Thế giới ca ngợi thành công của Chile, biểu tình làm phát lộ mặt tối
Từ lâu, quốc gia Nam Mỹ nay đã được coi là một câu chuyện thành công với kinh tế tăng trưởng đều và xã hội ổn định, những hình ảnh này hoàn toàn thay đổi trong 3 tuần vừa qua.
Không khó để hiểu được nguồn gốc của sự bất mãn đã bùng nổ thành những cuộc biểu tình bạo lực ở thủ đô Santiago trong 3 tuần qua. Chỉ cần nhìn vào những biểu ngữ được người biểu tình liệt kê ra là đủ, vì họ giận dữ trước những vấn đề rất cơ bản và rõ ràng: chi phí giao thông công cộng gia tăng, giá điện tăng, học phí tăng, lương hưu không đủ sống và giới có quyền lực bị cho là dửng dưng.
Làn sóng bất ổn cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 20 người và khiến hàng nghìn người khác bị thương. Điều này cho thấy rằng mặc dù được ca ngợi là câu chuyện thành công trong việc quản lý kinh tế, quốc gia có mức thu nhập trung bình này đã không khắc phục được sự bất bình đẳng âm ỉ kéo dài trong xã hội.
Phía sau những chỉ số màu hồng
Từ góc nhìn vĩ mô, hầu hết chỉ số đều cho thấy những gì diễn ra ở Chile là hết sức tích cực: nước sản xuất đồng nhiều nhất thế giới, nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Mỹ Latin trong hàng thập kỷ, và là quốc gia có tầng lớp trung lưu lớn nhất khu vực.
Phần lớn sự tăng trưởng này là kết quả của những chính sách kinh tế tốt cho thị trường, khuyến khích sự phát triển của các tập đoàn tư nhân, thương mại và đầu tư, cũng như hạn chế việc chi tiêu quá đà của chính phủ.
Chile đã thành công trong việc tránh phát triển quá nóng để rồi chật vật, như trường hợp của người hàng xóm Argentina. Tình hình chính trị cũng tương đối ổn định sau khi chế độ độc tài Pinochet chấm dứt vào năm 1990.
Kết quả là tương đối ấn tượng trong một số khía cạnh. Chile là quốc gia Mỹ Latin có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của Liên Hợp Quốc. Trong số 18 triệu dân, số người có thu nhập dưới mức 5,5 USD/ngày (ngưỡng nghèo của một quốc gia có thu nhập trung bình cao) - đã giảm từ 30% từ đầu thế kỷ xuống còn dưới 7% vào năm 2017, theo Ngân hàng Thế giới.
Nhưng dường như sự thịnh vượng này đã không được chia sẻ một cách đồng đều.
Chỉ số duy nhất khiến người ta đặt dấu hỏi trong câu chuyện của Chile là Gini coefficient - thước đo bất bình đẳng thu nhập, vì chỉ số này của quốc gia Nam Mỹ nằm ở nhóm cao nhất trong số 36 nước nhóm OECD.
Phần lớn của cải thuộc về một bộ phận nhỏ dân chúng, cộng với việc những nguồn lực của nhà nước không được phân phối hiệu quả thông qua hệ thống thuế và phúc lợi. Chile là nước có chi tiêu phúc lợi xã hội thấp thứ 2 trong nhóm OECD, chỉ sau Mexico. Chi tiêu phúc lợi xã hội của Chile đạt hơn 10% GDP, bằng một nửa so với mức trung bình các nước trong nhóm. Trong khi đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi năm 2017 cho thấy 1% những người giàu nhất Chile kiểm soát 33% của cải đất nước.
Giọt nước làm tràn ly
Việc kinh tế tăng trưởng chậm lại và đồng tiền mất giá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm lao động có thu nhập trung bình. Mức nợ trung bình của một hộ gia đình ở Chile cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, và nhiều người dân đã phải tự làm thêm bằng những công việc không ổn định.
Lấy lý do đồng tiền suy yếu và chi phí nhiên liệu tăng, chính phủ quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm thêm 30 pesos (0,04 USD) và chỉ tương đương mức tăng gần 4%.
