Thế giới chống Corona: Những tin vui đầu tiên!

Với tốc độ lan nhanh chưa từng có, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã, đang lan tràn tới nhiều châu lục, manh nha trở thành đại dịch lớn đe dọa toàn cầu.

Làm thế nào để kiềm chế, tiến tới kiểm soát đại dịch này nhằm giảm thiểu tác động, hậu quả và hệ lụy của nCoV đang là mối quan tâm số 1 của hầu hết các quốc gia. Các chuyên gia y tế hàng đầu, các phòng thí nghiệm tối tân nhất đang đồng loạt vào cuộc, chạy đua với thời gian để chống lại… “Cô Vy” và bước đầu đã có những tin vui.

Các bác sĩ tại Vũ Hán đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: T.L

Từ cô lập thành công tới phát triển vacxin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus Corona

Đó là câu chuyện của Nhật Bản. Đất nước được xem là một trong những quốc gia có kinh nghiệm dạn dày cũng như bản lĩnh kiên cường số 1 trong việc đối chọi với thiên tai dịch bệnh, cũng là một trong những quốc gia có số lượng ca bệnh “dính Cô Vy” khá đông đảo, ngay ngày đầu tháng 2/2020 đã tự tin tuyên bố cô lập thành công chủng virus Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp.

Cụ thể, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản cho biết vừa nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp từ một bệnh nhân nhiễm virus nCoV. Theo NIID, chuỗi gen của chủng virus đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gen của virus Corona mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố. Từ thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển vaccine phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus Corona. NIID cho biết sẽ chia sẻ chủng virus đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm của chủng virus nguy hiểm mới, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.

Trước khi NIID đưa ra tuyên bố đáng mừng này, Nhật Bản đã có những bước khá quyết liệt và khẩn trương trong việc phòng chống nCoV. Ngày 1/2/2020, Chính phủ Nhật Bản chính thức xếp loại virus Corona là một bệnh truyền nhiễm, cho phép các cơ quan chức năng thực thi nhiều biện pháp, bao gồm bắt buộc phải nhập viện khi cần thiết. Tiền đóng thuế của người dân sẽ được dùng để trang trải chi phí điều trị cho bệnh nhân bị buộc nhập viện. Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo mọi người dân Nhật Bản có quyền tiếp cận vào các cuộc kiểm tra và vật tư y tế cần thiết để phòng chống dịch Corona. Để ngăn chặn sự lây lan virus Corona, những người nước ngoài đã đến tỉnh Hồ Bắc trong vòng hai tuần - thời gian ủ bệnh ước tính của virus - trước khi đến Nhật Bản, sẽ bị cấm nhập cảnh nước này.

Có thuốc và phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV

Trong khi các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu vaccine đối phó với dịch viêm phổi do virus Corona mới (2019-nCoV) thì tin vui này được phát đi từ nước Nga. Ngày 1/2/2020, Bộ Y tế Nga công bố 3 loại thuốc có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV đó là: ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b. Các thuốc này thường được sử dụng cho các bệnh nhân viêm gan, HIV và đa xơ cứng. Trong đó, ribavirin từng được sử dụng trong điều trị dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc.

Bộ Y tế Nga không chỉ đưa ra khuyến nghị mà còn miêu tả chi tiết phác đồ điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm nCoV. Theo đó, để ngăn chặn và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do virus nCoV gây ra, thuốc cần được sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Trước đó, ngày 31/1/2020, khi ghi nhận có 2 trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên ở nước này, Nga đã đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ dài 4.300km với Trung Quốc. Moscow cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc. Các chuyến tàu từ Nga tới Trung Quốc cũng bị hủy bỏ. Ngày 3/2, Thủ tướng Nga Mikhail Mishushin cho biết Moscow đang lên kế hoạch trục xuất người nước ngoài có xét nghiệm dương tính với virus nCoV-2019, chủng mới của virus Corona đồng thời có kế hoạch đưa công dân nước này từ tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm bùng phát của virus, về nước. Nga cũng đã mở khu cách ly đặc biệt dành cho công dân Trung Quốc đến Nga tại vùng Primorsk. Nga cũng cho biết sẽ dời lịch tổ chức Diễn đàn kinh tế Nga thường niên tổ chức ở thành phố du lịch Sochi, dự kiến diễn ra từ 12-14/2, sang một thời điểm khác do lo ngại sự lây lan của virus nCoV-2019.

