Thế giới 24h: Trung Quốc lên tiếng việc ông Trump muốn lấy lại kênh đào Panama

Trung Quốc ngày 22/1 tuyên bố nước này không bao giờ can thiệp vào hoạt động của Kênh đào Panama trước những cảnh báo của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ có thể lấy lại kênh đào chiến lược.

Kênh đào Panama có vị thế chiến lược quan trọng, kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Ảnh: Pancanal.com

Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào Kênh đào Panama

“Trung Quốc không tham gia quản lý hay chi phối hoạt động của Kênh đào Panama”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nói với các phóng viên hôm 22/1.

Mặc dù không đề cập trực tiếp tới tuyên bố của ông Trump về khả năng Mỹ lấy lại kênh đào chiến lược, bà Mao ủng hộ lập trường của Panama, rằng kênh đào thuộc quyền sở hữu của nước này.

Bà Mao khẳng định Trung Quốc “công nhận chủ quyền của Panama đối với kênh đào và coi đây là tuyến đường thủy quốc tế có tính trung lập vĩnh viễn”, theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency.

Tháng trước, ông Trump nói Mỹ cần phải lấy lại Kênh đào Panama vì chi phí “cắt cổ” mà Panama áp đặt với tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào. Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc đang ngày càng chi phối hoạt động của kênh đào nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Trong tuyên bố đáp trả ông Trump, Tổng thống Panama Jose Mulino nói: “Tôi khẳng định Trung Quốc không tham gia hay chi phối bất kỳ điều gì liên quan tới Kênh đào Panama”.

Ông Trump muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine trong 100 ngày

Theo báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức đã chỉ đạo đặc phái viên Keith Kellogg tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine trong 100 ngày.

Động thái này thể hiện mong muốn của ông Trump trong việc Mỹ trực tiếp thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, hướng đến việc hiện thực hóa cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, tiến trình đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể phức tạp hơn so với dự tính ban đầu. Theo WSJ, ông Kellogg có thể gặp khó khăn trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán chi tiết với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định Moscow sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Mỹ để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Putin cũng ngỏ ý sẵn sàng gặp ông Trump.

Theo giới quan sát, mục tiêu chấm dứt xung đột ở Ukraine trong 100 ngày của ông Trump được đánh giá là một thách thức không nhỏ. Ông Trump trước đây nói muốn chấm dứt xung đột trong 24 giờ sau khi nhậm chức nhưng đã thay đổi mốc thời gian vì tính chất phức tạp của thỏa thuận.

Khảo sát: 1/5 người dân Ukraine muốn rời khỏi quốc gia

Nếu Ukraine không phong tỏa biên giới vì lệnh thiết quân luật, ước tính khoảng 21% dân số nước này sẵn sàng rời khỏi quốc gia, một cuộc khảo sát mới đây cho biết, theo tờ Kyiv Independent.

Theo khảo sát, người trưởng thành và thanh thiếu niên thuộc nhóm muốn rời khỏi Ukraine nhiều nhất với tỉ lệ lần lượt 25% và 33%. Chỉ 9% người hơn 60 tuổi nói sẵn sàng ra nước ngoài sinh sống.

Động lực để người Ukraine muốn ra nước ngoài sinh sống bao gồm cơ hội phát triển (30,5%), tránh hậu quả xung đột (29%), thiếu sự hỗ trợ của nhà nước (29%), đoàn tụ với người thân (26%), theo khảo sát.

Khảo sát được thực hiện từ ngày 29/11 – 14/12/2024, diễn ra theo hình thức phỏng vấn trực tiếp với 1.518 người tham gia ở các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Hiện có khoảng 4,2 triệu người sinh sống ở châu Âu với tư cách là người tị nạn. Phần lớn sống ở Đức và Ba Lan.

Ông Trump cho phép bắt dân nhập cư lậu trong trường học, nhà thờ, bệnh viện

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức đã ký sắc lệnh mở rộng thẩm quyền của các nhân viên di trú và nhân viên thực thi pháp luật, cho phép bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp tại các địa điểm trước đây bị hạn chế như trường học, nhà thờ và bệnh viện.

"Tội phạm nhập cư sẽ không thể trốn trong các nhà thờ và trường học ở Mỹ để tránh bị bắt nữa", một phát ngôn viên của Bộ An ninh nội địa tuyên bố.

Trước đây, các nhân viên di trú và cảnh sát Mỹ không được phép bắt người nhập cư bất hợp pháp tại một số địa điểm nhất định nhằm đảm bảo người nhập cư có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu mà không lo việc bị bắt.

Ông trùm biên giới Tom Homan do ông Trump bổ nhiệm đầu tuần này tuyên bố các cuộc truy quét người nhập cư bất hợp pháp đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tích cực làm việc với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để tiếp nhận công dân cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Số công dân Ấn Độ nằm trong diện bị trục xuất ở Mỹ ước tính lên tới 18.000.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/the-gioi-24h-trung-quoc-len-tieng-viec-ong-trump-muon-lay-lai-kenh-dao-panama-204252301065603148.htm