Thế giới bình thường của nhà văn khác thường Lộ Dao
Bộ phim truyền hình nhiều tập Thế giới bình thường của Trung Quốc từng làm say mê khán giả Việt Nam bởi bức tranh nông thôn gần gũi, sống động với những hỉ nộ ái nộ chẳng khác nông thôn nước ta một thời từ cơ chế HTX nông nghiệp chuyển sang khoán hộ gia đình.
Ít ai biết rằng, bộ phim này được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết đồ sộ cùng tên của nhà văn danh tiếng Lộ Dao, được Hội Nhà văn Trung Quốc trao Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn danh giá. Đặc biệt, vì cố gắng hoàn thành tác phẩm này trong cơn bạo bệnh mà nhà văn đi lên từ nông thôn nghèo khó đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 42 như một người “tử vì đạo” văn chương.
* Sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết
Từ lâu, bộ tiểu thuyết 3 tập Thế giới bình thường của nhà văn Lộ Dao đã được chuyển ngữ xuất bản bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài. Với sự ký kết hợp tác giữa NXB Hội Nhà văn và Tập đoàn Xuất bản Bắc Kinh, sắp tới bạn đọc Việt Nam sẽ được đọc tác phẩm nổi tiếng này của Trung Quốc dự định phát hành trong quý I-2024. Những người từng yêu thích bộ phim Thế giới bình thường có dịp thưởng thức tác phẩm này bằng con chữ của nhà văn lừng danh Lộ Dao tài hoa mệnh bạc.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, việc ký kết xuất bản bộ tiểu thuyết 3 tập Thế giới bình thường của nhà văn Lộ Dao nằm trong chiến lược giao lưu, quảng bá văn hóa và văn học giữa hai nước láng giềng Việt - Trung. Đây là bộ tiểu thuyết giá trị viết về sự chuyển động của nông thôn Trung Quốc một thời có nhiều nét tương đồng với nông thôn Việt Nam. Hy vọng bộ sách đầy tính nhân văn này sẽ mang đến những trải nghiệm đặc biệt khác lạ mà gần gũi cho người đọc Việt Nam, thúc đẩy những nhận thức chung, tăng cường hợp tác giao lưu văn học giữa hai nước láng giềng.
Đến nay, hơn 30 năm sau khi nhà văn Lộ Dao qua đời, đất nước Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ, nhưng các thế hệ bạn đọc, nhất là giới trẻ vẫn tìm đọc say mê Thế giới bình thường nhưng… không bình thường vì nhiều lẽ, thậm chí họ còn coi bộ tiểu thuyết này là tác phẩm văn học gây ảnh hưởng lớn nhất tới đời sống của mình để vượt lên số phận. Ngoài 25 triệu cuốn sách đã xuất bản ở Trung Quốc, bộ tiểu thuyết này còn được dịch xuất bản ở hàng chục nước khác. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Thế giới bình thường vẫn còn tiếp tục thu hút bạn đọc Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Bằng tài năng của một nhà tiểu thuyết bẩm sinh, Lộ Dao đã xây dựng, phát triển các tuyến nhân vật vừa thực tế, vừa điển hình trong sự chuyển động mang tính quy luật tâm lý, nhận thức trước những biến động thời cuộc và mặt trái của xã hội. Đó là các nhân vật Tôn Thiếu An, Tôn Thiếu Bình, Tôn Lan Hương sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo khó, do hoàn cảnh khách quan lẫn sự chủ quan mà mỗi người tự vượt lên số phận mở ra những con đường khác nhau cho cuộc đời mình từ lúc còn trẻ.
Tôn Thiếu An gắn bó mưu sinh làm giàu ở làng quê. Tôn Thiếu Bình khát khao hiểu biết, sẵn sàng dấn thân để học hỏi, thoát ly nông thôn trở thành công nhân mỏ. Nhờ sự lao động vất vả dành dụm nuôi nấng của 2 anh trai Tôn Thiếu An và Tôn Thiếu Bình mà cô em gái Tôn Lan Hương học hành đỗ đạt trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc. Chính tình yêu thương đùm bọc lấy nhau, không ngại khó khăn thử thách đã giúp những người trẻ yêu lao động và đầy hoài bão khát vọng từ nông thôn vượt qua nghịch cảnh để hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Mặc dù Lộ Dao chỉ xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết nhưng ảnh hưởng của chúng đã khiến ông trở thành một tác giả được đông đảo bạn đọc ái mộ và được kính trọng trong nền văn học Trung Quốc hiện đại. Năm 2017, một cuốn sách tiểu sử văn học về cuộc đời và sự nghiệp của Lộ Dao được xuất bản, trở thành cuốn tiểu sử văn học đầu tiên ở Trung Quốc nhằm vinh danh một con người đi lên từ nghèo khó, một văn tài đầy trách nhiệm với bạn đọc đã “tử vì đạo” văn chương.
