Thay xiêm y cho Bà Chúa Xứ Núi Sam
Chúa Xứ Thánh Mẫu là nhân vật tâm linh, huyền bí, hiện hữu bằng nhiều truyền thuyết và trong sự tín ngưỡng của người dân vùng đất Nam Bộ nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Những sự kiện xoay quanh Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - An Giang luôn thu hút đông đảo người dân tề tựu thực hành nghi lễ mang tính cộng đồng. Nghi thức thay áo Bà hàng tháng là một ví dụ điển hình.

Tương truyền, cách đây khoảng 200 năm, dân làng với lòng tín ngưỡng đã đưa tượng Bà xuống núi để phụng thờ và gìn giữ. Quá trình lập miếu thờ, người dân chung tay may áo cho Bà. Dần dần, phong tục dâng áo cúng Bà trở thành điểm nhấn đặc biệt, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Ngoài Lễ tắm Bà hàng năm (cử hành vào 24 giờ đêm 23 rạng 24/4 âm lịch), mỗi tháng Bà được thay xiêm áo 2 lần (24 giờ đêm 13 rạng 14; 24 giờ đêm 28 rạng 29 âm lịch).

Quy trình thay áo Bà thường lệ diễn ra khoảng 30 phút, nhanh chóng hơn Lễ tắm Bà (gần 1 giờ 30 phút). Đúng 23 giờ 45 phút, bà Nguyễn Thị Ánh Vương (Đội trưởng Đội thờ tự, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam) chủ lễ thắp hương xin phép thực hiện nghi lễ thay áo Bà.


Mọi vật dụng cúng lễ được chuẩn bị chu toàn, đầy đủ từ chiều tối. Trong đó, áo và mão Bà đều do khách dâng cúng, được bốc thăm công khai. Áo dâng cúng Bà phải có màu sắc sặc sỡ (đỏ, vàng…), không được sử dụng màu trắng, đen, không có nút mà chỉ dùng dây buộc lại. Mỗi vật phẩm đều thực hiện rất công phu, tinh xảo, số đo vừa khít với tượng Bà.

Tổ tắm Bà quy tụ thành viên của Hội Quý tế, là người dân địa phương, am hiểu về phong tục, nghi thức liên quan đến Bà Chúa Xứ Núi Sam. Riêng trong đêm thay áo Bà, ngoài bà Ánh Vương, sẽ có thêm 8 phụ nữ khác cùng tham dự. Tất cả đều mặc áo dài màu vàng sáng, quần trắng hoặc vàng.


Đúng 24 giờ, bức màn đỏ được kéo lại, che kín tượng Bà. Tổ tắm Bà sẽ cởi bỏ y phục cũ, lau tượng Bà bằng nước tinh khiết pha với nước hoa, dùng khăn tay (tất cả đều do khách phụng cúng) lau sạch sẽ tượng Bà (lau cả tượng Nhị vị cô nương - còn gọi là bàn thờ Cô, Thập trụ công tử - còn gọi là bàn thờ Cậu, ở hai bên Bà). Sau đó, mặc lại 4 chiếc áo lót màu sắc sặc sỡ, khoác áo choàng lộng lẫy cho Bà.


Những món vật phẩm phục vụ lễ thay áo Bà được dâng cúng liên tục trong thời gian này.

Sau khi Bà được mặc áo mới hoàn tất, đến công đoạn đội mão cho Bà. Chiếc mão rất nặng, cần sự hỗ trợ của các nhân viên nam.

Bên ngoài bức màn, 2 đoàn khách dâng áo và mão Bà thành kính khấn vái. Đối với họ, được bốc thăm dâng xiêm y cho Bà là niềm hạnh phúc, may mắn lớn lao. Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhung y dâng Bà có lúc lên đến 7.000 - 8.000 chiếc, khẳng định tấm lòng của khách thập phương gửi đến vị Thánh Mẫu.

Khoảng 0 giờ 30 phút, hoàn tất công việc, thành viên Tổ tắm Bà lần lượt đi ra. Công việc thiêng liêng này đòi hỏi sức khỏe, lòng tín ngưỡng cao độ để thành viên có mặt đầy đủ vào thời điểm thực hiện nghi lễ. Nhiều người tham gia liên tục mấy mươi năm nay, tự hào được phụng sự cho Bà Chúa Xứ Núi Sam.


Bức màn được kéo ra, Bà Chúa Xứ xuất hiện lộng lẫy, uy nghiêm mà vẫn đậm nét hiền hòa, bao dung. Hoạt động chiêm bái, dâng cúng của người dân, du khách được tiếp nối trở lại, nhộn nhịp cả đêm lẫn ngày.

7 giờ 30 phút đến 8 giờ sáng hôm sau, Đội thờ tự tiếp tục công việc khác không kém phần quan trọng: Đeo kiềng vàng cho Bà. Đây là chiếc kiềng 18K (khoảng 20 lượng), dùng vào những ngày bình thường. Riêng ngày lễ, Tết, Vía Bà, Bà Chúa Xứ sẽ được đeo chuỗi hạt vàng 162 lượng trứ danh.



Quá trình này được thực hiện công khai, để mọi người dân được chiêm ngưỡng, quan sát. Từng chi tiết trên áo, mão, kiềng được Đội thờ tự chỉnh lại phẳng phiu, ngay ngắn; hương hoa ngào ngạt.


Tương tự, tượng Cô cũng được thay đổi vòng chuỗi tinh xảo, quý giá. Những vật phẩm này đầu do khách dâng cúng, được quản lý chặt chẽ theo quy định. Sau khi đeo cho tượng Bà, đến chiều cùng ngày, vật phẩm được thu lại, bảo quản cẩn thận, chờ đến ngày thay áo Bà tiếp theo.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thay-xiem-y-cho-ba-chua-xu-nui-sam-a417849.html