Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về an ninh nguồn nước
Chiều 5-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất và phục vụ đời sống.
Ngay từ giữa tháng 5-2023, các cảnh báo về việc nhiều hồ chứa nước thủy điện xuống mức thấp kỷ lục trong hàng thế kỷ qua được phát đi cùng những lời kêu gọi về việc sử dụng điện tiết kiệm để bảo đảm điện cho sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, mới chỉ vào đầu mùa hè, nhiều nơi trên cả nước đã phải chịu cảnh cắt điện luân phiên do ngành điện lực không thể bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu tiêu thụ của người dân, doanh nghiệp. Điều này gây rất nhiều hệ lụy không chỉ cho xã hội mà cho cả nền kinh tế nước ta, khi rất nhiều ngành sản xuất đang phụ thuộc lớn vào dòng điện.
Không chỉ ngành điện, thiếu nước cũng đang gây áp lực rất lớn đến nông nghiệp-ngành kinh tế được coi là trụ đỡ mỗi khi nền kinh tế nước nhà gặp khó khăn. Ở nhiều địa phương, tình trạng thiếu nước sản xuất khiến bà con phải bỏ hoang hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp. Thiếu nước cho sản xuất không còn là nguy cơ mà trở thành sự thật trong nhiều năm nay. Điều đó cũng cho thấy, an ninh nguồn nước của nước ta-dù là nước ven biển, có trữ lượng tài nguyên nước được coi là dồi dào trên thế giới-đang bị đe dọa nghiêm trọng.
An ninh nguồn nước ở nước ta bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, như do tác động của biến đổi khí hậu, do khai thác tài nguyên nước chưa hợp lý và do các quốc gia khu vực thượng nguồn nhiều dòng sông lớn chảy vào Việt Nam ngăn đập làm thủy lợi, thủy điện... Do vậy, để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, những vấn đề này cần được nhận diện và quản trị một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Ngày 23-6-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có yêu cầu chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các quốc gia có chung dòng sông với nước ta. Tuy nhiên, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chưa có quy định nào được bổ sung để thể chế hóa nội dung này.
Cử tri và nhân dân mong muốn cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan xem xét, thể chế hóa nội dung nêu trên trong kết luận của Bộ Chính trị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành sau này.