Thế giới 2020 - Năm của những bất ổn và thách thức

Năm 2020 với quá nhiều biến cố, bất ổn thường trực cùng những thách thức không ngừng gia tăng đã khép lại. Nhân loại đang chuẩn bị bước vào năm mới 2021 với nhiều niềm tin và hy vọng. Những thách thức sẽ là lời nhắc nhở thế giới cần nỗ lực hơn nữa trong hành trình kiếm tìm hòa bình và thịnh vượng.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang toàn diện

Ngày 27/9, xung đột tại Nagorno-Karabakh nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và các lực lượng Armenia thiểu số ở nước CH Artsakh. Sau 6 tuần giao tranh, với 3 lệnh ngừng bắn bị đổ vỡ, thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian đã được ký kết giữa các bên. Tuy nhiên, hơn 5.000 người đã chết, hàng trăm người bị thương và rất nhiều công trình bị tàn phá sau cuộc chiến.

Thực ra không phải đến năm 2020 này mà suốt hai năm qua, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump khơi mào cho một cuộc chiến thương mại, mối quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất sau 4 thập kỷ, với nhiều năm tháng được đánh giá là “ngọt ngào” giữa hai bên. Tâm điểm của những mâu thuẫn Mỹ - Trung trong năm 2020 là cuộc chiến về công nghệ, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cáo buộc các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ và gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia.

Hàng loạt lệnh cấm đối với các công ty được công bố, nhắm vào TikTok của Bytedance, WeChat của Tencent, SMIC… Đặc biệt là đối với Huawei khi Chính phủ Mỹ cấm các doanh nghiệp quốc tế bán thiết bị, linh kiện sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei. Không những vậy, Mỹ còn khuyến cáo các quốc gia đồng minh ngừng hợp tác với tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc trong việc triển khai mạng thế hệ không dây thứ 5, hay 5G.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He (thứ hai bên trái, hàng trước) gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng thảo luận về tiến độ trong vòng thứ 7 của các cuộc đàm phán thương mại song phương. Ảnh: dpa

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn ngăn cản các công ty Trung Quốc có liên quan tới chính phủ chào bán cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán New York.

Trong vòng vài tháng, sau khi Trung Quốc công bố và thông qua luật an ninh quốc gia đối với khu tự trị Hồng Kông, chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh chiến lược gây áp lực liên tục với serie “đòn tấn công”, thể hiện qua tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông; ủng hộ các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở tuyến đường biển nhộn nhịp thứ hai thế giới, có giá trị thương mại 5,3 nghìn tỷ USD; ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông; phản đối bất kỳ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào; xây dựng cái gọi là “NATO châu Á” với Bộ tứ an ninh (Quad) gồm bốn quốc gia - Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao trào khi Mỹ quyết định đóng cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Houston, với cáo buộc Trung Quốc tiến hành “các hoạt động gián điệp và chiến dịch gây ảnh hưởng phi pháp trên khắp nước Mỹ, chống lại các quan chức và công dân Mỹ”. Đáp lại, Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa sứ quan Mỹ tại Thành Đô ngày 24/7.

Bản chất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những bất đồng khác bắt đầu kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, có thay đổi về cách tiếp cận với Trung Quốc cùng chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trỗi dậy mạnh mẽ trong suốt một thập kỷ qua trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự đến công nghệ. Kế hoạch “Made in China 2025” và đặc biệt là tư tưởng “Giấc mộng Trung Hoa”, với tham vọng giành vị trí số 1 trên trường quốc tế vào dịp kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước vào năm 2049, trở thành thách thức ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ kể từ sau thế chiến II, cạnh tranh mạnh mẽ với triết lý “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Xung đột và bất đồng giữa hai siêu cường đã tác động ghê gớm lên phần còn lại của thế giới, mà Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke ví von cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc giống như “khi hai con voi nhảy múa, khó có thể đứng bên ngoài mà không bị kéo vào”.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc gia tăng bởi tác nhân là đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung đang có xu hướng mở rộng về quy mô và gia tăng về cường độ, dẫn đến những đứt gãy trong quan hệ quốc tế, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thậm chí có thể làm phân ly thế giới thành hai cực, một bên nghiêng về Mỹ và phần còn lại đứng về Trung Quốc.

Thế giới tiếp tục trong vòng xoáy của xung đột, bạo lực và thù hận

Năm 2020 cũng là năm mà khi những cuộc nội chiến ở Syria và Libya và ở nhiều quốc gia châu Phi vẫn chưa tắt lửa, khi những chiến dịch bất tận của Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Somalia chưa thể kết thúc, thì những bất đồng mới vẫn tiếp tục nảy sinh, bùng phát ở nhiều khu vực, đẩy thế giới vào vòng xoáy của xung đột, bạo lực và thù hận.

