Thế giới 24h: Tuyên bố của Moscow sau khi Mỹ trừng phạt toàn diện ngành năng lượng Nga

Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/12 phản ứng sau khi Mỹ áp trừng phạt toàn diện ngành năng lượng Nga, theo hãng thông tấn TASS.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh minh họa. Reuters.

Mỹ áp lệnh trừng phạt toàn diện ngành năng lượng, Nga tuyên bố không bỏ qua

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích quyết định của Mỹ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga, bao gồm một số công ty lớn, cùng với lệnh trừng phạt cá nhân nhắm vào lãnh đạo các doanh nghiệp này và quan chức Bộ Năng lượng Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây là "nỗ lực nhằm gây tổn hại nền kinh tế Nga, ngay cả khi điều đó phải đánh đổi bằng việc làm bất ổn thị trường toàn cầu trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc.

"Tất nhiên, các hành động thù địch của Washington sẽ không bị bỏ qua" Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh. "Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các dự án quan trọng về khai thác dầu khí, thay thế nhập khẩu, cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu mỏ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia thứ ba”.

Đan Mạch nhượng bộ ông Trump, ngỏ ý cho Mỹ tăng hiện diện quân sự trên đảo Greenland

Đan Mạch đã gửi thông điệp tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng nước này sẵn sàng thảo luận về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đảo Greenland, tờ Axios đưa tin.

Theo nguồn tin, Đan Mạch "bày tỏ mong muốn thảo luận về việc tăng cường an ninh đảo Greenland hoặc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo". Đan Mạch kì vọng đây sẽ là giải pháp giúp giải quyết mối lo ngại về an ninh của ông Trump mà Mỹ không cần mua lại hòn đảo.

Tờ Axios dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu, rằng Đan Mạch được coi là "một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu và không ai có thể tưởng tượng nếu đây là quốc gia đầu tiên ông Trump gây sức ép trong nhiệm kỳ mới”.

Mỹ hiện có một căn cứ quân sự trên đảo Greenland theo thỏa thuận đạt được với Đan Mạch sau Thế chiến 2.

Thủ tướng Slovakia chỉ trích ông Zelensky "tống tiền" các nhà lãnh đạo châu Âu

Thủ tướng Slovakia Robert Fico gọi Ukraine là đối tác không đáng tin cậy và cáo buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky “tống tiền” các nhà lãnh đạo châu Âu để nhận được hỗ trợ trong xung đột với Nga.

“Ông Zelensky đi khắp châu Âu, cầu xin và thậm chí là tống tiền các nhà lãnh đạo châu lục. Điều này cần phải chấm dứt”, ông Fico nói.

Ông Fico cũng cho biết, Nga và Azerbaijan đang xây dựng cơ chế để cung cấp khí đốt cho Slovakia. Theo ông Fico, ông Zelensky đã tìm cách cản trở giải pháp này để ngăn Slovakia tiếp tục mua khí đốt Nga.

“Tôi đã chán ngấy ông Zelensky rồi. Ông ấy là người không đáng tin cậy”, ông Fico cho biết.

Nghi vấn máy bay Jeju Air có thể mất điện hoàn toàn trước thảm kịch

Cả hai động cơ hỏng dẫn đến mất điện hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến hai hộp đen trên máy bay Jeju Air chở 179 người không ghi được dữ liệu trước khi thảm kịch xảy ra khoảng 4 phút.

Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) hôm 11/12 cho biết hai hộp đen không ghi được bất kỳ dữ liệu nào kể từ khi cơ trưởng phát tín hiệu khẩn cấp đến lúc máy bay vỡ tan do va chạm trên mặt đất.

Một số chuyên gia hàng không Hàn Quốc nhận định hệ thống điện bị ngắt hoàn toàn có thể là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn quá trình ghi dữ liệu của hai hộp đen. Đây được coi là tình huống cực kỳ hiếm gặp và có thể lý giải vì sao phi công lại quyết định hạ cánh máy bay càng sớm càng tốt.

"Hộp đen máy bay thường chỉ ngừng hoạt động nếu nguồn điện bị ngắt. Cả hai hộp đen đồng loạt tê liệt cho thấy khả năng đây là sự cố hệ thống điện. Phi công dường như không kịp kích hoạt hệ thống phát điện dự phòng", Jeong Yun-sik, giáo sư ngành quản lý hàng không tại Đại học Công giáo Kwandong, nói.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/the-gioi-24h-204251201073102589.htm