Tranh cãi xung quanh 'quyền lực mềm' của Mỹ nếu đóng cửa USAID
USAID trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi chính trị sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố sẽ đóng cửa cơ quan này với tư cách tổ chức độc lập và có thể chuyển về trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) được cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy thành lập vào năm 1961, với mục đích điều phối tốt hơn các chương trình viện trợ nước ngoài.
Nhưng Tổng thống Donald Trump, ngay sau khi nhậm chức hôm 20/1 đã ngay lập tức ban hành sắc lệnh hành pháp thông báo tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày với lý do bộ máy hành chính viện trợ nước ngoài không phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong động thái tiên quyết, ngày 2/2, tỷ phú Mỹ Elon Musk, người được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ, thông báo sẽ đóng cửa trang web này.
Với vai trò là một trong những công cụ quan trọng nhất để Mỹ thực thi chính sách đối ngoại và với ngân sách hàng chục tỷ USD mỗi năm, USAID đã giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng tại nhiều khu vực chiến lược trên thế giới như Đông Âu, Đông Nam Á, Mỹ Latinh hay châu Phi.
Vì vậy, việc USAID đứng trước nguy cơ bị đóng cửa có thể sẽ khiến nước Mỹ mất đi một công cụ đắc lực để chi phối các quốc gia đang phát triển, bởi các khoản viện trợ mà USAID cung cấp đóng vai trò như một đòn bẩy quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Washington.
Kế hoạch đóng cửa USAID nếu được thực hiện sẽ tạo ra một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhiều thập niên tới đây, đặc biệt với các đối thủ đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ./.