Thế giới ca ngợi chiến thắng 30-4: Nguồn cảm hứng và động lực cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam

50 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng 30-4-1975 vẫn mãi là mốc son chói lọi được bạn bè quốc tế ca ngợi, trở thành nguồn cảm hứng và động lực to lớn cho thành công và sự phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam.

Diễu hành mừng Chiến thắng 30-4 trên đường phố Thủ đô Paris, ngày 1-5-1975

Diễu hành mừng Chiến thắng 30-4 trên đường phố Thủ đô Paris, ngày 1-5-1975

Sự tiếp nối xứng đáng của Chiến thắng 30-4

Nói về Chiến thắng 30-4-1975, Tiến sĩ G. Weerasinghe, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka, cho rằng chiến thắng này là nguồn sức mạnh cho Việt Nam phát triển. Ông cho rằng kể từ đó tới nay, Việt Nam đã có những bước tiến to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang theo đuổi con đường phát triển có chủ quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp hóa với các ngành kinh tế nông nghiệp và dịch vụ đáng kể. Đoàn kết toàn dân tộc là chìa khóa cho chiến thắng năm 1975 và ngược lại, những chiến thắng vĩ đại trước các đế quốc hùng mạnh nhất thế giới cùng những hy sinh to lớn của nhân dân trong các trận chiến đã trở thành nguồn cảm hứng, sức mạnh và sự đoàn kết toàn dân tộc để tiếp tục con đường xây dựng đất nước.

Còn theo Tiến sĩ Ruvislei Gonzalez Saez, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba, chiến thắng 30-4 đã giúp Việt Nam ngày nay có được hòa bình, ổn định, đạt được những thành tựu phát triển to lớn, là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới và đã đạt được hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Những thành tựu của 50 năm qua đã đặt nền tảng và tiền đề để quốc gia châu Á này tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong tương lai.

Là người đã gắn bó với Việt Nam bằng một tình bạn thủy chung lâu đời, bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, kể rằng vào năm 1975, các nhà báo từng dự đoán rằng Việt Nam sẽ cần 100 năm để có được một vị trí trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, chỉ 50 năm sau, Việt Nam đã trở thành một trong 20 quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đang định hướng xây dựng một đất nước giàu mạnh với mức thu nhập bình quân đầu người cao, tiếp tục phát triển khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và các dự án ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng, Việt Nam đã giành thêm một chiến thắng 30-4 nữa, đó là những thành tựu đáng tự hào trong hội nhập và phát triển kinh tế, đưa Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế nghèo nàn, hạ tầng lạc hậu, vươn mình mạnh mẽ thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây là nhận định của ông Ignacio Mendoza Pizarro, Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Bolivia thuộc liên minh cầm quyền.

Nói về ngày 30-4, Tiến sĩ Alisher, Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam, cho rằng những gì Việt Nam đạt được ngày hôm nay đang từng bước khẳng định sự tiếp nối xứng đáng của chiến thắng 30-4 vào 50 năm về trước. Tiến sĩ Alisher khẳng định sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã “đổi thay ngoạn mục”. Những thay đổi về kinh tế và chính trị được khởi xướng vào năm 1986 theo chương trình Đổi mới đã trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường đã hoàn thành trong một thời gian ngắn và hiện nay nền kinh tế đất nước phát triển năng động bậc nhất Đông Nam Á.

Từng giữ cương vị Tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam trong giai đoạn 1996-1999, tướng P.K Chakravorty bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam. Ông cho rằng những cải cách kinh tế trong thời kỳ Đổi mới bắt đầu vào năm 1986 đã giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này dẫn đến sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể, đầu tư nước ngoài tăng và tăng trưởng kinh tế đạt mức hơn 7%. Hiện nay, đất nước có dân số khoảng 100 triệu người với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 476 tỷ USD. Những thành quả này là nhờ Việt Nam duy trì được mối quan hệ chính trị ổn định, thân thiện và hữu nghị nồng ấm với tất cả các quốc gia, trong đó có những cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc...

Tinh thần bồi đắp ý chí và khát vọng vươn lên

Nói về những bài học rút ra từ chiến thắng 30-4 và được áp dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Tiến sĩ Alisher, Chủ tịch Hội Hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam, nhấn mạnh đến chính sách đoàn kết toàn dân, được Đảng và lãnh đạo Việt Nam coi là yếu tố cơ bản không chỉ trong chiến tranh mà còn trong phát triển thời hậu chiến. Theo Tiến sĩ Alisher, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu duy trì đà tăng trưởng này trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa. Ông nhấn mạnh lợi thế rất lớn của Việt Nam là nhờ chính sách đối nội và đối ngoại cân bằng nên đất nước được coi là tương đối an toàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hàng loạt bài học quý giá được đúc rút từ chiến thắng lịch sử 30-4, Tướng Chakravorty, nguyên Tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam trong giai đoạn 1996-1999, đã nhắc tới các bài học: Tinh thần đoàn kết dân tộc, duy trì mục tiêu, cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ, hợp tác trong và ngoài nước. Khi Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, Tướng Chakravorty đã nhấn mạnh tới việc duy trì nghệ thuật ngoại giao tài tình, đoàn kết dân tộc kết hợp với khả năng linh hoạt và chấp nhận thay đổi để hiện đại hóa đất nước.

Chia sẻ trước hàng triệu khán giả truyền hình Venezuela và Mỹ Latin trong Chương trình truyền hình mang tên “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: Từ cuộc chiến giành độc lập đến hành trình dựng xây đất nước” do Đài truyền hình Venezuela Globovision thực hiện, ông Julio Cesar Pineda, nhà ngoại giao kỳ cựu kiêm nhà báo nổi tiếng của Venezuela, nhấn mạnh 50 năm đã trôi qua kể từ mùa Xuân lịch sử 1975, nhưng ngọn lửa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vẫn không hề phai nhạt. Từ chiến trường xưa đến công xưởng, ruộng đồng và nỗ lực hội nhập thế giới, tinh thần ấy vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng, bồi đắp ý chí và khát vọng vươn lên cho mọi thế hệ người dân Việt Nam.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), cho rằng những giá trị như bản lĩnh, tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới, khả năng thích ứng và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, vốn được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và được thể hiện rõ nét trong thời chiến, chính là nguồn cảm hứng và động lực to lớn cho giai đoạn phát triển mới, là những yếu tố cần được tiếp tục phát huy để giúp Việt Nam vượt qua những thách thức mới về kinh tế, môi trường và xã hội.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-ca-ngoi-chien-thang-30-4-nguon-cam-hung-va-dong-luc-cho-giai-doan-phat-trien-moi-cua-viet-nam-post610250.antd