Thế giới chuyển động, giật mình, thích ứng
Từng biết qua nhiệm kỳ một, nghe chương trình tranh cử và sớm dự báo, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn có phần bất ngờ trước tuyên bố và hành động của Tổng thống Donald Trump sau 2 tuần chính thức cầm quyền.
Nhiệm kỳTrump 2.0 có gì mới
Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2 với kinh nghiệm và sự tự tin. Ông được Đảng Cộng hòa hậu thuẫn ở lưỡng viện; không bị áp lực tranh cử nhiệm kỳ ba (dù có nghị sĩ muốn sửa Hiến pháp mở đường). Trong khi đó, Nga vướng cuộc xung đột suýt soát 3 năm, EU đang vật lộn với vấn đề nội bộ, Liên hợp quốc đứng trước đòi hỏi đổi mới… Nghĩa là, Tổng thống Mỹ thứ 47 có cơ hội để thể hiện vai trò, sức mạnh toàn cầu.
Ngày chính thức cầm quyền đầu tiên, ông chủ Nhà Trắng ký gần 200 văn bản hành pháp, nhất quán với lời hứa tranh cử. Cùng với tuyên bố chủ trương, định hướng chiến lược, chính sách là hành động cụ thể, trục xuất triệt để người nhập cư trái phép. Động thái đầy tính toán nhằm vào vấn đề nóng, có tính khả thi, theo kiểu “bẻ đũa từng chiếc”. Mexico phản ứng mạnh, nhưng rồi phải nhượng bộ trước răn đe trừng phạt. Nhiều nước lặng im quan sát.
Một mũi tên nhắm nhiều đích. Mỹ đã nói là làm, không nể đồng minh gần gũi. Mexico còn thế thì đồng minh, đối tác khác, đối thủ và trong những vấn đề khác phải liệu chừng. Trước đó là tuyên bố áp thuế nhập khẩu đến 25% với các nước và 10% với Trung Quốc. Ông chủ xứ cờ hoa quyết đầu tư 500 tỷ USD vào khâu đột phá giữ ngôi vị số một về AI. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump nói thẳng băng, mở rộng nước Mỹ tương xứng với sức mạnh, vì an ninh quốc gia bằng cách thâu tóm với mọi giá băng đảo Greenland, kênh đào Panama và Canada.
Slogan của tân Tổng thống vẫn là, nước Mỹ trên hết, đưa Mỹ vĩ đại trở lại. Phương châm là ưu tiên lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Washington; không ngại đặt Mỹ vào tâm điểm địa chính trị thế giới; tái định hình quyền lực quốc tế, trật tự toàn cầu có lợi trong điều kiện biến động, nhiều đối thủ.
Phương thức kết hợp giữa răn đe và lợi ích; sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao; giữa hành động và dẫn dắt, gây choáng bằng thông tin chính thống, mạng xã hội… Cùng với đó là phong cách lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ, không ngại phản ứng khiến Tổng thống Donald Trump càng khó đoán định, buộc người khác vào thế bị động, bất ngờ, bất lợi, trở tay không kịp.
Những xu thế nổi bật
Thế giới nổi lên ba xu thế. Thứ nhất, các điểm nóng ít nhiều có khả năng hạ nhiệt hoặc mở ra hướng mới, cụ thể là:
Một,giải quyết xung đột ở Ukraine theo cách của Mỹ. Nếu Washington dừng, giảm viện trợ thì NATO, EU khó đủ sức chống lưng lâu cho Ukraine, buộc Kiev phải nhượng bộ. Tổng thống Donald Trump vừa giữ vai trò chi phối châu Âu, thu lợi từ ô an ninh, bán vũ khí, làm suy yếu Nga, vừa muốn giảm chi phí, tập trung sức đối phó với Trung Quốc.
Lời nhắc nhở trừng phạt Nga nếu không chấp nhận đàm phán và ngược lại, vẫn có trọng lượng nhất định, nhưng không thể là đòn knock-out, kể cả mức kỹ thuật. Xuất khẩu Nga sang Mỹ chỉ 5 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều đối tác khác, lại là mặt hàng chiến lược của Mỹ. Đồng minh, đối tác của Nga, đủ đông và biết cách né lệnh trừng phạt.
Tổng thống Vladimir Putin nhắc khéo về lệnh cấm đàm phán, tính pháp lý lâu của Tổng thống Volodymyr Zelensky là phản đòn kín nặng đô. Có thể Mỹ và phương Tây sẽ cân nhắc vai trò tương lai của người đứng đầu Kiev. Lợi thế chiến trường tạo vị thế cho Moscow không hạ thấp điều kiện chấm dứt xung đột; hơn thế còn yêu cầu đàm phán với Mỹ, NATO, EU về vấn đề Ukraine và xa hơn là tương lai quan hệ công bằng hơn giữa Nga với châu Âu, phương Tây.
Toan tính khác nhau nhưng giữa Nga và Mỹ có những điểm trùng lợi ích. Hai bên có thứ để trao đổi, chẳng hạn hợp tác Bắc cực, kiểm soát vũ khí hạt nhân… Đó là cơ sở hy vọng cho cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump, để trao đổi nhiều vấn đề lớn của thế giới. Mục tiêu, mục đích chênh lớn nên cuộc gặp thượng đỉnh có thể không xa nhưng kết cục vẫn khó đoán định.