* Cây bút đầy trách nhiệm
Tên thật Vương Vệ Quốc, sinh ngày 3-12-1949, Lộ Dao là con của gia đình nông dân nghèo ở H.Thanh Giản, tỉnh Thiểm Tây. Vì hoàn
cảnh gia đình quá khó khăn nên mới 7 tuổi, cậu bé họ Vương phải chuyển đến làm con nuôi trong nhà bác trai ở vùng nông thôn H.Diên Xuyên. Vừa phụ giúp làm ruộng vườn, vừa đi học, rồi lớn lên dạy thêm cho một trường tiểu học, đến năm 1973, ông vào học Khoa Văn Trường đại học Diên An. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm biên tập viên cho Tạp chí Văn nghệ Thiểm Tây.
Bắt đầu sáng tác văn học từ thời sinh viên, nhưng Lộ Dao mãi tới năm 1980 mới lần đầu chính thức công bố tác phẩm. Đó là truyện Một màn kinh thiên động địa và lập tức nhận được giải thưởng truyện vừa xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất. Đến năm 1982, ông lại công bố truyện vừa Cuộc sống, nhanh chóng được chuyển thể thành phim điện ảnh 2 năm sau và gây chấn động dư luận. Tên tuổi Lộ Dao được cả Trung Quốc biết đến.
Nguồn cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm của Lộ Dao chính là cuộc sống nông thôn vừa êm đềm, vừa phức tạp với những tệ nạn từ những người có thẩm quyền làng xã, nhất là hình ảnh, tâm lý, khát vọng, lý tưởng, tình cảm, quan hệ của những người trẻ với nhau qua những câu chuyện tinh tế, sinh động mà bản thân tác giả đã trải nghiệm. Qua trang viết không khoan nhượng của Lộ Dao hiện lên bức tranh nông thôn sống động nhiều sắc màu nhưng cũng đầy đớn đau một thời của Thiểm Tây mà cũng là Trung Quốc thu nhỏ trong một ngôi làng.
Tiếp tục mạch nguồn cảm hứng đề tài nông thôn, nhà văn Lộ Dao viết bộ tiểu thuyết Thế giới bình thường gồm 3 tập, mỗi tập khoảng 400 trang, được Hội Nhà văn Trung Quốc trao Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 3 vào năm 1991. Tiểu thuyết Thế giới bình thường là bức tranh chuyển động toàn cảnh về nông thôn Trung Quốc từ thời ruộng đất HTX tập thể đến thời khoán hộ gia đình, với hệ thống nhân vật phong phú và phức hợp từ già tới trẻ, từ trai đến gái, mưu sinh bằng những ngành nghề khác nhau, vận động phát triển từ cá nhân đến toàn xã hội. Một bức tranh bằng chữ đầy thuyết phục được dựng bằng một tài năng lớn nhiệt huyết của nền văn học Trung Quốc hiện đại.
Tiểu thuyết Thế giới bình thường được nhà văn Lộ Dao trình làng trước 2 tập vào năm 1986. Con chữ như vắt kiệt sức làm ông ngã bệnh. Theo kế hoạch, ông sẽ viết tiếp tập 3, nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Bấy giờ, nhà văn Lộ Dao mới thảng thốt rằng, sức khỏe mình không còn giống như chiếc lò xo bị mất tính đàn hồi thông thường nữa, mà dường như đã bị đứt hẳn và cũng là lần đầu ông suy nghĩ nghiêm túc khi cảm thấy bàn tay thần chết đang vươn về phía mình. Thế nhưng, may mắn nhờ bài thuốc thảo mộc của một bác sĩ Trung y ở Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây mà sức khỏe nhà văn Lộ Dao được hồi phục một phần.
Mặc dù bác sĩ yêu cầu nhà văn Lộ Dao phải hoàn toàn gác lại công việc để nghỉ ngơi cho hồi sức nhưng ông không thể nào cưỡng lại niềm cảm hứng sáng tác và trách nhiệm với bạn đọc để hoàn thành trọn vẹn bộ tiểu thuyết Thế giới bình thường. Đau đớn thay, nhà văn đã lựa chọn liều chết để chạy đua với thời gian như lời ông mãi còn âm vang: “Làm việc cật lực, đốt cháy hết mình như đất mẹ”.
Một thời gian sau khi tập 3 tiểu thuyết được xuất bản năm 1991, nhà văn Lộ Dao đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17-11-1992. Sự ra đi của ông cũng gây chấn động cả Trung Quốc lẫn thế giới văn học như mỗi khi ông trình làng tác phẩm mới.