Thế gian được vợ mất chồng

...'Thế gian được vợ mất chồng', ý dân gian muốn nói: rất ít cặp vợ chồng cả hai đều hoàn hảo (chủ yếu nói về phẩm chất, tính cách), mà thông thường vợ chồng bù trừ khiếm khuyết cho nhau và bởi thế hãy xem sự khôn khéo - vụng về, được - mất này là chuyện thường...

Thế gian được vợ mất chồng,

Thế gian được vợ mất chồng,

Mấy khi lại được cả ông lẫn bà

(Ca dao)

Sách Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Hán (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn - 2008) đưa ra cặp đối chiếu Việt - Hán: “thế gian được vợ hỏng chồng - 彩鳳隨 鷄”.

Theo đây, Nguyễn Văn Khang cho rằng, “thế gian được vợ hỏng chồng” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “thái phượng tùy kê - 彩鳳隨 鷄” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có 3 điểm cần trao đổi:

1. Với tiếng Việt, nên đưa ra dị bản chính “thế gian được vợ mất chồng” - một cách nói đã được lưu truyền ổn định (được - mất tạo thành hai thái cực, chặt chẽ mà có nhịp điệu). Bản “Thế gian được vợ hỏng chồng” tuy không sai, nhưng không hay bằng bản chính.

2. Với tiếng Hán, bản chính xác phải là 彩鳳隨鴉 - Thái phượng tùy nha (phượng hoàng đi với quạ đen), chứ không phải 彩鳳隨 鷄” - thái phượng tùy kê (phượng hoàng đi với gà), như Nguyễn Văn Khang thu thập. Phải là phượng hoàng đi với quạ đen (giống chim chỉ thuần có màu đen, ăn xác chết, gắn với quan niệm về sự chết chóc, điềm báo xấu) mới tạo nên sự chênh lệch theo lối thậm xưng của dân gian; còn phượng hoàng đi với gà, tuy cũng chênh lệch, nhưng chưa bị đẩy đến tột cùng của hai thái cực đẹp >< xấu đối lập, tương phản nhau (gà vẫn là loài chim đẹp với bộ lông sặc sỡ, mào đỏ tươi, tiếng gáy vang báo hiệu một ngày mới).

3. Điều cuối cùng, nhưng là quan trọng nhất, đó là câu “Thế gian được vợ mất chồng”, trong tiếng Việt, không đồng nghĩa với “Thái phượng tùy nha” (bản của Nguyễn Văn Khang là “Thái phượng tùy kê”) trong tiếng Hán. Bởi vì câu “Thế gian được vợ mất chồng”, ý dân gian muốn nói: rất ít cặp vợ chồng cả hai đều hoàn hảo (chủ yếu nói về phẩm chất, tính cách), mà thông thường vợ chồng bù trừ khiếm khuyết cho nhau và bởi thế hãy xem sự khôn khéo - vụng về, được - mất này là chuyện thường. Trong khi tiếng Hán: Thái phượng tùy nha - 彩鳳隨鴉 = Phượng hoàng đi với quạ đen, được Hán ngữ đại từ điển giảng là: Tỉ dụ thục nữ giá bỉ nam - 比喻淑女嫁鄙男, nghĩa là “ví cô gái đẹp lấy phải người chồng thô tục”.

Như vậy nếu để so sánh, tìm ra hai bản đồng nghĩa trong hai ngôn ngữ Hán - Việt thì câu “Phượng hoàng đi với quạ đen” trong tiếng Hán, phải đồng nghĩa với câu “Cú đậu cành mai” (dị bản: Hoài cành mai cho cú đậu) hoặc “Hoài hồng ngâm cho chuột vọc” (dị bản: Hoài hồng ngâm cho chuột vọc, hoài hạt ngọc cho ngâu vầy) trong tiếng Việt, chứ không thể đồng nghĩa với “Thế gian được vợ hỏng chồng” như Nguyễn Văn Khang viết.

Hoàng Tuấn Công (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-gian-duoc-vo-mat-chong-32623.htm