Hai, thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, không để xung đột mất kiểm soát, bùng phát thành cuộc chiến khu vực. Mỹ muốn chứng tỏ vai trò nhà kiến tạo hòa bình số một, bảo đảm lợi ích chiến lược của mình ở khu vực, không để nước lớn khác chen chân. Tổng thống Donald Trump tiếp tục ủng hộ hết mình Tel Aviv, lôi kéo các nước Arab xích lại gần Israel, tìm cách kiểm soát sản lượng và giá dầu có lợi nhất.
Washington cứng rắn hơn với Tehran trong việc triệt thoái năng lực hạt nhân, hỗ trợ các lực lượng chống Mỹ, Israel. Mỹ có công cụ để gây sức ép mạnh, trong khi Iran ngày càng khó khăn. Tehran có thể phải chấp nhận những điều kiện mới, đánh đổi việc từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận. Mỹ và đồng minh lợi dụng tình hình Syria để toan tính thành lập nhà nước người Kurd, củng cố thế đứng chân, gạt bỏ đối thủ, chi phối lâu dài Damascus.
Ngừng bắn ở Dải Gaza có thể khó đảo ngược nhưng việc triệt thoái quân Israel khỏi toàn bộ vùng chiếm đóng trái với nghị quyết Liên hợp quốc về ranh giới năm 1967 và nhà nước Palestine là chuyện rất phức tạp, lâu dài, thậm chí bế tắc. Do đó, Trung Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất ổn.
Ba, Tổng thống Donald Trump có thể gặp Chủ tịch Kim Jong Un về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ Nam, Bắc Hàn. Ở chiều ngược lại, vấn đề Đài Loan, Greeland, Panama, Canada sẽ phức tạp hơn. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể cọ xát mạnh hơn, nhưng ít khả năng bùng phát xung đột.
Thứ hai, vấn đề kinh tế, thương mại nóng lên, phức tạp, phân mảnh hơn. Với mức áp thuế mới, Tổng thống Donald Trump sẽ gia tăng đối đầu Mỹ - Trung cả về kinh tế, thương mại, công nghệ lên tầm mức khốc liệt hơn nhiệm kỳ một. Bằng răn đe trừng phạt đối tác của Bắc Kinh, Washington mở rộng cạnh tranh ở nhiều địa bàn chiến lược khác.
Trung Quốc vừa tuyên bố thế giới đủ chỗ cho hợp tác cùng có lợi với Mỹ, vừa sẵn sàng ứng phó bằng các sắc thuế và đòn đáp trả tương ứng. DeepSeek bất ngờ tung mô hình AI giá rẻ khiến các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ rúng động. Điểm huyệt vào thế mạnh của Mỹ, thông điệp của Bắc Kinh rất rõ ràng, không gì là không thể.
Mỹ không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu. Đòn thuế quan qua lại cũng là một loại “đại dịch” làm sâu sắc hơn tình trạng phân mảnh thị trường, chia cắt chuỗi cung ứng, sản xuất. Chủ nghĩa đơn phương đậm nét qua việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và có thể một số thể chế đa phương khác vì lý do bất bình đẳng.
Cộng hưởng các yếu tố trên có thể khiến lạm phát, giá cả gia tăng; đe dọa khả năng phục hồi, phát triển kinh tế thế giới và ứng phó với các thách thức chung. Mức độ tác động đến đâu còn tùy thuộc vào chính sách, động thái tiếp theo của Mỹ và khả năng ứng phó, thích ứng của quốc tế.
Chọn phe, song cực hay đa phương
Ngay khi ứng viên Donald Trump tuyên bố thắng cử, Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên… đã thúc đẩy hợp tác, liên kết, ký kết, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Trung Quốc, Nga và các thành viên sáng lập củng cố, mở rộng số lượng, nâng chất BRICS.
Tuyên bố không nhằm chống ai, hạ bệ đồng USD mà tìm kiếm một trật tự mới công bằng hơn, nhưng BRICS vẫn là một đối trọng đồng cân lạng, có mặt trội hơn phương Tây về kinh tế, thương mại, ngoại giao…, khẳng định một xu thế khó đảo ngược.
Tuyên bố áp thuế, thâu tóm Greenland, kênh đào Panama, Canada khiến nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ giật mình, điều chỉnh chiến lược, chính sách để phòng bị. Một số nước lựa chọn hợp tác sâu với Hoa Kỳ, có nhượng bộ để tránh đòn răn đe.
Các nước không thuộc diện đồng minh, đối thủ cũng có những động thái giảm tác động trái chiều. Nổi lên 3 xu thế, theo song cực Mỹ hoặc các đối thủ của Mỹ; hoặc không chọn phe, cực nào mà liên kết, hợp tác đa phương, lựa chọn nội dung, phạm vi, mức độ, không để quan hệ với cực này cản trở, tạo cớ cho cực kia phản ứng.
Xu thế thứ ba ngày càng được nhiều nước lựa chọn. Đa dạng hóa thị trường, giảm bớt chênh lệch cán cân thương mại với Mỹ và nước lớn khác; lựa chọn mũi nhọn phù hợp với khả năng của mình và nhu cầu của đối tác, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, để tận dụng cơ hội mới. Đấy là cách thức Việt Nam cần và có thể khai thác.
***
Mọi chuyển động mới bắt đầu, hiệu ứng tùy thuộc vào chính sách, động thái tiếp theo của các quốc gia. Tổng thống Donald Trump trở lại, lợi hại hơn nhiệm kỳ một, nhưng không phải Mỹ muốn làm gì cũng được. Đối thủ, đồng minh, đối tác ngày càng tính toán, khôn khéo, thận trọng hơn. Đã có những phản ứng từ bên ngoài và bên trong. Hãy chờ xem.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-chuyen-dong-giat-minh-thich-ung-303088.html