Những âm ỉ trong tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập kỷ giữa Trung Quốc và Ấn Độ bất ngờ bùng phát mạnh mẽ trên dãy Hymalaya kể từ đầu năm 2020. Lực lượng bảo vệ biên giới hai cường quốc hàng đầu châu Á liên tục xảy ra đụng độ ở nhiều cấp độ. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào cuối tháng 5 khi Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ xây dựng một con đường ở thung lũng Galwan. Xung đột đẩy lên cao trào vào ngày 15 và 16 tháng 6 khi binh sĩ hai bên ẩu đả dẫn đến cái chết của 20 binh lính Ấn Độ và một số không xác định bên phía Trung Quốc. Cuộc giao tranh này đánh dấu mức độ nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia láng giềng sau bốn thập kỷ.

Một binh sĩ Trung Quốc (trái) và một binh sĩ Ấn Độ bên một hàng rào thép gai tạm thời được dỡ bỏ tại khu vực tranh chấp trên biên giới, sau cuộc họp giữa quan chức hai bên. Ảnh: AP

Hàng loạt động thái chuyển quân và phương tiện vũ khí lên khu vực biên giới tranh chấp của hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột ở quy mô lớn với dự cảm tồi tệ. Rất nhiều cuộc gặp giữa các quan chức hai bên đã được tổ chức sau đó và mọi thứ chỉ lắng xuống khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar hội đàm tại Moscow ngày 10/9, với thỏa thuận 5 điểm được ký kết, đảm bảo sự yên tĩnh được lập lại trên biên giới tranh chấp.

Nếu như Trung Quốc và Ấn Độ tránh được một cuộc đụng độ, thì Azerbaijan và các lực lượng quân sự của nước Cộng hòa Artsakh và Armenia lại rơi vào một cuộc chiến đẫm máu tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Cần biết, Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan được quốc tế công nhận nhưng do đa số người dân tộc Armenia quản lý và sinh sống.

Nguyên nhân của xung đột xuất phát từ lý do lịch sử để lại, mà chiến tranh Nagorno-Karabakh kết thúc bằng lệnh ngừng bắn nắm 1994, với việc Armenia kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, khiến bất đồng tồn tại dai dẳng. Trong ba thập kỷ, nhiều vụ vi phạm ngừng bắn đã xảy ra và ngày 27/9/2020 xung đột một lần nữa được thổi bùng khi các bên cáo buộc nã pháo về phía nhau.

Cuộc giao tranh này trở nên nguy hiểm khi nó có nguy cơ lôi kéo các bên vào cuộc, với Thổ Nhĩ Kỳ, bên công khai ủng hộ Azerbaijan và Nga, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Armenia. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác có thể tham dự ở nhiều mức độ khác nhau.

Một binh sĩ người Armenia bắn quả pháo trong một cuộc xung đột quân sự ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, ngày 5 tháng 10 năm 2020. Ảnh: Reuters

Quân đội Azerbaijan được trang bị vũ khí tốt hơn đã áp đảo trên chiến trường và giành được nhiều khu vực quan trọng tại Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, cả Arzerbaijan và Armenia phải trả giá bằng sinh mạng của 5 nghìn người với rất nhiều cơ sở bị tàn phá. Ba lệnh ngừng bắn được Nga, Mỹ và Nhóm Minks làm trung gian hòa giải đã bị phá vỡ trước khi Tổng thống Putin đạt được một thỏa thuận hòa bình mới vào ngày 9/11 với sự đồng thuận của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Nga đưa lực lượng giữ gìn hòa bình vào Nagorno-Karabakh ngày 10/11, qua đó tạm thời ngăn chặn được một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng có thể xảy ra nếu cuộc chiến giữa phía Azerbaijan và phía Armenia tiếp tục kéo dài. Nam Caucasus yên ắng trở lại, nhưng không có gì đảm bảo rằng khu vực này sẽ duy trì được sự ổn định khi mà những người dân Armenia kéo đến tòa nhà chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Armenia từ chức sau thỏa thuận hòa bình mà chính ông Nikol Pashinyan thừa nhận là “đau đớn không kể xiết”.

Đại dịch COVID-19: Cú sốc không tưởng

Xung đột, bạo lực, thù hận đẩy thế giới 2020 vào những vùng xoáy của máu và nước mắt. Nhưng, chừng đấy chưa phải là tất cả bi kịch với một năm 2020. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, những tin tức từ cái gọi là “virus lạ”, “viêm phổi lạ” từ Vũ Hán đã dấy lên rất nhiều lo ngại về một “đại dịch cúm Tây Ban Nha” thứ hai trong lịch sử loài người.

