Thế giới 24h: Mỹ trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/2 đã ký sắc lệnh hành pháp trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì tòa án đã 'tham gia vào các hành động bất hợp pháp và vô căn cứ' nhằm vào Mỹ và đồng minh Israel.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_296_51415455/f1698b69b3275a790336.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Mỹ trừng phạt ICC
Sắc lệnh nêu rõ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt gồm đóng băng mọi tài sản tại Mỹ và cấm nhập cảnh đối với những cá nhân tham gia các cuộc điều tra của ICC về công dân Mỹ hoặc các đồng minh của nước này, chẳng hạn như Israel. Sắc lệnh cũng áp dụng biện pháp trừng phạt đối với người thân của những cá nhân đó.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng ICC đã "lạm dụng quyền lực" bằng cách ban hành lệnh bắt giữ vô căn cứ nhằm vào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Sắc lệnh vừa được ông Trump ký nhấn mạnh: "ICC không có thẩm quyền đối với Mỹ hoặc Israel vì cả hai quốc gia đều không tham gia Quy chế Rome hoặc là thành viên của ICC".
Nga tuyên bố chặn cuộc phản công của Ukraine ở vùng Kursk
Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/2 thông báo quân đội nước này đã chặn cuộc phản công bằng hàng chục thiết giáp và xe cơ giới của Ukraine tại vùng Kursk.
"Ukraine sáng 6/2 mở đợt phản công về hướng khu dân cư Cherkasskaya Konopelka và Ulanok ở Kursk. Đối phương huy động hai tiểu đoàn cơ giới với hàng loạt xe tăng và thiết giáp", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, nhấn mạnh lực lượng phòng thủ Nga đã phối hợp cùng không quân đối phó.
“Chiều cùng ngày, Nga đã đẩy lùi các đợt tiến công của Ukraine. Kiev chưa kiểm soát bất cứ khu vực nào thuộc hai khu dân cư nói trên", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy 6 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh, 14 xe bọc thép trong cuộc phản công bất thành của Ukraine.
Video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải cho thấy máy bay không người lái (UAV) tập kích các phương tiện bọc thép của Ukraine. Kiev hiện chưa lên tiếng bình luận.
Panama phủ nhận cho tàu chiến Mỹ qua kênh đào miễn phí
Panama gọi thông tin tàu chiến Mỹ được phép đi qua kênh đào miễn phí là "những tuyên bố sai lệch" từ Washington và điều này không thể chấp nhận được.
"Tôi bác bỏ hoàn toàn thông tin này”, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nói, nhấn mạnh ông hoàn toàn bất ngờ khi Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập thông tin này. Phía Panama đã yêu cầu đại sứ Mỹ tại Panama làm rõ vấn đề. Ông mô tả tuyên bố của Washington là "không thể chấp nhận được" và phản đối hoàn toàn "quan hệ song phương dựa trên những lời dối trá".
Cơ quan quản lý kênh đào Panama khẳng định "không thực hiện bất kỳ thay đổi nào" liên quan đến chi phí đối với tàu chiến Mỹ, nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề này.
Mỹ sa thải gần 10.000 nhân viên USAID
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ sa thải hầu hết nhân sự của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tờ New York Times (NYT) dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Kế hoạch cải tổ USAID sẽ giảm 10.000 nhân sự của cơ quan trên toàn thế giới xuống còn 290 người, nguồn tin tiết lộ. Trước đó, chính quyền ông Trump cho biết tất cả các nhân viên USAID sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời, bắt đầu từ ngày 7/2.
Chính quyền ông Trump cũng tuyên bố sẽ hủy khoảng 800 hợp đồng và dự án do USAID quản lý. Các nguồn tin cho biết, 290 nhân viên được giữ lại có chuyên môn về y tế và hỗ trợ nhân đạo.
USAID đã cung cấp sứ mệnh hỗ trợ đáng kể cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Ukraine. Kể từ năm 2022, cơ quan đã hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine 2,6 tỷ USD, 5 tỷ USD hỗ trợ phát triển và 30 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp.