Thế giới có hơn 370 triệu ca mắc COVID-19, châu Âu bị ảnh hưởng nhất

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 29/1 (theo giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua thế giới đã ghi nhận hơn 3,4 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 370.183.042 ca, trong đó có 5.667.377 ca tử vong.

Số ca bình phục là 292.312.963 ca. Hiện có 95.037 ca trong tình trạng nguy kịch. Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 75,26 triệu ca nhiễm và hơn 905.600 ca tử vong. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai, với hơn 40,85 triệu ca, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 625.948 ca. Đặc biệt, sau sự xuất hiện của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 mới tại Brazil liên tục tăng mạnh, tạo ra một làn sóng dịch mới kể từ hồi tháng 12/2021 đến nay.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 122.300.454 ca nhiễm, trong đó có 1.609.815 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 98,4 triệu ca nhiễm và 1.286.703 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 88 triệu ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 47,7 triệu ca. Số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã hơn 10,9 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 2,6 triệu ca nhiễm.

Biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở châu Âu, khiến số ca mắc COVID-19 trong khu vực tăng vọt. Pháp dẫn đầu khu vực với 353.503 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.476.227 ca. Đức ghi nhận 189.464 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 9.524.101 ca. Ý cũng ghi nhận thêm 143.898 ca mắc mới, Tây Ban Nha có thêm 118.922 ca. Anh báo cáo 89.176 ca mắc mới và thêm 277 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 16.333.980 ca và 155.317 ca.

Tại Bỉ, phòng thí nghiệm của bệnh viện Jessa ở thành phố Hasselt, thuộc vùng Flanders nói tiếng Hà Lan của Bỉ, đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm dòng BA.3 của biến thể Omicron trên lãnh thổ nước này. Cụ thể, phòng thí nghiệm trên đã phát hiện 1 ca nhiễm dòng BA.3 và 9 ca nhiễm dòng BA.2. Hiện Bỉ chưa có thêm các dữ liệu về dòng BA.3 này song theo dữ liệu ở Đan Mạch, BA.3 có nguy cơ nhập viện đương tương BA.1 nhưng chiếm ưu thế hơn và khó phát hiện hơn khi sử dụng các xét nghiệm PCR.

Liên quan tới vấn đề vắc xin ngừa COVID-19, Văn phòng Bộ trưởng Y tế liên bang Bỉ cho biết đã đặt hàng hơn 3,8 triệu liều vắc xin Pfizer đặc hiệu với biến thể Omicron, vốn đã được Pfizer-BioNTech bắt đầu thử nghiệm trong tuần này.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Chính phủ Mỹ cho biết khoảng 60 triệu hộ gia đình ở nước này đã đăng ký nhận bộ xét nghiệm COVID-19 chỉ sau hơn một tuần chính quyền mở trang web cung cấp miễn phí cho người dân. Ngoài ra, hàng chục triệu bộ xét nghiệm cũng đã được giao tới tay các hộ gia đình.

Tại Mỹ, Phó Thư ký báo chí chính của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình Mỹ 4 bộ xét nghiệm COVID-19 thông qua trang web COVIDTests.gov hoặc đường dây điện thoại đi kèm do Nhà Trắng thiết lập. Số lượng đăng ký trên chiếm gần 1/4 tổng số bộ xét nghiệm mà Nhà Trắng sẽ cung cấp cho người dân.

Ngày 29/1, người đứng đầu Cơ quan y tế cộng đồng của Canada, bà Theresa Tam, cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở nước này đã đạt đỉnh song người dân vẫn cần thận trọng do số ca nhập viện vì COVID-19 đang tiếp tục tăng.

Phát biểu họp báo, bà Theresa Tam thông báo dữ liệu về số ca mắc mới và tỉ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện nay cho thấy làn sóng nhiễm biến thể Omicron ở Canada đã vượt qua mức đỉnh. Số ca mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày (tính đến ngày 26/1) cũng giảm 28% so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, bà cho biết số ca nhập viện vì COVID-19 cùng thời điểm này vẫn tiếp tục tăng và hiện mỗi ngày có trung bình hơn 1.200 ca nặng phải chuyển sang chăm sóc tích cực. Biến thể Omicron bắt đầu lây lan nhanh tại Canada vào tháng 12/2021 và vượt qua Delta trở thành biến thể chính gây ra phần lớn số ca mắc mới COVID-19 ở nước này, buộc nhà chức trách phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Ngày 28/1, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao kỷ lục với 269.968 trường hợp, tăng hơn 40.000 ca so với một ngày trước đó, trong bối cảnh biến thể Omicron đang bùng phát mạnh tại quốc gia Nam Mỹ.

