The Coffee House đang ở đâu?

The Coffee House khá im ắng sau thời gian thu hẹp quy mô, trong khi các đối thủ Highlands, Starbucks, Katinat liên tục tăng tốc trở lại để giành 'miếng bánh' thị trường.

 The Coffee House khá im ắng trong khi Highlands Coffee, Starbucks liên tục mở rộng. Ảnh: TCH.

The Coffee House khá im ắng trong khi Highlands Coffee, Starbucks liên tục mở rộng. Ảnh: TCH.

Trong bức tranh nhiều màu sắc của thị trường chuỗi trà - cà phê sôi động với xu hướng mở rộng liên tục của Highlands Coffee, Starbucks, Katinat, Phê La... thì The Coffee House lại đang khoác lên mình sắc xám khá ảm đạm.

Sau giai đoạn phải đóng nhiều cửa hàng, rời bỏ nhiều địa phương lớn, chuỗi cà phê này vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu phục hồi trở lại.

Vật lộn với bài toán lợi nhuận

Trong năm 2024, The Coffee House đã đóng hơn 30 cửa hàng tại nhiều thành phố lớn Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM... Đến nay, The Coffee House còn 93 cửa hàng trên toàn quốc, giảm mạnh so với quy mô khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023.

"Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống", đại diện The Coffee House lý giải về động thái đóng hàng loạt cửa hàng hồi tháng 8/2024.

Trong khi các chuỗi cà phê khác đang liên tục mở rộng, The Coffee House lại phải vật lộn với bài toán lợi nhuận từ thời ông Nguyễn Hải Ninh còn điều hành và cả khi đã về tay Seedcom.

Dữ liệu của Vietdata chỉ ra doanh thu của The Coffee House đã biến động liên tục trong giai đoạn 2021-2023. Cụ thể, doanh thu năm 2022 của chuỗi đã tăng mạnh 67% so với năm trước đó, nhưng ngay năm 2023 đã "quay đầu" giảm 11%, xuống còn 700 tỷ đồng. Đáng nói, thương hiệu này vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, The Coffee House được cho là đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với thị trường, tập trung tối ưu hóa hoạt động và duy trì sự hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng.

Đây là lý do dù thu hẹp quy mô cửa hàng, The Coffee House vẫn chú trọng vào việc ra mắt các sản phẩm mới, đặc biệt là những dòng sản phẩm theo mùa.

Đại diện thương hiệu cũng từng chia sẻ rằng đang tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng đặt hàng riêng, thay vì dồn nguồn lực cho cửa hàng vật lý. Thời điểm đóng hàng loạt cửa hàng, The Coffee House tiết lộ giao dịch qua ứng dụng chiếm một nửa tổng giao dịch mỗi ngày của toàn hệ thống với 1,8 triệu người dùng thường xuyên.

Chiến lược này giúp thương hiệu tránh mức phí cao 20-25% từ các nền tảng trung gian và giữ quyền kiểm soát dữ liệu khách hàng. Chuỗi cà phê đã triển khai nhiều ưu đãi độc quyền trên ứng dụng, với giá thành thường rẻ hơn so với các nền tảng khác.

Áp lực từ thị trường sôi động

Bên cạnh bài toán tối ưu hóa lợi nhuận, The Coffee House cũng đang phải đối mặt với bài toán cạnh tranh bởi các tên tuổi mới như Katinat hay Phê La. Katinat - dưới sự hậu thuẫn của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim đã gần chạm mốc 100 cửa hàng sau 3 năm kể từ 2021. Chuỗi này được đánh giá là một trong những "ngựa chiến" của thị trường hiện tại.

Cùng với đó, các thương hiệu lớn như Highlands Coffee hay Starbucks vẫn không ngừng mở rộng, đổi mới. Gần đây, Highlands liên tục mở cửa hàng ở các vị trí đắc địa với concept hiện đại, đồng thời thử nghiệm mô hình cabin cà phê tại các cây xăng.

Trong khi đó, Starbucks đã tăng tốc mở mới 25 cửa hàng trong năm 2024 và tiếp tục tham vọng mở rộng ở nhiều tỉnh, thành trong năm mới. Chuỗi cà phê lớn nhất thế giới cũng quyết liệt "địa phương hóa" để tạo dấu ấn ở nhiều thành phố du lịch của Việt Nam như Huế, Đà Lạt...

 Starbucks mở cửa hàng ở nhiều thành phố du lịch của Việt Nam. Ảnh: Starbucks.

Starbucks mở cửa hàng ở nhiều thành phố du lịch của Việt Nam. Ảnh: Starbucks.

Trong khi thị trường sôi động với sự bùng nổ của các quán cà phê mới, sự đầu tư mạnh mẽ từ đối thủ tạo ra áp lực lớn lên những chuỗi đã có mặt lâu đời như The Coffee House. Việc định vị lại thương hiệu và duy trì sự khác biệt trong mắt người tiêu dùng là bài toán khó mà thương hiệu này cần giải quyết nếu muốn lấy lại vị thế trên thị trường.

Chuyên gia nhận định tương lai của The Coffee House phụ thuộc vào khả năng thích ứng linh hoạt với nhu cầu khách hàng, đổi mới sản phẩm và nâng cao hiệu quả vận hành. Trong một thị trường sôi động nhưng đầy thách thức, việc duy trì bản sắc riêng biệt và chiến lược kinh doanh bền vững là chìa khóa để thương hiệu này phục hồi.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-coffee-house-dang-o-dau-post1526213.html