Nhưng thực tế, mọi sự dường như tồi tệ hơn dự đoán. “Viêm phổi lạ” từ Vũ Hán đã trở thành đại dịch COVID-19 và chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với tư cách là đại dịch nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề và thay đổi thế giới theo hướng tiêu cực nhất.

Sau khi WHO ghi nhận loại virus bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trở thành đại dịch vào ngày 11/03/2020, thế giới thay đổi gần như hoàn toàn. Mọi thói quen bị đảo lộn. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và hợp tác quốc tế bị đóng băng. Thế giới như ngừng lại để nhường chỗ cho COVID-19 vận hành thế giới, thông qua con số bệnh nhân lây nhiễm nhảy theo cấp số nhân trên các màn hình máy tính và những lệnh cấm, phong tỏa liên tục được gọi tên ở nhiều quốc gia.

Lời đầu tiên trong cuốn nhật ký của mình, nhiếp ảnh gia Javier Fergo người Tây Ban Nha viết rằng: “Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra tại Italia, tôi có cảm giác đang được sống trong thời khắc lịch sử. Những ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa ở nhà thật khó khăn. Tôi bất lực trong cơn thèm thuồng được ra ngoài để ghi lại những gì xảy ra”. Trong khi đó, phóng viên Judith Prat lại “không thể định vị mình trong vai trò mới của một công dân. Cách ly. Phong tỏa. Nghe thật lạ lẫm”.

Những công nhân người Brazil chôn cất những nạn nhân COVID-19 trên bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 11 tháng 6 năm 2020 - Ảnh: Reuters

COVID-19 không chừa một ai. Không bỏ sót quốc gia nào. Nó xâm nhập vào

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ ngày 16/11 cho biết, dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy ứng cử viên vắc xin của họ có hiệu quả 94,5%. Trước đó một tuần, hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer phối hợp với BioNTech ghi nhận kết quả thử nghiệm giai đoạn ba đối với vắc xin COVID-19 mà họ phát triển có hiệu quả hơn 90%.

mọi ngõ ngách, xuất hiện ở bất cứ chỗ nào có dấu chân con người, từ các đô thị đông đúc tới các vùng xa xôi, hẻo lánh. Cho đến ngày 18/11/2020, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,4 triệu người và hơn 55 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn cầu.

IMF chỉ ra rằng, COVID-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng của nó đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930. Không chỉ khiến GDP toàn cầu mất 5.000 tỷ USD, đại dịch còn đẩy lùi thế giới lại ít nhất 2 năm và cần tới ngần ấy năm để khôi phục hoàn toàn trước khi tăng trưởng trở lại.

Không những vậy, WHO dự báo, hậu quả của COVID-19 còn khiến những hoạt động cứu trợ, chương trình tiêm chủng ở nhiều quốc gia bị đình trệ, dẫn đến hàng chục triệu người trong đó có người già và trẻ em đối mặt với nguy cơ tử vong vì bệnh tật, nghèo đói và thiếu sự chăm sóc.

Ngân hàng thế giới World Bank cho biết, từ 88 triệu đến 115 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm 2020 và con số có thể tăng lên 111 triệu đến 150 triệu người vào cuối năm 2021, bởi những tác động của đại dịch.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger nói “đại dịch COVID-19 sẽ làm thay đổi trật tự thế giới” như lời tổng kết chính xác cho những gì đại dịch đã và đang diễn ra, khi mà con người đang phải dần làm quen với một cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.

Những thách thức và hứa hẹn vào sự thay đổi trong năm 2021

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật những thách thức đối với thế giới trong năm 2020 và có thể cả nhiều năm tiếp theo khi cuộc khủng hoảng kinh tế làm trầm trọng những mâu thuẫn xã hội, khắc sâu những bất đồng về chủng tộc, tôn giáo ở nhiều quốc gia.

Không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình đòi bình đẳng chủng tộc Black Lives Matter ở Mỹ, nhưng COVID-19 là nhân tố thổi bùng sự giận dữ về tình trạng phân biệt chủng tộc vốn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ, sau một thời gian đa số người dân Mỹ cảm thấy bức bối bởi các lệnh phong tỏa và hạn chế vì đại dịch. Sự kiện người đàn ông da đen George Floyd bị một cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết tại thành phố Minnesota chỉ là giọt nước làm tràn ly, châm ngòi cho hơn một tháng nước Mỹ chìm trong bạo loạn, rồi cướp bóc, đốt phá…

Quan trọng là làn sóng biểu tình ủng hộ Black Lives Matter đã lan rộng trên toàn nước Mỹ, rồi tới cả các quốc gia châu Âu, châu Á, Australia, Nam Mỹ, lặp lại những vụ đụng độ, đập phá ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên một thế giới hỗn loạn trong thời điểm tất cả vẫn đang quay cuồng trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch.