Tái tạo virus Corona trong phòng thí nghiệm

Đó là thành công gây bất ngờ của các nhà khoa học Australia. Đây là lần đầu tiên virus được tái tạo thành công bên ngoài Trung Quốc, bước đột phá này được kỳ vọng sẽ góp phần chống lại dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan toàn cầu này. Cụ thể, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu về lây nhiễm và miễn dịch Peter Doherty của Melbourne đã phát triển thành công một phiên bản của virus Corona trong phòng thí nghiệm. Khám phá này là nền tảng quan trọng để tiến hành thử nghiệm nhằm xác định những người có thể nhiễm bệnh ngay cả trước khi họ có triệu chứng bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia cũng khẳng định sẽ chia sẻ mẫu virus với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm trên toàn cầu. Người đứng đầu phòng thí nghiệm xác định virus của Viện Peter Doherty Julian Druce nhấn mạnh, với việc có được mẫu virus 209-nCoV thực sự, giờ đây các nhà nghiên cứu sẽ có thể xác nhận và kiểm chứng lại toàn bộ các phương pháp xét nghiệm, đồng thời so sánh độ nhạy bén và các đặc điểm của chúng.

Trước đó, Australia ngày 2/2 khẳng định đã điều trị thành công trường hợp thứ 3 nhiễm virus Corona ở nước này, trong khi không phát hiện ca nhiễm mới nào trong số 12 ca đã mắc. Australia một mặt thông báo không cho những người đến Trung Quốc nhập cảnh vào nước này một mặt đẩy mạnh việc kiểm tra y tế và an ninh sinh học đối với hành khách đến Australia bằng đường hàng không nhằm sàng lọc những người nhiễm virus Corona và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng.

Ngày 1/2,Viện Pasteur Paris - Pháp cũng thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus nCoV. Trước đó, ngay từ 24/1, khi phát hiện ca dương tính đầu tiên với 2019-nCoV, Viện Pasteur đã lấy mẫu thử và bắt đầu nuôi cấy chủng Corona trên các tế bào Vero E6. Viện nghiên cứu y học Pháp cho biết các nhà khoa học cũng đang thử nghiệm một số phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV như sử dụng Kaletra - một loại thuốc chống HIV/AIDS, kết hợp hai phân tử kháng virus lopinavir và ritonavir hoặc kết hợp thuốc Kaletra với thuốc kháng virus và liệu pháp miễn dịch, đã từng được sử dụng đối với chủng virus Corona MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Phương pháp thứ ba dựa trên Remdesivir, một loại thuốc chống virus đã được sử dụng trong phòng chống bệnh Ebola.

Trước đó, ngày 31/1, Ủy ban châu Âu đã công bố khoản tài trợ trị giá 10 triệu euro cho hỗ trợ nghiên cứu về loại virus Corona đồng thời đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cho các dự án nghiên cứu “giúp nâng cao hiểu biết về dịch virus Corona mới, góp phần vào việc quản lý lâm sàng hiệu quả hơn cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi virus và cải thiện công tác chuẩn bị cũng như phản ứng của cơ quan y tế công cộng”.

Phát triển vaccine phòng chống virus Corona

Ngày 2/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã chỉ đạo các nhà nghiên cứu nước này bắt tay nghiên cứu và sau đó là bào chế vắc-xin phòng chống chủng virus Corona mới (2019-nCoV). Trước đó, các nhà khoa học Israel đã thu hút sự chú ý khi tạo ra 2 loại khẩu trang tái sử dụng 100 lần, có thể diệt virus Corona. Điều đặc biệt nhất của loại khẩu trang mới này theo tuyên bố là có thể diệt các loại siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm độc ngay khi chúng tiếp xúc với khẩu trang. Một trong hai loại khẩu trang mới này do Công ty Sonovia (Israel) sản xuất. Sonovia đã áp dụng công nghệ siêu âm xử lý các sợi polyester-cotton dùng sản xuất khẩu trang. Đây là sáng chế của hai giáo sư hóa học thuộc Đại học Bar-Ilan. Loại khẩu trang kháng khuẩn thứ hai là do Công ty Argaman ở thủ đô Jerusalem sáng tạo. Loại này có tên là Bio-Block cũng có thể giặt để tái sử dụng đến 100 lần, được chế tạo bằng các lớp cotton có “nhúng” phân tử oxit đồng diệt khuẩn và lớp màng lọc nano có thể ngăn chặn các loại tác nhân gây bệnh. Ưu điểm của loại khẩu trang này là người đeo vẫn có thể hô hấp bình thường, không bị kín khí như loại khẩu trang y tế N95. Nếu người đeo đã nhiễm bệnh trước đó, khẩu trang sẽ ngăn chặn không cho siêu vi phát tán ra môi trường xung quanh, gây lây lan bệnh cho người khác.

Hà Trang (Tổng hợp)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-chong-corona-nhung-tin-vui-dau-tien-post73371.html