coi như bạn là người phải “chịu trận” suốt hành trình. Nếu bạn đi tàu hỏa nằm cùng khoang với hai người Trung Quốc thì mức “chịu trận” sẽ tăng theo cấp số nhân.

Mỗi đất nước có một cung cách “ứng xử” riêng. Nhiều người Việt đi du lịch ở nước ngoài cũng “ồn ào” không thua gì người Trung Quốc, có điều sự “ồn ào” kia ít gây cho bạn khó chịu bởi bạn hiểu họ “ồn” chuyện gì, còn người Trung Quốc “ồn” thì chịu vì bạn không biết tiếng Hoa. Đơn giản vậy thôi!

Trở lại với tấm biển “phân biệt” trên đây. Do có những sự phiền hà ngoài mong đợi ấy nên ông chủ của các khu du lịch phải làm một chuyện chẳng đặng đừng là treo tấm biển ấy, mục đích là để khách của đoàn nước này khỏi làm rầu lòng khách của đoàn nước kia chứ chả phải “ưu tiên” gì cho người Trung Quốc cả. Trong những khu nghỉ dưỡng ấy, các du khách đều phải trả tiền theo dịch vụ mà mình sử dụng chứ không có chuyện người nước này thì “hưởng” dịch vụ tốt hơn người nước khác.

Tuy nhiên, treo tấm biển với dòng chữ như vậy thì rất dễ bị hiểu lầm. Nhiều khu du lịch họ có cách ứng xử riêng, vẫn “chia” ra từng khu dành cho các đoàn khách các nước nhưng khách hoàn toàn không hay biết. Chỉ cần lãnh đạo của khu nghỉ dưỡng ấy “làm việc” riêng với anh hướng dẫn viên để khách nước nào thì ở khu đó, mọi thứ sẽ êm xuôi mà không để lại mối ngờ vực nào về sự “phân biệt đối xử”.

Chỉ cần “có nghề” một tí như thế, mọi việc sẽ trôi chảy. Khách Trung Quốc vẫn đến ngày càng đông mà khách châu Âu cũng không phải dị ứng trước sự ồn ào thiếu kiểm soát của khách Trung Quốc. Công nghiệp không khói cứ thế vẫn tăng đều.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/thay-vay-ma-khong-phai-vay-4010209-b.html