Thế giới có hơn 200.000 ca mắc COVID-19 trong 24h qua

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 17/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 21.813.633 ca, trong đó có 772.628 người thiệt mạng. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 207.964 ca mắc COVID-19 và 4.398 ca tử vong.

Các nước cũng ghi nhận 14.547.375 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.472 và 6.493.630 ca đang điều trị tích cực.

Tại Mỹ, bang California đã thông báo ghi nhận 7.783 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/8, nâng tổng số ca bệnh tại bang này lên 621.562 trường hợp, bao gồm 11.224 ca tử vong. Tỉ lệ dương tính với virus trên tổng số xét nghiệm được thực hiện trong 7 ngày qua tại California là 6,9% và trong 14 ngày qua là 6,4%. Trong khi đó, tỉ lệ này trong 7 ngày qua tại bang South Carolina lên tới 11%, với tổng số 105.466 người đã mắc bệnh.

Tới 6h sáng 17/8 (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 5.564.160 ca mắc COVID-19, trong đó có 173.072 ca tử vong. Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên gần 189.000 người vào ngày 5/9.

Nếu Mỹ để tình trạng lây nhiễm virus Corona diễn ra tràn lan nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng thì số người tử vong sẽ cực lớn, đặc biệt là ở nhóm người dễ tổn thương, CNN dẫn lời chuyên gia về bệnh lây nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết.

“Bạn hãy nhìn vào thực trạng nước Mỹ hiện giờ, với tình trạng bệnh béo phì, số người bị tăng huyết áp, tiểu đường… Nếu tất cả mọi người đều nhiễm bệnh, con số tử vong sẽ vô cùng lớn và hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Fauci nói.

Miễn dịch cộng đồng là khi phần đông dân số miễn dịch với một bệnh thông qua lây nhiễm và phục hồi hoặc được tiêm vaccine. Khi cộng đồng được miễn dịch, bệnh sẽ ít có khả năng lây lan sang những người chưa có miễn dịch.

Hiện chưa rõ liệu những người hồi phục sau khi nhiễm virus Corona có miễn dịch không. Tuy nhiên, có một số gợi ý rằng nếu để virus lây lan thì mục tiêu miễn dịch cộng đồng sẽ nhanh chóng đạt được, nhưng đó sẽ là thảm họa với các bệnh viện. Bác sĩ sẽ bị quá tải và nhiều người hơn nữa sẽ thiệt mạng không phải vì virus Corona mà là do các lây nhiễm khác.

Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Brazil vẫn là "điểm nóng" căng thẳng nhất với 22.365 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện đã lên tới 3.340.197 người, bao gồm 107.852 ca tử vong.

Brazil đã mở cửa trở lại nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó có Tượng Chúa Cứu thế trên đỉnh núi nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro, đón khách trở lại sau 5 tháng đóng cửa.

Peru và Colombia là 2 quốc gia Mỹ Latinh ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua và số ca nhiễm tại 2 nước này lần lượt là 535.946 (bao gồm 26.281 ca tử vong) và 468.332 ca (15.097 ca tử vong).

Cơ quan Y tế công cộng Canada ngày 16/8 thông báo số ca nhiễm tại nước này hiện đã lên tới 121.889 người, với 9.024 trường hợp tử vong. Thông báo khẳng định tình trạng lây nhiễm của dịch COVID-19 tại Canada đã được đưa vào tầm kiểm soát, nhưng người dân không được buông lỏng các biện pháp phòng vệ.

Số liệu thống kê cho thấy, Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 4.741.146 người. Trong tuần qua, tính trung bình mỗi ngày có 43.000 người được xét nghiệm, với tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 0,9%.

Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “đỉnh” của dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ đến vào mùa Thu và gây khó khăn cho hệ thống chăm sóc y tế. Canada được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến các đợt bùng lên, rồi lại lắng xuống của dịch bệnh và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2022. Một kịch bản thứ hai cũng được bà Tam đề cập đến đó là tỉ lệ lây nhiễm sẽ tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, bà cho rằng còn quá sớm để dự báo dịch bệnh tại Canada sẽ đi theo hướng nào.

Cùng ngày, Pháp thông báo 3.015 ca nhiễm mới, con số cao thứ hai trong ngày kể từ giữa tháng 5. Trước đó, ngày 15/8, Pháp ghi nhận 3.310 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào 11/5. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp hiện là 218.536, trong đó có 30.410 ca tử vong.

Trong ngày hôm nay, 17/8, Italy dự kiến sẽ công bố quy định mới ngừng toàn bộ các hoạt động nhảy múa cả trong nhà và ngoài trời trên cả nước, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang từ 6h sáng đến 6h tối tại các khu vực ngoài trời - theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza trên Facebook.

Tại Tây Ban Nha, 2 vùng đầu tiên đã bắt đầu áp đặt các biện pháp mới ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang bùng phát trở lại. Theo đó, chính quyền sẽ đóng cửa tất cả các vũ trường, hộp đêm và cấm một phần việc hút thuốc lá ngoài trời tại 2 vùng là vùng trồng nho La Rioja ở miền Bắc và vùng Murcia ở Đông Nam Tây Ban Nha.

Trước đó, ngày 14/8, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa đã công bố một loạt các biện pháp hạn chế chống dịch mới, sẽ được thực thi trên toàn quốc trong bối cảnh đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Ngoài việc đóng cửa tất cả vũ trường và hộp đêm, các nhà hàng và quán rượu cũng được yêu cầu đóng cửa trước 1 giờ sáng và không cho phép khách mới vào từ thời điểm này. Những người tới thăm người thân tại các nhà dưỡng lão cũng bị hạn chế. Ngoài ra, việc hút thuốc lá ngoài trời ở những nơi công cộng cũng sẽ bị cấm khi không thể duy trì khoảng cách 2 m.

Dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 29.000 người tại Tây Ban Nha, quốc gia đã phải tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" buộc chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch từ ngày 14/3 đến 21/6. Với 47 triệu dân, hiện tỉ lệ mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha được ghi nhận là 110 ca/100.000 người dân, cao hơn so với các nước châu Âu khác.

Trong khi đó, nhằm giảm thiểu tình trạng lây nhiễm cộng đồng trong trường học, các nhà nghiên cứu Thụy Điển khuyến nghị đeo khẩu trang tại các trường học. Nhóm gồm 26 nhà nghiên cứu, gồm các thành viên của Diễn đàn khoa học Thụy Điển về COVID-19, nhận định rằng Cơ quan y tế công cộng nước này đã "đánh giá sai lầm về khả năng lây nhiễm ở trẻ em". Theo họ, các số liệu hiện nay ở Hàn Quốc, Mỹ và Israel cho thấy trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm trong khi số liệu từ chính Thụy Điển cho thấy trẻ em bị nhiễm COVID-19 có thể bị rơi vào tình trạng nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu này cho rằng trên thực tế, số ca nhiễm ở Thụy Điển đã giảm khi trường học đóng cửa. Vì vậy, có quan ngại chính đáng về nguy cơ số ca nhiễm sẽ lại tăng khi các trường học mở cửa trở lại trong tuần tới. Theo họ, cần thắt chặt các biện pháp kiểm dịch y tế tại trường học trong đó có việc đeo khẩu trang, hoạt động thể chất phải tiến hành ngoài trời, giãn cách trong các bữa ăn...

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/the-gioi-co-hon-200000-ca-mac-covid19-trong-24h-qua/404525.vgp