Bản tin y tế hằng ngày cũng xác nhận 799 ca tử vong, tăng 127 trường hợp so với một ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Brazil đã ghi nhận hơn 25 triệu ca mắc bệnh, trong đó có khoảng 626.000 ca tử vong.

Sau sự xuất hiện của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 mới tại Brazil liên tục tăng mạnh, tạo ra một làn sóng dịch mới kể từ hồi tháng 12/2021 đến nay. Mặc dù vậy, chính quyền Brazil vẫn không có bất kỳ điều chỉnh nào trong chính sách phòng chống dịch và chỉ đưa ra quyết định hủy một số sự kiện đông người, trong đó có lễ hội Carnival nổi tiếng hàng năm.

Ngoại lệ duy nhất được áp dụng ở thủ đô Brasilia do hệ thống y tế đang bị quá tải khi chính quyền ra lệnh cấm khán giả tham dự các sự kiện thể thao, trong đó có các trận bóng đá được tổ chức tại địa phương này.

Ngày 28/1, Úc chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay với 98 ca, vượt mức kỷ lục 87 ca tử vong hai ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới là hơn 40.000 ca, mức thấp nhất trong gần một tháng.

Giới chức y tế tại nhiều bang cho rằng số ca nhập viện có thể sẽ giảm khi làn sóng lây nhiễm hiện tại bắt đầu lắng dịu. Do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc mới COVID-19 tại Úc đã tăng vọt trong 4 tuần qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 2,46 triệu ca, trong đó có gần 3.500 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhập viện vì COVID-19 trong những ngày gần đây duy trì ổn định ở mức khoảng 5.000 ca/ngày, làm dấy lên hy vọng rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể sẽ sớm đạt đỉnh. Úc là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới với hơn 93% dân số trưởng thành đã hoàn thành các liều cơ bản và gần 70% đã tiêm mũi tăng cường.

Do tỉ lệ tiêm chủng cao, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nhiều khả năng nước này sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới trong vài tháng tới, trước dịp nghỉ Lễ Phục sinh vào ngày 17/4. Hiện Chính phủ Úc đang cẩn trọng xem xét diễn biến tình hình dịch COVID-19 và tham vấn Ban cố vấn y tế quốc gia để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch nước ngoài.

Bộ Y tế Israel ngày 28/1 thông báo đã ký thỏa thuận với công ty Novavax của Mỹ về việc đặt mua 5 triệu liều vắc xin nhằm đa dạng hóa nguồn lực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thỏa thuận trên cần được cơ quan thẩm quyền của Israel phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Dự kiến, các lô hàng đầu tiên sẽ được bàn giao trong những tháng sắp tới, cộng thêm quyền chọn mua 5 triệu liều nữa nếu cần thiết. Khác với hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện có trên thị trường, Novavax là loại vắc xin dựa trên công nghệ protein, trong đó các kháng nguyên có nguồn gốc từ protein được trích xuất và pha trộn với tá dược để giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Người sử dụng sẽ được tiêm hai liều, cách nhau 3 tuần. Bộ Y tế Israel cho biết đây sẽ là “một lựa chọn thay thế cho những người không thể hoặc không muốn tiêm vắc xin dựa trên công nghệ mRNA”. Với yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ lạnh thông thường, Novavax được hy vọng là sẽ cung cấp thêm một lựa chọn đáng kể cho các nước trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tuy nhiên, loại vắc xin này vẫn đang trong giai đoạn chờ cấp phép của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDI), mặc dù đã có một số quốc gia cho phép sử dụng khẩn cấp.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270402/the-gioi-co-hon-370-trieu-ca-mac-covid-19-chau-au-bi-anh-huong-nhat.html