Thấy việc làm của mình thêm ý nghĩa khi tham gia hiến máu hòa hợp
Trước kia, cứ mỗi khi đủ điều kiện, anh Bùi Đức Thắng (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều tranh thủ sắp xếp công việc để hiến máu. Thế nhưng, từ khi được xếp vào nhóm những người hiến máu hòa hợp phenotype, anh không tự ý hiến nữa mà chỉ 'được' hiến mỗi khi có người truyền.
Sốt ruột khi quá hạn mà không nhận được cuộc gọi
Chia sẻ về câu chuyện khó hiểu này, anh Thắng cho biết, thời gian trước cứ mỗi khi rảnh rỗi anh đều bố trí thời gian để hiến máu tình nguyện. Tổng số lần hiến máu của anh đến nay khoảng trên 20 lần. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, anh không còn tùy ý hiến máu nữa mà phải "để dành" việc hiến máu cho những người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương có kháng nguyên hòa hợp với mình.
"Khi được các bạn ở Viện thông báo mình có trong danh sách những người hiến máu có chỉ số kháng nguyên hòa hợp với người bệnh tôi rất bất ngờ. Các bạn ấy cũng tư vấn cho tôi không nên hiến máu tự do mà để dành truyền cho bệnh nhân có kháng nguyên phù hợp, để khi truyền cơ thể họ sẽ không bị sinh ra phản ứng sốt. Điều này khiến tôi thấy thêm trách nhiệm của mình trong việc hiến máu"- anh Thắng nói.
Với một người hiến máu thành thói quen như anh Thắng thì sau mỗi lần hiến anh không còn thấy như làm được điều đặc biệt nữa, tuy nhiên từ khi có tên trong "danh sách đỏ", anh bỗng cảm nhận được tầm quan trọng của mỗi lần mình đi hiến máu. Vì vậy, anh có thói quen theo dõi lịch hiến máu, mỗi khi đến hạn mà chưa được gọi anh lại sốt ruột hỏi ngược lại phía Viện và được giải thích cứ chờ khi nào có bệnh nhân sẽ mời anh đến.
Anh Thắng chia sẻ, khác với những lần hiến máu thông thường, khi nào tiện thì tham gia, hiến máu hòa hợp tạo cho anh ý thức sắp xếp mỗi khi được thông báo, bởi đó là tình huống cấp bách, người bệnh đang chờ đợi những đơn vị máu của mình. Điều nãy mang đến cho anh cảm giác vui vì đã góp một phần nhỏ bé giúp trực tiếp cho người bệnh.
Hạnh phúc khi người bệnh khỏe mạnh
Với anh Võ Anh Chiến (ở Dương Nội, Hà Đông), kể từ khi được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương mời đến tham gia vào nhóm những người hiến máu hòa hợp, khiến anh luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường khi được gọi. Đã trải qua 14 lần tham gia hiến máu nhưng khi hiến máu hòa hợp cho người bệnh, biết họ là những người phải duy trì truyền máu trong thời gian dài, tốn kém chi phí, sức khỏe, nên anh Chiến đã cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa việc làm của mình.
"Sau mỗi lần hiến máu hòa hợp, tôi thấy việc làm của mình giúp bệnh nhân giảm về chi phí để kéo dài sự sống. Nếu không có mình tất nhiên sẽ có người khác nhưng dùng thành phần máu không phù hợp khác sẽ gây phản ứng cho cơ thể bệnh nhân, khiến họ mệt mỏi. Vì vậy, sau mỗi lần hiến máu tôi thấy vui và hạnh phúc vì đã giúp được người bệnh. Tôi thấy niềm vui, sức khỏe của cũng là niềm vui, của mình"- anh Chiến cho biết.
Là một cảnh sát cơ động, công việc rất bận nhưng mỗi khi được Viện gọi điện thông báo có người bệnh cần truyền máu, anh Chiến đều cố gắng thu xếp để tham gia, bởi anh biết ở đó có người bệnh đang cần mình, chờ mình. Bạn bè thấy anh tham gia nhiệt tình cũng khuyên anh chỉ nên hiến mỗi năm tham gia 1-2 lần để không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng anh cho rằng "mình còn đủ điều kiện hiến máu được nghĩa là sức khỏe còn đảm bảo. Làm được điều gì giúp ai thì làm, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của chính mình" - anh Chiến chia sẻ.
Chị Ngô Thị Minh - một bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phải truyền máu suốt đời cho biết, mỗi năm chị đi viện khoảng 5 lần và cần truyền máu hòa hợp phenotype. Việc truyền máu hòa hợp đã giúp sức khỏe của chị ổn định hơn. Vì vậy, chị vô cùng biết ơn những người hiến máu, dù không quen biết, nhưng họ đã không quản ngại đường xa, thu xếp công việc, bố trí thời gian đến để trao tặng cho chị và những người bệnh như chị những đơn vị máu có chỉ số kháng nguyên phù hợp, giúp chị có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Thạc sỹ Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, đến nay, Hiệp hội truyền máu quốc tế đã công nhận có tới 43 hệ thống nhóm máu với 376 kháng nguyên hồng cầu khác nhau đã được phát hiện.
Ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao. Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện tìm kiếm nguồn người hiến máu và truyền máu hòa hợp phenotype từ rất sớm. Đến năm 2023, Viện đã cung cấp 2.681 đơn vị máu hòa hợp phenotype phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân trong Viện và một số bệnh viện khác.
Đồng thời, hiện Viện đang quản lý hơn 800 người bệnh cần truyền máu hòa hợp phenotype, chủ yếu là bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Nếu mỗi tháng bệnh nhân truyền máu 1 lần thì Viện cần đến gần 10.000 đơn vị máu hòa hợp phenotype/năm.
Việc truyền máu hòa hợp phenotype giúp hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận; hạn chế được việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu; hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần truyền máu thường xuyên; hạn chế bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch. Nhờ đó mang lại hiệu quả về xã hội và kinh tế cho người bệnh sống phụ thuộc vào truyền máu, giúp họ sống có chất lượng, giảm chi phí do giảm số lần vào viện và giảm số lần truyền máu.