Tăng giá vé phương tiện công cộng luôn là một quyết định nhạy cảm, đặc biệt là ở Santiago. Cách đây hàng thập kỷ khi Pinochet muốn giải tỏa các khu ổ chuột ở Santiago, chính phủ của ông đẩy người dân ra ngoại ô bằng cách xây hàng loạt nhà ở xã hội ở xa trung tâm thành phố. Chính quyền của nhà độc tài cũng khánh thành hệ thống tàu điện ngầm vào năm 1975 và mở rộng nó tới tận các khu vực ngoại ô nơi người nghèo sinh sống.
Chính vì vậy, tàu điện ngầm là một phần quan trọng trong cuộc sống của những người nghèo ở Santiago. Họ dựa vào nó nhiều hơn để đi làm và đi vào khu vực trung tâm thành phố, do đó đây là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định tăng giá vé của chính phủ.
Nhưng việc tăng giá vé cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, hệ thống giáo dục đại học của Chile được tư nhân hóa vào đầu thập niên 1980 - dưới những chính sách kích thích kinh tế tư nhân của chính quyền Pinochet. 40 năm sau, Chile là một trong những nước có học phí trung bình cao nhất thế giới, nhiều sinh viên bắt buộc phải lựa chọn một khoản vay để có được tấm bằng đại học.
Paola Tabilo, 29 tuổi, vừa phải chăm sóc 2 đứa con trai, vừa đi làm thêm tại siêu thị và viết blog để trang trải cuộc sống. Cô cho biết vẫn còn khoản nợ 28.000 USD cho tấm bằng ngành lịch sử, trong khi chỉ kiếm được 274 USD/tháng.
"Tôi có một khoản vay mà tôi không thể trả và bây giờ tôi cũng ko thể tiếp cận với bất cứ khoản tiền nào khác", Tabilo chia sẻ.
Sự bất bình đẳng kéo dài
Juan Pablo Rojas là người sáng lập tổ chức Điều phối viên khoản nợ giáo dục, tổ chức bao gồm 6.500 thành viên không có khả năng trả nợ các khoản vay để đi học của họ.
"Cả một thế hệ đã tự sát về mặt tài chính. Họ có thể lên tới 2 triệu người, với những khoản vay khác nhau", Rojas cho biết.
Thêm vào đó, một thành phần cơ bản khác của hệ thống phúc lợi là lương hưu, cũng được tư nhân hóa vào thập niên 1980, và cũng đang khiến nhiều người bất mãn.
Lương hưu được quản lý bởi một số ít những công ty tư nhân, và Chile là nước trả lương hưu thấp nhất trong nhóm OECD, với nam giới chỉ nhận 40% và với nữ giới là 36% thu nhập trung bình trước khi nghỉ hưu.
Một trong những kiến trúc sư của kế hoạch tư nhân hóa các lĩnh vực này trong thập niên 1980 là ông Jose Pinera, anh trai của đương kim Tổng thống Sebastian Pinera.
Maria Angelica Ojeda, một giáo viên đã về hưu 60 tuổi, cho biết bà đã đi dạy 30 năm nhưng lương hưu hiện tại chỉ là 225 USD, không đủ để trả khoản tiền nợ vay mua nhà hàng tháng 300 USD.
Tổng thống Pinera, một tỷ phú với tài sản 2,8 tỷ USD, đã cam kết một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu sự giận dữ của người dân, trong đó có việc rút lại việc tăng giá tàu điện ngầm và kế hoạch tăng 20% trợ cấp chính phủ cho lương hưu của những người nghèo nhất đất nước. Nhưng những sự nhượng bộ đó dường như là chưa đủ.
"Cái gọi là gói kinh tế của Pinera chẳng có nghĩa gì cả. Đó là một biện pháp tạm thời nhưng không có sự thay đổi đáng kể", ông Dante Contreras, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Xung đột và Gắn kết Xã hội, cho biết.
"Ở Chile, bất bình đẳng mang tính cấu trúc, và sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết", ông Contreras nhận định.