Những làn sóng biểu tình cho thấy không chỉ ở Mỹ, việc đòi hỏi về một xã hội công bằng, văn minh, quyền được sống hạnh phúc và tự do là mục đích để hướng tới. Khi vẫn còn những cái chết oan ức và những sinh mạng chưa được chăm sóc một cách công bằng, những cơn giận dữ như thế vẫn còn tiếp diễn.

Tuy chưa tạo ra một làn sóng tiêu cực mới, nhưng vụ việc thầy giáo người Pháp Samuel Paty bị chặt đầu vì cho học sinh xem tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed, sau đó là phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron rằng “nước Pháp sẽ không từ bỏ các bức tranh biếm họa” dẫn đến leo thang ngoại giao, cho thấy những lo ngại về cuộc xung đột tôn giáo vẫn còn diễn ra gay gắt và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ngày càng tỏ ra manh động.

Vụ tấn công tại nhà thờ Đức Bà ở Nice ngày 29/10 và rất nhiều vụ tấn công của những kẻ cực đoan trước đó tại Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ… là bằng chứng cho thấy rất nhiều thế lực đã mượn danh nghĩa tôn giáo để tổ chức những hành động khủng bố, gây bất ổn thế giới.

Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc (22/9), Tổng thư ký Antonio Gueterres kêu gọi các quốc gia cần hợp tác, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người. Hơn 180 nhà lãnh đạo các quốc gia trong lần đầu tiên họp trực tuyến, đã khẳng định cam kết và tin tưởng với chủ nghĩa đa phương mà LHQ là trung tâm; đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột…

Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng chia rẽ, những mưu đồ cạnh tranh ngày càng rõ rệt giữa các nước và chủ nghĩa đơn phương đang bộc lộ, những cam kết trên là tín hiệu để thế giới hướng về tương lai ngày càng tốt đẹp hơn.

Khi cuộc đua tìm kiếm vắc xin vẫn chưa kết thúc, nhưng sự lạc quan mạnh mẽ đã được thắp lên khi một số ứng viên vắc xin COVID-19 báo cáo những kết quả khả quan ở giai đoạn thử nghiệm cuối. Khẳng định rằng, vắc xin sẽ được sản xuất hàng loạt, con người sẽ ngăn chặn được đại dịch.

Khi mà người ta cảnh báo về một Trung Đông tiếp tục bất ổn với những cuộc chiến không dứt ở Syria, cách đó không xa là Libya, rồi những xung đột tiềm ẩn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, những thỏa thuận hòa bình như là cốc giọt nước mát lành đối với những cái đầu nóng. Các thỏa thuận giữa Armenia và Arzerbaijan, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giữa Israel và UAE cùng Bahrain… là cơ sở để tin vào những ngày hòa bình đang đến.

Những ngày giữa tháng 11/2020 là khoảng thời gian tươi đẹp, các Hội nghị ở hai lục đại Á - Âu như Diễn đàn Jeju vì Hòa bình và Thịnh vượng tại Hàn Quốc (5–7 tháng 11), Diễn đàn Hòa bình Paris (11–13 tháng 11) và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Đông Á (RCEP) vào ngày 15/11 là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương được ưu tiên. Đó là sự lựa chọn hợp lý để thế giới thúc đẩy hợp tác và đối phó với những thách thức toàn cầu.

Khi bài viết này lên khuôn, nước Mỹ vẫn chưa xác định được người chiến thắng trong cuộc đua bầu cử phân cực nhất lịch sử nước này. Nhưng bất kể Donald Trump hay Joe Biden sẽ là ông chủ Nhà Trắng tiếp theo, nước Mỹ của năm 2021 sẽ vẫn hướng tới một mục tiêu cao cả mà nhân loại hướng tới là hòa bình và thịnh vượng.

Năm 2020 đã khép lại. Một năm mới sắp mở ra và còn gì có thể vui hơn khi người ta mở lòng để đón lấy vận hội mới. Dẫu biết rằng, thách thức và nguy cơ sẽ luôn song hành, nhưng một mùa Đông ảm đạm đã qua đi, những tia nắng mùa Xuân như gợi mở và hứa hẹn cho một thế giới mới tươi sáng hơn.

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-2020--nam-cua-nhung-bat-on-va-thach-thuc-post111446.html