The Body Shop ồ ạt phá sản ở nhiều nước, chi nhánh Việt Nam ra sao?
Sau khi The Body Shop nộp đơn xin phá sản tại Mỹ và Canada, chi nhánh thương hiệu mỹ phẩm tại Việt Nam thông báo hoạt động bình thường, nằm ngoài làn sóng tái cấu trúc.
Sự sụp đổ của đế chế mỹ phẩm
Theo Guardian, The Body Shop - hãng mỹ phẩm nổi đình đám những năm 2010 - nộp đơn xin phá sản ở Mỹ và Canada. Thương hiệu nổi tiếng đồng thời gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp ở Australia. Các doanh nghiệp nước ngoài có lợi nhuận cao của tập đoàn đang vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt sau khi công ty mẹ ở Anh sụp đổ vào tháng 2.
The Body Shop tại Mỹ đóng cửa 50 cửa hàng. Họ nộp đơn xin phá sản. Theo đó, tài sản được bán để xóa nợ, khiến khoảng 400 công việc liên quan bị ảnh hưởng, bao gồm công việc ở trung tâm phân phối nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hàng triệu USD.
Tại Canada, 33/105 cửa hàng đã đóng cửa, khiến hơn 200 người thất nghiệp.
Tại Australia, nơi tập đoàn điều hành gần 100 cửa hàng, chịu trách nhiệm cho hơn 20 cửa hàng ở New Zealand, đang bị "treo" sau khi vật lộn để trang trải các khoản nợ lớn.
The Body Shop tại Anh sụp đổ hồi tháng 2, chỉ vài tháng sau khi Aurelius - tập đoàn cổ phần tư nhân Đức - mua lại tập đoàn mỹ phẩm. Thỏa thuận hoàn tất từ tháng 1 và đưa vào kinh doanh, quản lý chưa đầy 6 tuần.
Aurelius hiện là chủ nợ lớn ở Anh. Tập đoàn đang kiểm soát thương hiệu, tìm cách đòi lại quyền kiểm soát The Body Shop từ các nước khác. Hiện, các bộ phận của thương hiệu tại Đức, Đan mạch, Ireland và Bỉ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
The Body Shop thành lập từ năm 1976 do nhà hoạt động nhân quyền Anita Roddick. Suốt quá trình hoạt động, thương hiệu được đánh giá cao do đưa ra thị trường sản phẩm bền vững, có đạo đức, không độc hại, không thử nghiệm sản phẩm trên động vật.
Theo CNN, The Body Shop nhiều lần đổi chủ, phát triển mạnh khi về tay tập đoàn khổng lồ L'Oreal năm 2006. Sau thời gian phát triển cực thịnh, thương hiệu toàn cầu dần suy yếu sau khi về tay Natura &Co của Brazil.
Năm 2023, tập đoàn Natura &Co thông báo The Body Shop đối mặt tình thế khó khăn. Dù có hơn 2.500 điểm bán lẻ trên 80 quốc gia, trực tuyến tại 60 thị trường, việc làm ăn của thương hiệu không quá suôn sẻ.
The Body Shop Việt Nam "không liên quan"?
Trên fanpage, The Body Shop Việt Nam khẳng định không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào bởi quy trình tái cấu trúc đang diễn ra trên thế giới. The Body Shop Việt Nam trực thuộc Tập đoàn InNature Berhad, niêm yết trên sàn chứng khoán Kuala Lumpur Stock Exchange, Malaysia. InNature sở hữu hơn 122 cửa hàng tại 3 nước: Malaysia, Việt Nam và Campuchia.
"Hội đồng quản trị InNature khẳng định mô hình kinh doanh tại 3 thị trường của chúng tôi đối với The Body Shop là hình thức đối tác nhượng quyền toàn cầu. Những hoạt động tái cấu trúc đang diễn ra tại Anh, Mỹ và các thị trường khác không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động kinh doanh của InNature Berhad", đại diện The Body Shop lên tiếng.
The Body Shop Việt Nam thông báo trong năm nay sẽ mở rộng mạng lưới cửa hàng ở khu vực trung tâm sầm uất tại TPHCM và Hà Nội. Thương hiệu mỹ phẩm tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến vốn đang bùng nổ tại Việt Nam, đặc biệt thông qua mạng xã hội.
Để minh chứng cho việc ăn nên làm ra, The Body Shop Việt Nam dẫn chứng thương hiệu vừa kỷ niệm 15 năm ra mắt ở Việt Nam, mở cửa hàng flagship (cao cấp) tại TPHCM.
Thông báo của The Body Shop khiến nhiều khách hàng nghi ngại chất lượng sản phẩm, bao gồm tiêu chuẩn sản xuất so với chất lượng hàng xách tay, nhập trực tiếp từ thị trường Mỹ hoặc châu Âu.
Giải đáp điều này, đại diện The Body Shop Việt Nam cho biết sản phẩm trưng bày và phân phối tại Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch, chất lượng hoàn toàn giống với sản phẩm tại Anh.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, hiện fanpage của thương hiệu mỹ phẩm này tại Việt Nam vẫn hoạt động, đăng bài đều đặn. Thương hiệu thực hiện nhiều chiến dịch, đúng với tiêu chí "có đạo đức", vì môi trường của tập đoàn mẹ.