Dân tộc Việt Nam sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển

Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường. Sau 50 năm thống nhất đất nước cùng thế và lực đã được tạo dựng, hôm nay, Dân tộc ta lại tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới – bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.

Việt Nam đang trong thời khắc lịch sử bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Việt Nam đang trong thời khắc lịch sử bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thành tựu kinh tế - xã hội vang lên cùng bản hòa ca hào hùng của dân tộc

Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường. Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện trọng đại – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Chiến thắng 30/04/1975 là thành quả quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất, không thể bị chia cắt bởi bất kỳ thế lực nào.

Cùng với ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, hòa bình cho Tổ quốc, năm 1986, đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội Đảng lần thứ XI, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, là một quyết sách chiến lược đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên đổi mới và phát triển.

Tròn nửa thế kỷ đã đi qua, chính những đau thương, mất mát trong chiến tranh đã biến thành sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng trầm trọng, ngày càng vững bước tiến lên và có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay. Từ một đất nước nghèo nàn do bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động.

Sau gần 40 năm đổi mới, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã có sức bật mạnh mẽ từ con số khiêm tốn khoảng 8 tỷ USD năm 1986 lên 476,3 tỷ USD năm 2024, điền tên Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Từ một quốc gia bị bao vây, cô lập sau chiến tranh với bộn bề khó khăn, với tài ngoại giao tài tình cùng tư tưởng “ngoại giao cây tre Việt Nam” của các thế hệ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã từng bước mở rộng hợp tác kinh tế với thế giới.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia; có đối tác quan hệ chiến lược và đối tác quan hệ chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Đây là “trợ lực” quan trọng, đưa Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt con số kỷ lục, vượt mốc 400 tỷ USD.

Cùng với đó, những nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đã tạo nên sức hút của Việt Nam đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những “đại bàng” công nghệ toàn cầu. Năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Việt Nam đạt hơn 38 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.

Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã giảm từ hơn 70% vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước xuống còn 2,4% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, mang tính hoàn thiện hơn và bao trùm hơn, bao gồm 6 lĩnh vực: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Được ví như “một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Bên cạnh những kết quả trên, Việt Nam cũng còn đạt được nhiều thành tựu khác như: Hệ thống giáo dục, y tế được mở rộng khắp mọi miền đất nước; Hạ tầng giao thông, hạ tầng số không ngừng được hiện đại hóa, kết nối Việt Nam với thế giới.

Viết tiếp bản hùng ca mới cho kỷ nguyên mới

Sau 50 năm thống nhất đất nước cùng thế và lực đã được tạo dựng, hôm nay dân tộc chúng ta lại tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới – bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.

Việt Nam đang trong thời khắc lịch sử bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới có cả cơ hội đan xen cùng thách thức. Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước trước gian nan, khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường, Việt Nam chúng ta lại tiếp tục bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo biến khó khăn thành động lực, biến nguy thành cơ, tận dụng những cơ hội đang có để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường; một nền quốc phòng - an ninh toàn dân, toàn diện và hiện đại; một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, một xã hội phát triển, đoàn kết, văn hóa và nhân văn.

Thừa hưởng những giá trị di sản vĩ đại từ các thế hệ cha ông, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, bằng chính tri thức, sự sáng tạo, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, toàn dân tộc Việt Nam đang cùng quyết tâm cao phát huy trí tuệ và sức mạnh, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế. Dân tộc Việt Nam nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình.

Bích Ngọc

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dan-toc-viet-nam-se-viet-tiep-nhung-chuong-moi-ruc-ro-trong-hanh-trinh-phat-trien.html