Thế giới có hơn 7 triệu ca mắc Covid-19, gần một nửa đã khỏi bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 8-6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.078.580 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 404.961 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 3.453.052 người.

Dù số ca mắc Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhưng Brazil đã cho phép một số bang nới lỏng giãn cách xã hội.

Dù số ca mắc Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhưng Brazil đã cho phép một số bang nới lỏng giãn cách xã hội.

Châu Âu

Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới cũng như số ca tử vong mỗi ngày ở Italia đang có chiều hướng giảm. Riêng ngày 7-6, có tới 6 vùng gồm Puglia, Friuli Venezia Giulia, Sardegna, Calabria, Molise và Basilicata không có ca nhiễm mới.

Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15-6 để cho các tín đồ cá nhân đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi đó, các nghi lễ hay các nhóm cầu nguyện tập thể sẽ vẫn bị cấm trong thời gian này do lo ngại vi rút SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh trong các không gian khép kín.

Anh cũng có ý định mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng trên toàn quốc vào ngày 15-6. Nhà hàng và quán rượu sẽ được phép hoạt động với số khách ở mức hạn chế trong vòng 1 tuần.

Châu Á

Ấn Độ đã từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong hơn 2 tháng qua nhằm khôi phục nền kinh tế đã kiệt quệ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng đang khiến hàng nghìn nhà máy đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nối lại sản xuất. Các đô thị lớn từng là nơi thu hút đông đảo người lao động đến từ các vùng nông thôn nghèo, nay lại phải chịu tác động từ dòng di cư ngược, khi hàng triệu người lao động trở về quê trong thời gian diễn ra lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tại khu vực Đông Nam Á, chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tại Bogor, Depok và Bekasi, 3 thành phố lớn thuộc khu vực Đại Jakarta, tới ngày 2-7. Tuy nhiên, PSBB sẽ được điều chỉnh theo từng huyện và làng dựa trên mức độ khẩn cấp của mỗi địa phương, cũng như kế hoạch bắt đầu nới lỏng PSBB tại Jakarta trong một số lĩnh vực vào tháng 6 này.

Còn tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế về đi lại và các hoạt động xã hội khác căn cứ trên khuyến nghị từ ngành Y tế. Theo Thủ tướng Muhyiddin Yassin, Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 9-6 và sẽ được thay thế bằng MCO giai đoạn hồi phục, bắt đầu từ ngày 10-6 và kéo dài đến hết ngày 31-8. Theo đó, các hạn chế trong một loạt lĩnh vực sẽ được nới lỏng, đưa xã hội Malaysia trở lại trạng thái gần như trước khi có MCO. Đáng chú ý nhất là việc người dân được phép đi lại giữa các bang, chỉ trừ những khu vực đang bị xếp vào nhóm nguy cơ lây nhiễm cao.

Châu Mỹ

Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại khu vực Mỹ Latinh. Ngày 7-6, Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận 36.078 người thiệt mạng vì vi rút SARS-CoV-2, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh cũng lên tới 678.360 người. Brazil đang là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh. Tuy nhiên, bất chấp các ca nhiễm tăng, một số bang của Brazil đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhằm đưa các hoạt động kinh tế, xã hội quay trở lại bình thường.

Cùng ngày, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) cảnh báo những cộng đồng thổ dân tại vùng Amazon đang chịu “nguy cơ nghiêm trọng” do dịch Covid-19 gây ra, và hối thúc các nước trong khu vực tăng cường biện pháp bảo vệ.

Vùng rừng nhiệt đới và châu thổ sông Amazon bao gồm các phần lãnh thổ của 8 quốc gia Nam Mỹ: Brazil, Peru, Colombia, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Guyana, Surinam, và là nơi trú ngụ của 420 sắc tộc thổ dân thiểu số, trong đó có 60 sắc tộc sinh hoạt theo lối biệt lập tự nguyện. Cơ quan này chỉ ra những vấn đề chính mà các cộng đồng này phải đối diện trong bối cảnh bệnh dịch hiện tại, như thiếu khả năng tiếp cận thông tin y tế đáng tin, không có hạ tầng và dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu cấp bách hiện tại.

UNHCR hối thúc các quốc gia châu thổ Amazon tạm ngừng, hoãn ban hành luật và cấp phép cho các dự án khai thác và phát triển gần nơi sinh sống của các cộng đồng thổ dân; tiến hành khám phòng ngừa đối với các sắc tộc thiểu số này.

Trong khi đó, Peru cũng ghi nhận thêm 4.757ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 196.515 người và 5.465 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.

Theo Báo Hànôịmới

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/the-gioi/the-gioi-co-hon-7-trieu-ca-mac-covid-19-gan-mot-nua-da-khoi-benh-z6n2020060807380029.htm