Thế gian dài hơn bước chân người
Một ngày, ông bạn ham dịch chuyển đùng đùng quyết định: Từ nay không du lịch sang mấy nước gọi là giàu ấy nữa. Ông nói thêm: Nó làm như ai sang đấy cũng tìm cách lẩn trốn để ở lại.
Ông diễn giải: Giả sử có khách đến chơi, chưa kịp bước chân vào nhà, ta giữ khách đứng yên trước cửa và tra hỏi. Hiện tại ông có nhà để ở không, trong nhà ông tủ lạnh còn thức ăn dự trữ cho mấy ngày, trong túi ông còn bao nhiêu tiền, có đủ để ông mua xăng cho xe máy hoặc đi tắc xi trở về không?
Hỏi thế cho chắc, vì nếu ông khách không có nhà cửa để ở, không còn đủ thức ăn trong nhà, và không có tiền trong túi để bảo đảm phương tiện ra về… thì biết đâu. Biết đâu đấy. Biết đâu ông ấy thấy nhà tôi sung túc, nhà tôi vui, ông kiếm cớ ở lại dài ngày.
Đấy chính xác là chuyện xin visa vào các nước giàu. Chỉ là ta hứng lên muốn du lịch một phen. Chỉ là ta cần đi thăm người thân. Thế là phải xin thị thực vào nước đó. Nhưng mà chao ôi, phải điền một bản khai có đến bốn mươi mục, căn vặn kỹ càng tỉ mỉ, tưởng là cẩn thận mà đặc biệt lẩm cẩm. Những câu hỏi theo kiểu bạn có nghiện hút không, có tiền án tiền sự chưa, có dính líu vào bạo động hoặc gây rối loạn trật tự xã hội không, có sở hữu vũ khí không… Lẩm cẩm vì đó là những câu hỏi chỉ cần láu cá một tí là có thể thoát hiểm và người điều tra không thể vì câu trả lời an toàn mà thôi việc điều tra.
Chưa hết, lại còn thêm việc chứng minh điều kiện kinh tế tài chính: muốn đến thăm nước tôi phải không, OK, nhưng cho tôi xem sổ đỏ sổ hồng để chứng minh bạn có nhà cửa và tài sản. Cho tôi xem sổ lương để chứng minh bạn có thu nhập đều kỳ. Cho tôi xem sổ tiết kiệm đang có ít nhất khoảng 10.000 đô để chứng tỏ bạn có của ăn của để. Tóm lại là phải có đủ những thứ mà nếu bạn định trốn ở lại đất nước tôi thì bạn phải tiếc vì đã bỏ lại tài sản ở quê nhà.
Ông bạn từng du học ở cái nước giàu ấy, giờ muốn quay lại thăm nó, nhưng muốn thăm thì phải điền tờ khai bốn chục tiểu mục, lại phải chìa ra cái sổ tiết kiệm khoảng 10.000 đô. Không phải là ông không lo đủ bằng ấy tiền, nhưng thôi, không đi nữa. Cảm thấy tự ái. Cảm thấy bị tổn thương. Nó làm như ai sang nước nó cũng muốn chạy trốn để ở lại lắm.
Ông quyết định chuyển hướng. Thế thì ông quay về với văn minh phương Đông. Từ nay chuyển sang các giá trị châu Á, trùng hợp cũng đang là xu hướng lớn của thế giới. Còn bao nhiêu thắng cảnh Á, Phi, Nam Mỹ, dành cả đời cũng đi không hết.
*
Chuyện xin và cấp visa kia phản ảnh nỗi lo của các nước phát triển. Người xin nhập cư quá nhiều, vượt quá chỉ tiêu bổ sung lao động của đất nước. Người bị từ chối nhập cư quá nhiều, dẫn đến tình trạng xâm nhập và cư trú bất hợp pháp.
Nghèo đói, không có công ăn việc làm, người ta phải chọn một lối thoát là di cư sang những nước giàu. Thất học và thiếu thông tin nên người ta càng ảo tưởng rằng vỉa hè của những nước giàu cũng dát vàng, chỉ cần bóc lên mà ăn. Các nước giàu ban đầu chìa tay đón, cũng không hẳn vì nhân đạo nhân văn gì, nhà đang thiếu kẻ ăn người làm thì đón. Ban đầu làn sóng nhập cư trôi chảy xuôi chiều, người lao động nhập cư được pháp luật và các tổ chức công đoàn tạo điều kiện làm việc.
Nói cho công bằng, dang tay đón làn sóng lao động nhập cư là một chủ trương thực dụng. Người nhập cư được đón nhận, được trao quốc tịch và quyền công dân, dù là nhà khoa học nhà sáng chế hay ông chủ quán ăn thì vẫn là người làm thuê trên đất khách. Tôi đón anh vào, tạo điều kiện cho anh mở quán ăn mở cửa hiệu, anh làm chủ, nhưng thực ra anh là người làm, người giúp việc, người phục vụ cho dân tôi cho nước tôi. Trong nhà ta cần người nấu ăn, ta thuê một người giúp việc về phụ trách bếp núc và phong cho cô ấy là bà chủ bếp, cô ấy sung sướng vì cái danh hiệu “chủ bếp” không có nghĩa là cô ấy là chủ. Cô ấy vẫn chỉ là người phục vụ trong nhà ta.
Đồng lương có thể tốt, điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt và giáo dục có thể đầy đủ, nhưng người lao động nhập cư vẫn phải chịu sự kỳ thị, ngấm ngầm hoặc công khai. Một nghệ sĩ một giảng viên nhập cư có thể tự coi là mình có cống hiến, có thể được đồng nghiệp bản địa bắt tay lịch sự chúc tụng ca mừng, nhưng trong thâm tâm đồng nghiệp và hàng xóm vẫn chỉ coi anh là người ngụ cư, anh không thực sự là “người của họ”.
Tâm lý ấy không công bằng và không thỏa đáng, vì họ vẫn phải thừa nhận rằng không thể thiếu người nhập cư. Người nhập cư xây lên thành phố và cầu đường và có mặt trong mọi dịch vụ để duy tu bảo dưỡng những công trình ấy, duy trì sức sống cho công trình và cho cả xã hội. Nước giàu không thể giàu mà thiếu họ, nhưng đa số người nhập cư vẫn chỉ là lao động phổ thông.
Tôi đã vài lần kể câu chuyện này và sẽ còn kể lại. Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin nói rằng ông sinh ra trên một hòn đảo giàu có bên ngoài thành phố Istanbul. Nesin là con nhà nghèo, sao ông lại có phúc phận ra đời ở một hòn đảo của nhà giàu như vậy? Thì ra cha mẹ ông là kẻ ăn người làm cho một gia đình đại phú trên đảo. Nesin kết luận, chúng tôi nghèo nhưng lại sống trên một hòn đảo của người giàu bởi vì “người giàu không thể sống mà không có người nghèo được”. Người giàu không thể sống được nếu không có người nghèo. Đấy là một trong nhiều lý do các nước giàu phải cần đến làn sóng nhập cư.
Nhưng tình trạng nhập cư giờ đây đã trở thành gánh nặng quá tải.
*
Ngày trước sang xứ Bắc Âu có cảm tưởng một xã hội khá thuần Âu, không pha tạp chủng tộc kiểu xôi đỗ như ở nước Mỹ. Nhưng bây giờ thì ngay Bắc Âu cũng tràn ngập người da màu. Bạn có thể gặp một người da đen một người da vàng một người da nâu và họ tự giới thiệu họ là người Phần Lan, người Thụy Điển, người Đan Mạch. Có người đến bằng con đường lao động xuất khẩu, có người may mắn được cứu thoát từ con tàu di cư chìm ngoài đại dương hoặc trong những xe thùng ngạt thở vượt biên giới.
Triết gia Ấn Độ thời hiện đại là Osho gây sốc bằng cách vạch ra một thực tế: “Người nghèo trên thế giới phải chịu trách nhiệm cho cái nghèo của họ. Ai bảo họ cứ liên tục sinh ra những đứa trẻ khi mà cuộc sống của họ đang nghèo đói? Ai bảo họ cứ sống trong mê tín khi mà mỗi mê tín đều cản trở sự phát triển của họ cả về vật chất lẫn tinh thần?... Tại sao họ không lắng nghe theo trí thông minh? Rằng một người nghèo không nên sinh nhiều con cái, anh ta nên sinh ra của cải. Nhưng anh ta cứ liên tục sinh con cái mà chẳng sinh ra chút của cải nào”. Osho đã đúng về việc người nghèo liên tục sinh con nhưng mặt khác nguyên nhân của việc họ không sinh ra của cải còn do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, và cả sự tận thu của người giàu. Nạn nhân mãn gia tăng dân số nghèo đói còn do quan niệm duy trì gia tộc truyền thống và các chính phủ thiếu năng lực thực hiện biện pháp kiểm soát dân số. Các tôn giáo cũng có phần trách nhiệm do quan điểm giáo dục đi ngược lại những biện pháp kiềm chế sinh sản.
