Thế giới bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng xâm hại tình dục thế nào?
Ngày nay, ở hầu hết các nước trên thế giới trẻ em luôn lọt vào 'tầm ngắm' của hàng loạt các vụ xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Trong khi đó, trẻ em lại không thể tự bảo vệ được mình và càng không đủ can đảm để tố cáo hành vi đồi bại đó vì nhiều lý do: lo sợ, đe dọa hoặc không ai tin lời tố cáo… Vậy các nước trên thế giới đã làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại.
Trẻ em nghèo châu Á có nguy cơ bị xâm hại tình dục trực tuyến
Theo thông tin trên báo Dân trí, cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA), cảnh báo hàng chục nghìn công dân Anh có thể là mối đe dọa tới các trẻ em ở các quốc gia châu Á nghèo. Những người này được cho là nhắm tới các đối tượng “dễ tổn thương”, lợi dụng để thu thập hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy của các trẻ em nhằm buôn bán và trục lợi.
NCA cho biết, Philippines dường như đã trở thành trung tâm của các hoạt động buôn bán hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em và các đoạn video phát sóng trực tuyến lạm dụng trẻ em tới những người mua ngoại quốc. Ngoài Manila, NCA còn đề cập tới các nước Kenya, Campuchia, Thái Lan…
“Trẻ em ở các nước đang phát triển đang phải đối diện với những mối đe dọa ngày càng gia tăng do những quốc gia này chưa đủ khả năng để cung cấp các biện pháp bảo vệ trẻ em có thể bắt kịp tới tốc độ phát triển của khoa học công nghệ”, ông Rob Evans, một chuyên gia về chống xâm hại trẻ em trực tuyến của NCA, cho biết.
“Chúng tôi ước tính có khoảng 80.000 người Anh là mối đe dọa tới trẻ em trên mạng Internet. Chúng tôi quan ngại rằng những đối tượng này có thể lợi dụng công nghệ để trục lợi bằng việc vi phạm quyền trẻ em”, ông Evan nói.
Chuyên gia này cho biết dù chưa có thống kê chính xác về số lượng trẻ em có thể trở thành nạn nhân, nhưng ông nhấn mạnh rằng những mối nguy hiểm từ các đối tượng xâm hại tình dục trực tuyến ở Mỹ, Canada, hay châu Âu vẫn đang tồn tại.
Mỹ trừng trị “yêu râu xanh” thế nào?
Ở Mỹ, có gần 30 tổ chức của chính phủ về bảo vệ quyền lợi trẻ em. Trong đó có hơn 10 tổ chức bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại tình dục với đường dây nóng hoạt động 24/24. Có thể kể đến tổ chức Giúp đỡ trẻ em, Liên hiệp Sức khỏe trẻ em Mỹ, Cổng thông tin Sức khỏe trẻ em...
Theo thông tin trên VNE, pháp luật Mỹ mạnh tay đối với những tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Trước kia, ở một số bang như Louisiana, Oklahoma, Texas..., những người bị kết án hiếp dâm trẻ em và tái phạm nhiều lần sẽ phải đối diện với án tử hình.
Ngoài hình thức phạt tiền và phạt tù, người bị kết án còn phải chịu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý địa phương. Thông tin về những người có tiền án cũng được công khai trên các trang mạng của chính quyền địa phương cho người dân tiện tra cứu.
Theo Novilaw, pháp luật Mỹ chia tội phạm xâm hại tình dục làm 4 cấp độ:
- Cấp độ I: Hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi và người phạm tội là giáo viên của trẻ sẽ bị phạt tới tù chung thân, người phạm tội phải đeo thiết bị giám sát GPS suốt đời.
- Cấp độ II: Dâm ô trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất cho tội này là 15 năm tù. Người phạm tội cũng phải đeo thiết bị giám sát GPS.
Dâm ô được định nghĩa trong luật Mỹ là “sự động chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác”.
- Cấp độ III: Hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
- Cấp độ IV: Người phạm tội hơn nạn nhân từ 5 tuổi trở lên và có hành vi dâm ô với trẻ em từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất cho cấp độ này là 2 năm tù.
Quy định của Nhật Bản
Tại Nhật Bản, khung hình phạt dành cho tội phạm xâm hại tình dục theo hướng tăng nặng hình phạt. Theo đó, điều 177 Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định người có hành vi hiếp dâm bé gái dưới 13 tuổi sẽ bị phạt tù từ năm năm trở lên (không quy định mức trần).
Với hành vi dâm ô trẻ em, điều 176 quy định người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 10 năm. Ngoài ra, công tố viên còn được phép truy tố người phạm tội kể cả khi nạn nhân không tố cáo.
Trẻ em ở Anh được bảo vệ khỏi tình trạng xâm hại tình dục thế nào?
Theo thông tin trên Zing, tại Anh, trẻ em và gia đình của trẻ em bị xâm hại được khuyến khích liên hệ ngay lập tức với các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em như Hiệp hội quốc gia dành cho trẻ em bị xâm hại, Cộng đồng Bảo vệ trẻ em quốc gia... để được trợ giúp, tránh xảy ra tình trạng giấu diếm hoặc bao che cho kẻ xâm hại.
Nhiều tổ chức khác chuyên về điều trị tâm lý và thể xác cho trẻ em bị xâm hại. Điển hình như Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ - tổ chức bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa - chuyên về hỗ trợ các gia đình có con cái bị xâm hại tìm đến sự trợ giúp về y tế.
Ngoài trẻ em và gia đình, đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em hoặc có ý định lạm dụng tình dục trẻ em cũng được quan tâm hỗ trợ để ngăn chặn hành vi phạm tội.
Tổ chức Stop It Now (Anh) cung cấp đường dây nóng dành cho người có ý nghĩ tình dục đối với trẻ em, có ý định lạm dụng tình dục trẻ em, thường xem hình ảnh đồi trụy hoặc đã từng lạm dụng tình dục trẻ em. Đường dây này đảm bảo tính tuyệt mật đối với người cần sự hỗ trợ.
Tại nhiều quốc gia phát triển như Canada, Đức, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ họ khuyến khích các trường học giáo dục trẻ về xâm hại tình dục bằng nhiều hình thức như thông qua phim ảnh, trò chơi hoặc bài hát.