THẾ GIỚI 24H: Kế hoạch kiểm soát Dải Gaza của Tổng thống Mỹ Trump gây phản ứng dữ dội
Ngày 5/2, theo tờ Politico, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza sau khi di dời người Palestine đến nơi khác, phá vỡ chính sách hàng thập kỷ của Mỹ về xung đột Israel - Palestine và châm ngòi làn sóng chỉ trích.
Nhiều nước trong khu vực cho rằng kế hoạch của ông Trump không chỉ làm thay đổi hiện trạng Dải Gaza mà còn có thể ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Việc Mỹ kiểm soát trực tiếp Dải Gaza sẽ đi ngược lại chính sách lâu nay của Washington và đối với phần lớn cộng đồng quốc tế, vốn cho rằng Dải Gaza sẽ là một phần của nhà nước Palestine trong tương lai. Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein al-Sheikh cho biết PLO bác bỏ mọi lời kêu gọi di dời người Palestine khỏi quê hương của họ. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Ai Cập, Jordan, Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và một quan chức cấp cao của Palestine gửi thư chung tới Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhằm phản đối ý tưởng di dời người Palestine khỏi Dải Gaza. Nhiều nước khác nhắc lại sự ủng hộ dành cho giải pháp hai nhà nước cho Palestine và Israel.
Nga và Ukraine trao đổi tù binh. Ngày 5/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Nga và Ukraine đã tiến hành trao đổi tù binh theo công thức 150 đổi 150. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, 150 quân nhân Nga đã được phía Ukraine trao trả. Đổi lại, Nga cũng đã bàn giao 150 tù binh thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine. Hiện tại, toàn bộ quân nhân Nga được trao trả đều đang có mặt tại Belarus. Tại đây, họ nhận được sự hỗ trợ về y tế và tâm lý cần thiết. Ngoài ra, các binh sĩ Nga cũng được tạo điều kiện để liên lạc với gia đình.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thừa nhận điều động quân đội vì nghi ngờ gian lận bầu cử. Tòa Hiến pháp Hàn Quốc vừa tổ chức phiên điều trần thứ 5 liên quan vụ luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol. Tại phiên tòa, Tổng thống Yoon Suk-yeol thừa nhận điều động quân đội vì nghi ngờ gian lận bầu cử. Cụ thể, ông Yoon thừa nhận đã yêu cầu triển khai quân đội đến các văn phòng của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) trong thời gian ban bố thiết quân luật vì nghi ngờ có gian lận bầu cử chứ không phải bắt các nhà lập pháp như cáo buộc.
Ukraine thành lập các đơn vị xe tự hành trên tiền tuyến. Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov ngày 5/2 thông báo nước này sẽ thành lập các đơn vị xe tự hành (AGV) để triển khai trên tiền tuyến, trong bối cảnh Kiev và Mátxcơva đang nỗ lực giành lợi thế công nghệ sau gần 3 năm giao tranh ác liệt. Thông báo nêu rõ: “Bộ Quốc phòng Ukraine đang triển khai dự án, theo đó sẽ mở rộng quy mô sử dụng các hệ thống mặt đất không người lái trong quân đội.” Theo thông báo, dự án này dựa trên các thử nghiệm được tiến hành với sự hợp tác của binh sỹ từ mùa Hè năm 2024.
Nổ súng tại một trường học ở Thụy Điển khiến nhiều người bị thương. Nhiều người đã bị thương sau khi một tay súng nổ súng tại một khuôn viên trường trung học Campus Risbergska ở thành phố Örebro, miền trung Thụy Điển. Vụ nổ súng xảy ra tại trường dành cho người lớn Risbergska, trong khuôn viên có cả trường dành cho trẻ em. Cảnh sát Thụy Điển xác nhận đã có khoảng 10 người thiệt mạng trong vụ xả súng, gồm cả nghi phạm tấn công. Đây là vụ tấn công trường học đẫm máu nhất trong lịch sử Thụy Điển.
Iran khẳng định chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ sẽ thất bại. Tuyên bố với báo giới sau cuộc họp Chính phủ tại thủ đô Tehran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tin rằng chính sách gây áp lực tối đa với Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định tái triển khai, sẽ lại một lần nữa đối mặt với thất bại, tương tự như trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây của ông Donald Trump. Cũng trong tuyên bố, Ngoại trưởng Iran một lần nữa khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự và Tehran hoàn toàn không theo đuổi sở hữu vũ khí hạt nhân như cáo buộc của phương Tây.
5.000 hộ gia đình Palestine đã di dời khỏi các trại tị nạn ở Bờ Tây. Chính quyền Palestine (PA) cho biết ít nhất 5.000 hộ gia đình người Palestine ở phía Bắc Bờ Tây đã di dời khỏi các trại tị nạn Jenin và Tulkarm trong 2 tuần qua. Thông báo được đưa ra trong cuộc họp tại Ramallah do Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa chủ trì. Thông báo cho biết các bên đang tiến hành thảo luận về các biện pháp tăng cường nỗ lực chung nhằm gia tăng hoạt động cứu trợ ở phía Bắc Bờ Tây.
Đức sẵn sàng điều quân tới Greenland. Tờ Der Spiegel đưa tin các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện của NATO tại Greenland nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Đan Mạch. Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Quốc hội Đức, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triển khai binh sĩ tới Đan Mạch. Theo bà, động thái này sẽ báo hiệu với Mỹ rằng họ không thể tuyên bố độc quyền đối với Greenland. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ mong muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch, khi ông xem đây là vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân hòa bình có thể xác thực với Iran. Trên mạng xã hội TruthSocial, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn Iran trở thành một quốc gia vĩ đại và thành công, nhưng không được sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Donald Trump, các bản tin cho rằng Mỹ hợp tác với Israel để thổi bay Iran thành từng mảnh là quá phóng đại. Ông Donald Trump cho biết muốn một thỏa thuận hạt nhân hòa bình có thể xác thực với Iran vì điều này sẽ giúp Iran phát triển và thịnh vượng một cách hòa bình. Ông kêu gọi bắt tay vào thực hiện ngay lập tức và tổ chức ăn mừng lớn ở Trung Đông khi thỏa thuận được ký kết và hoàn tất.