Hậu quả đúng như cái sự thật mà Osho chỉ ra: “Một hiện tượng kỳ lạ là các quốc gia giàu có lại liên tục giảm dân số trong khi các quốc gia nghèo thì liên tục tăng dân số nhanh đến nỗi gây nguy hiểm cho toàn thế giới” (*).
Không hẳn là “kỳ lạ” mà đó còn là sự trớ trêu. Nó như tình trạng người béo thì thèm ăn và cứ béo lên, còn người gầy thì chán ăn và cứ thế mà teo tóp lại.
Làn sóng người nghèo đổ sang các nước giàu để đi tìm một cuộc sống mới giờ đây đang bị ngăn chặn bởi cảnh sát đường biển, bởi những bức tường biên giới cao hơn dày hơn. Nước giàu tự coi rằng đã đủ người giúp việc, và những người giúp việc này đang sản sinh ra những thế hệ con cháu là người giúp việc mới. Vậy trách người nghèo đẻ nhiều làm sao được, không thế thì lấy đâu ra nhân công để cung cấp cho thế hệ nhà giàu mới nổi. Vòng tuần hoàn tương hỗ mà thôi.
Thực ra không hẳn đất nước đã đủ người lao động nhưng công dân bản địa dường như đã “thức tỉnh”. Họ thức dậy và đòi quyền được làm việc, đòi tiền công cao hơn người nhập cư. Họ kỳ thị người nhập cư, cho rằng đám “nô lệ đời mới” này cướp mất công ăn việc làm của họ. Họ tin rằng người nhập cư làm sai lệch quy chuẩn xã hội, gây ra bao tệ nạn, thậm chí là bạo lực là khủng bố. Họ dùng lá phiếu bầu cử của mình và tìm cách đấu tranh để ngăn chặn cánh chính trị gia câu kết với giới tài phiệt tham lam mà phớt lờ quyền lao động của công dân bản địa.
Tất yếu sẽ dẫn đến sự lưỡng lự phân vân trong chính sách nhập cư. Và trong khi chưa ngã ngũ một chính sách thì chính quyền các nước phát triển chọn việc siết chặt quy định cư trú. Phải có những công trạng đặc biệt, kiểu nhà phát minh sáng chế hoặc viên chức tận tâm tận lực. Hoặc kiểu anh da đen tạm trú phải lập thành tích cứu em bé da trắng ra khỏi căn phòng lửa cháy rồi anh mới được cấp quyền công dân. Chính sách kiềm chế nhập cư được thực hiện một phần bằng việc xét duyệt visa.
Đâu phải siết chặt visa bằng cách đòi xem sổ đỏ và sổ tiết kiệm là có thể đối phó được với những thủ thuật di cư. Và người đã quyết ăn chơi một phen thì chẳng ngại trình mấy cái tài liệu chứng minh kiểu ấy.
Ở nhiều nước châu Âu hiện nay người dân thậm chí còn xuống đường biểu tình đuổi người du lịch, có cuộc biểu tình hàng nghìn người tham gia như ở thành phố Barcelona. Vẫn là lý do bọn du khách tràn đến gây ra khủng hoảng điện nước thực phẩm và bày bừa ngổn ngang trong xã hội bình yên của họ.
Với người cảm thấy bị tổn thương như người đàn ông ham du lịch kia, thế gian không chỉ khuôn lại trong mấy nước giàu có phát triển. Vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống cũng không chỉ có ở riêng mấy nước đó. Ai đi thì cứ đi, đối tác kinh doanh và hợp tác nhiều lĩnh vực chẳng hạn. Còn ông dứt khoát không làm thủ tục visa để đến đó để thăm thú nữa. Giận dỗi kiểu AQ một tí, nhưng cũng là dịp để mở ra những hướng đi mới. Vẫn biết thế gian không có hai thực thể giống nhau, mỗi trải nghiệm đều duy nhất, nhưng một khu vườn vẫn có nhiều loại hoa để lựa chọn. Ông nói trước mắt ông thế giới còn đang rất rộng dài mời gọi mà bước chân mỗi người thì không đủ dài để đi cho thỏa.
Tiểu luận Hồ Anh Thái
___________________
(*) Osho - Guru nổi loạn, trang 18, Phi Tuyết dịch, NXB Hà Nội 2024
Ảnh trong bài: Loạt tác phẩm của nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ugur Gallenkus về tương phản giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo, thịnh vượng và chiến tranh
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/the-gian-dai-hon-buoc-chan-nguoi-46808.html