Thể dục dụng cụ tự tin vượt khó

Việc giành 4 HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó có chiến tích vô địch nội dung đồng đội nam, đã tạo áp lực không mấy dễ chịu dành cho đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam trước kỳ đại hội tháng 5 tới trên đất Campuchia

Không ngoài dự đoán của giới chuyên môn, SEA Games 32 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn thể dục dụng cụ (TDDC) nói riêng. Việc nước chủ nhà Campuchia loại bỏ các nội dung của nữ khiến toàn đội phải tập trung vào tập luyện các nội dung thế mạnh của nam và những gương mặt kỳ cựu như Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng vẫn phải giữ vai trò chủ chốt, nắm giữ niềm hy vọng huy chương của TDDC Việt Nam.

Vẫn phải trông chờ vào các cựu binh nhưng tuyển TDDC Việt Nam có quyền đặt niềm tin vào Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang hay Đặng Ngọc Xuân Thiện, những gương mặt trẻ đang được trao cơ hội và bước đầu tạo được dấu ấn của chính mình tại các giải đấu gần đây. Chàng trai 21 tuổi Nguyễn Văn Khánh Phong đã cùng các đàn anh Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng và những đồng đội khác mang về tấm HCV đồng đội nam lịch sử bên cạnh tấm HCB cá nhân nội dung vòng treo ngay ở lần đầu tham dự SEA Games.

Tương tự và có phần thú vị hơn là câu chuyện của Đặng Ngọc Xuân Thiện, tân binh của đội nhưng cũng kịp ghi lại ấn tượng mạnh ngay ở lần đầu tham dự SEA Games khi giành một HCV đồng đội nam cùng với tấm HCV cá nhân nội dung ngựa tay quay. Câu chuyện "tre chưa già, măng đã mọc" xuất hiện ở tuyển TDDC Việt Nam, vì thế, chẳng phải là điều khiến người hâm mộ phải ngạc nhiên khi mà các thế hệ VĐV kế cận đã, đang và hứa hẹn sẽ còn làm rất tốt nhiệm vụ của mình.

Lê Thanh Tùng là niềm hy vọng của thể dục dụng cụ Việt Nam Ảnh: ĐĂNG PHÚC

Lê Thanh Tùng là niềm hy vọng của thể dục dụng cụ Việt Nam Ảnh: ĐĂNG PHÚC

Tham dự 2 sự kiện thuộc World Cup series trong tháng 3 vừa qua, các VĐV trẻ của Việt Nam đã xuất sắc giành quyền lọt vào chung kết, tích lũy cho bản thân vô vàn kinh nghiệm thi đấu vô cùng quý báu để từ đó có thể nhìn nhận đúng vị trí của mình và đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể cho các giải đấu lớn trong tương lai. SEA Games 32 tại Campuchia sẽ bao gồm 8 nội dung gồm đồng đội, toàn năng cùng 6 nội dung đơn môn nam và tuyển Việt Nam phấn đấu giành 2-3 HCV, có giảm đôi chút so với kỳ đại hội năm ngoái nhưng "sát sườn" hơn trong bối cảnh đối thủ mạnh lên rất nhiều.

Theo kế hoạch chung được ban huấn luyện đưa ra, lịch tập luyện, thi đấu như một lộ trình xuyên suốt, liền mạch từ SEA Games cho đến các giải đấu thuộc World Cup Series, Asian Games và xa hơn là vòng loại Olympic với rất nhiều chi tiết gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau. SEA Games không thể nói là không quan trọng nhưng mục tiêu vươn tầm đến Olympic luôn là trọng trách hàng đầu của TDDC.

Do điểm chuẩn tham dự Olympic ngày càng được nâng cao hơn, việc tranh chấp điểm cũng rất gắt gao, vì thế, chỉ tiêu thành tích cụ thể cho từng giải đấu cũng được cân nhắc thấu đáo hơn. Nếu như ở nhiều môn, Asian Games được xác định là một trong các giải vòng loại Olympic thì môn TDDC lại bỏ qua các giải này. Vì vậy, nhiều khả năng dàn VĐV kỳ cựu như Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng sẽ là "át chủ bài" tại đấu trường SEA Games còn việc giành vé tham dự Olympic Paris 2024 sẽ được trao cho tuyến VĐV trẻ tài năng.

Những năm qua, dù nguồn lực đầu tư có hạn nhưng TDDC Việt Nam đã giành được rất nhiều thành tích. Ba kỳ Olympic 2012, 2016 và 2020, TDDC Việt Nam đều có VĐV vượt qua vòng loại và có mặt tại Olympic. Vì thế, bên cạnh mục tiêu giành 2-3 HCV SEA Games 32, giành HCĐ tại Asian Games 19, mục tiêu quan trọng của TDDC Việt Nam trong năm 2023 là tìm vé đến Olympic Paris 2024.

Đông Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/the-duc-dung-cu-tu-tin-vuot-kho-2023041622075411.htm