Thay vì tháo gỡ khó khăn - hãy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Không để chờ đợi quá lâu mà các cơ quan, sở, ngành phải phối hợp với nhau và chính quyền địa phương cần làm việc với các bên liên quan để xem xét đề xuất của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đó là những yêu cầu của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học trong Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua.
Những đại biểu tham dự hội nghị đều có thể nhận thấy, sau quý II/2024 - thời điểm các địa phương công bố quy hoạch; thì cùng với việc vui mừng vì có cơ sở để thực hiện đầu tư, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động lại đau đầu vì các quy hoạch đã công bố không đúng với ngành nghề đang hoạt động, hoặc không theo quy hoạch trước đó, nhất là các quy hoạch khai thác tài nguyên (đất, nước, khoáng sản…); hoặc diện tích quy hoạch ngành nghề nhỏ hơn so với quy hoạch trước rất nhiều…
Liên quan đến các Dự án Cấp nước và quy hoạch thăm dò khoáng sản ở Bảo Lộc, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thiên Hòa An, chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước Nam Phương, đề nghị được sử dụng nguồn nước dư thừa tăng so với hạn mức được cho phép hiện nay; đồng thời, kiến nghị về việc hồ Nam Phương được quy hoạch thành hồ cảnh quan, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị cấp nước nói chung và Dự án Nhà máy nước Nam Phương nói riêng…
Tương tự, đối với trường hợp của Công ty TNHH Nam Hoàng Thịnh (Đam Rông) - đang khai thác cát xây dựng ở bãi bồi sông Ea Krông, nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất mới của huyện Đam Rông; Công ty cũng đã làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư, và được xác định là không chuyển mục đích sử dụng đất được, dẫn đến Công ty không thể thực hiện đầu tư. Công ty TNHH Nam Hoàng Thịnh không phải là đơn vị duy nhất của huyện Đam Rông bị chồng lấn quy hoạch dẫn đến có nguy cơ không thể hoạt động.
Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết: Tháng 7/2014, đất quy hoạch khai thác khoáng sản của Đam Rông được xác định là 4.289 ha; nhưng theo Văn bản điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất công bố tháng 3/2023, đất quy hoạch khoáng sản của Đam Rông chỉ còn hơn 3.740 ha, thiếu khoảng 500 ha. Không những thế, Đam Rông cũng thiếu chỉ tiêu đất nông nghiệp…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Đam Rông đã cho rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, trình HĐND huyện vào Kỳ họp đầu tháng 7, rồi sẽ trình UBND tỉnh để tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch… Đối với TP Bảo Lộc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu: Doanh nghiệp đề nghị có phương án sử dụng nguồn nước dư thừa, nếu hợp lý, thì chính quyền và các đơn vị quản lý nhà nước phải chủ trì mời các doanh nghiệp cùng ngành nghề ngồi lại với nhau để tìm giải pháp hợp lý…
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản, chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ quy hoạch đã được công bố để điều chỉnh cho phù hợp và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng đã được Chính phủ phê duyệt. Huyện nào hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch trình lên thì tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt chứ không phải chờ đợi các địa phương khác. Tuy nhiên, tài nguyên là tài sản của quốc gia, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn vị nào sai phạm phải khắc phục sai phạm trước khi có những đề xuất. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải xem xét, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi sai trái trong khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, khẳng định: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành căn cứ vào các quy định của pháp luật, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền thì tập trung tháo gỡ, xử lý, giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng thẳng thắn cho biết: Trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục, cán bộ chính quyền có lúc, có nơi làm chưa chặt chẽ, chưa đúng, thậm chí là có sai phạm. Vì vậy, bây giờ cần thiết phải rà soát… Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn có thể còn chồng chéo, cần vận dụng một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế…
Hiện nay, đang triển khai rất nhiều quy hoạch, từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện… rất phức tạp và khó khăn, dẫn đến hiện tượng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, nghiên cứu vấn đề của từng doanh nghiệp để có cách tháo gỡ và giải quyết đối với từng doanh nghiệp…
Quyền Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định: Những doanh nghiệp chưa kịp trình bày ý kiến trong Chương trình gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp lần này có thể đề xuất bằng văn bản để tỉnh tiếp tục xem xét giải quyết. Các trường hợp có thể giải quyết trong thẩm quyền thì không để chậm trễ, không để kéo dài… Đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội ghi nhận và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới…
Trong chặng đường sắp tới, tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các địa phương khác nói chung không thể nào thiếu vắng doanh nghiệp, thiếu vắng nhà đầu tư. Muốn địa phương phát triển phải có nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp muốn phát triển phải có sự đồng hành của chính quyền tỉnh… Tỉnh Lâm Đồng cam kết, luôn phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả… với quyết tâm thống nhất để đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động…