Thay vì phát triển du lịch mùa hè, sao không phát triển quanh năm?

Nhiều địa phương chỉ tập trung phát triển du lịch vào mùa hè dẫn đến nhiều hiện tượng xấu, chụp giật, cố gắng thu lợi nhuận bằng mọi cách.

Thời gian qua, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh ở phía Bắc từ đèo Hải Vân trở ra mới chú trọng phát triển du lịch mạnh trong mùa hè, các mùa còn lại đều chưa được khai thác.

Nguyên nhân do thời tiết, khí hậu làm cản trở phần nào phát triển du lịch, do đó hiệu quả chủ yếu tập trung vào mùa hè nhằm bù đắp cho kế hoạch cả năm.

Mới đây, tôi xem phóng sự tại điểm du lịch Cửa lò Nghệ An và nhận thấy rõ địa phương và các công ty du lịch của tỉnh này đều tập trung cao độ cho mùa hè 2023. Đây cũng là thực tế tại một số địa phương khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì chỉ tập trung vào một mùa nên xảy ra không ít hiện tượng bất chấp thu lợi nhuận du lịch bằng mọi giá như chèo kéo khách bán hàng lưu niệm, đặc sản, hải sản…kể cả những cách đôi lúc làm phật ý du khách. Đây là bức tranh du lịch theo thời vụ không chỉ ở Nghệ An mà còn ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình… Những hình ảnh điển hình nêu trên và hiệu quả thu được chỉ trong một vụ hè khiến chúng ta phải suy nghĩ: Làm sao để du lịch được phát triển quảnh năm, mang lại nhiều kết quả hơn gấp bội so với tình hình thực tế hiện nay ở hầu hết các địa phương?

Có lẽ tôi và nhiều người khác có tâm huyết với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngành du lịch Việt đều chung một suy nghĩ: “Phải tiến tới xây dựng một chiến lược phục vụ du lịch bốn mùa của Việt Nam”.

Nói thì dễ song thực tế không phải đơn giản, phải chăng nếu bắt đầu ngay từ năm 2023 thì 3 đến 5 năm nữa chúng ta mới gặt hái được kết quả. Từ sự chuẩn bị cơ sở vật chất, hệ thống giao thông liên kết giữa các vùng và các địa phương, sự chuẩn bị từ các món ăn theo mùa và các dịch vụ vui chơi tham quan giải trí tại chỗ và các địa phương lân cận trong cả nước. Từ sự phối hợp của ngành hàng không vận tải hành khách biển, vận tải bộ đến cung cách làm việc của cán bộ hải quan biên phòng cảnh sát biển,…

Theo tôi, dù nhiều công việc phải chuẩn bị song nếu khơi dậy được tinh thần sáng tạo đổi mới, dám nghĩ dám làm của cán bộ công nhân viên ngành du lịch cũng như các ngành khác có liên quan, chắc chắn là sẽ có những đột phá mới trong đón tiếp và phục vụ khách bốn mùa/năm.

Tôi nghĩ rằng, thay vì tắm biển, tại sao lại không thay thế bằng tắm nước khoáng nóng, bể tắm bốn mùa trong khách sạn. Tại sao không thể thay tham quan bờ biển bằng đi thăm quan các làng nghề tại các địa phương có biển, …Có thể nói trăm hoa đua nở khi chuyển từ nghỉ mùa hè sang nghỉ các mùa khác trong năm tại các địa phương ở Việt Nam. Những công việc chuẩn bị đồ sộ và kỳ công kể trên đòi hỏi Tổng cục Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam cần có sự chỉ đạo sát sao từ khi lập kế hoạch phát triển đến khi thực hiện, có sơ kết, đánh giá để ngày càng vững chắc hơn.

Đi đôi với đó, Bộ và ngành du lịch, các doanh nghiệp cần mạnh dạn kiến nghị những chính sách phục vụ cho phát triển du lịch bốn mùa ở nước ta như chính sách thuế, phí, visa cởi mở thuận tiện hơn cho khách quốc tế … Chúng ta tin tưởng rằng một ý tưởng mới phục vụ cho sự phát triển du lịch ở Việt Nam sẽ được thực hiện trong một vài năm tới, góp phần đưa ngành du lịch Việt Nam tiến kịp với các nước trong khu vực và thế giới.

Tiềm năng của du lịch Việt Nam bốn mùa xuân, hạ, thu đông còn rất lớn. Để kết luận bài này tôi xin nhắc lại một câu nói nổi tiếng: “Không có việc gì mà chúng ta không thể làm được, chỉ là chúng ta chưa làm mà thôi”. Việc thực hiện ý tưởng du lịch quanh năm ở Việt Nam chắc chắn sẽ thực hiện được.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Mời độc giả xem thêm video Ninh Thuận: du lịch dưới tán nho:

Nguồn: VTV24

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thay-vi-phat-trien-du-lich-mua-he-sao-khong-phat-trien-quanh-nam-1865896.html